Quá trình xây dựng bộ chỉ số sáng tạo cấp địa phương ở Việt Nam ra sao?
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của Việt Nam được xây dựng theo cấu trúc tương tự như chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), nhưng đã được điều chỉnh để phù hợp với từng địa phương ở Việt Nam.
- Ban hành bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số
- Đóng góp của chuyên gia WIPO vào việc xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sáng tạo chỉ sinh ra khi cởi mở và đối thoại
PII, hay còn gọi là Provincial Innovation Index, được Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát triển nhằm cung cấp cái nhìn tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Năm 2022 là năm đầu tiên bộ chỉ số này được thử nghiệm với 20 địa phương. Sau khi có kết quả thử nghiệm, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ "chính thức triển khai xây dựng Bộ chỉ số PII trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023" (theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2023).
Cấu trúc của PII được thiết kế với hai nhóm chỉ số đầu vào (5 trụ cột) và đầu ra (2 trụ cột), mỗi trụ cột bao gồm các nhóm với 52 chỉ số thành phần. Sự điều chỉnh các chỉ số thành phần là cần thiết vì chỉ số GII thường đánh giá ở cấp quốc gia nên nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương không có. Ngoài ra, phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới, có những điểm không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam.
So sánh khung chỉ số GII năm 2023 và PII Việt Nam năm 2023. Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ.
Mỗi địa phương có những đặc điểm riêng như quy mô kinh tế xã hội, dân số, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển, và vì vậy cần phải chọn mô hình phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Theo đó, "nhiều địa phương kiến nghị cần có bộ chỉ số đổi mới sáng tạo dành riêng cho địa phương để căn cứ vào đó chỉ đạo điều hành tốt hơn, sát với thực tiễn hơn", như đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ đã nêu.
Ông Trần Văn Nghĩa, phó Giám đốc Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), đơn vị xây dựng bộ chỉ số, cho biết rằng "với 52 chỉ số thành phần phản ánh giá trị của những nội dung khác nhau, để tính được chỉ số tổng hợp cuối cùng dùng để xếp hạng, các chỉ số thành phần được quy chuẩn về cùng một thang đo thống nhất có giá trị từ 0-100".
Trong quá trình thiết kế khung chỉ số và các chỉ số thành phần, có sự tham gia cố vấn kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Chuyên gia quốc tế cũng đã tham gia vào việc đánh giá độc lập về mặt thống kê và phương pháp để đảm bảo tính tin cậy, minh bạch của quy trình tính toán, cũng như sự ổn định của mô hình mới, theo ông Nghĩa.
Để có được dữ liệu, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nhiều hội thảo, làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thống nhất phương thức thu thập.
Các số liệu được thu thập từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác (Cải cách hành chính, Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chuyển đổi số, Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh).
Cụ thể có 20 chỉ số lấy từ các báo cáo, số liệu thống kê của các cơ quan, tổ chức ở trung ương (38,5%); 11 chỉ số lấy từ các bộ chỉ số khác (21%); 8 chỉ số lấy từ dữ liệu quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ (15,5%); 13 chỉ số từ số liệu do địa phương cung cấp (25%).
Các dữ liệu sau đó cũng được thẩm định và kiểm tra, đối chiếu với tài liệu minh chứng. Sau khi xử lý dữ liệu, phân tích, tính toán với quy trình, phương pháp, kỹ thuật tính theo chuẩn quốc tế và được chuyên gia quốc tế độc lập đánh giá và đưa ra kết quả xếp hạng 63 địa phương.
Khung chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2023. Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nguồn dữ liệu của chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.
Bộ Chỉ số Đổi Mới Sáng Tạo Toàn Cầu (Global Innovation Index - GII) là một công cụ đo lường được phát triển bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (World Intellectual Property Organization - WIPO), cùng với các đối tác liên quan. GII được sử dụng để đánh giá và so sánh sự sáng tạo và khả năng đổi mới của các quốc gia trên toàn thế giới.
GII thường xuyên công bố các báo cáo hàng năm về tình trạng đổi mới sáng tạo toàn cầu, dựa trên một loạt các chỉ số và yếu tố như môi trường kinh doanh, nghiên cứu và phát triển, các chỉ số hỗ trợ đổi mới, cũng như khả năng thúc đẩy và tạo ra các sáng kiến mới.
Bằng cách cung cấp cái nhìn tổng thể về sự đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới, GII giúp các quốc gia hiểu rõ hơn về mức độ phát triển của họ trong lĩnh vực này, cũng như giúp họ tìm ra các cơ hội cải thiện và phát triển khả năng đổi mới của mình.
GII đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội thông qua việc khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các xu hướng và thách thức trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng