Sẽ không còn phân biệt GPLX hạng B1 và B2
Trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ không còn phân biệt GPLX giữa hạng B1 và B2 cũng như thay đổi các phân hạng để phù hợp với các quy định của Công ước Viên 1968 tạo điều kiện cho lái xe Việt Nam sử dụng GPLX ở nước ngoài.
- Cấp GPLX sẽ được siết chặt từ ngay ngày đầu năm mới 2020
- GPLX B1 không được lái xe ô tô - Tổng cục Đường bộ nói gì?
- Yêu cầu lắp camera để tăng cường giám sát đào tạo và sát hạch GPLX
Chỉ còn 11 phân hạng GPLX
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, GPLX gồm 13 hạng. Tuy nhiên, nội dung này trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ còn 11 hạng, bỏ hạng A4 cấp cho người điều khiển máy kéo có trọng tải dưới 1.000kg, không còn có sự phân biệt giữa hạng B1 và B2 mà cả hai giấy phép này được cấp cho cả người hành nghề và không hành nghề lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ, xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg. Các hạng GPLX A1, D, E, FB2, FC, FD, FE được đổi tên thành A01, D2, D, BE, CE, D2E, DE.
Gộp 2 phân hạng GPLX B1 và B2.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), đây là nội dung được nội luật hóa từ các quy định về phân hạng GPLX tại Công ước Viên năm 1968, tạo điều kiện cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời đây là nghĩa vụ của quốc gia thành viên khi Việt Nam ký kết, gia nhập công ước này.
Các quy định phân hạng trong dự luật được thực hiện trên nguyên tắc kế thừa các quy định hiện hành của Việt Nam, đồng thời không trái với quy định của Công ước Viên 1968, để không gây tác động khi thay đổi về chính sách. Việc cấp GPLX theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những GPLX thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại.
GPLX gồm các trường thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó có họ, tên, ngày sinh, số định danh cá nhân, ngày cấp, ngày hết hạn… Việc bổ sung quy định thông tin trên GPLX là nội luật hóa từ quy định của Công ước Viên 1968, các thông tin này là yêu cầu bắt buộc đối với GPLX nội địa. Ngoài ra, Luật còn bổ sung quy định về thời hạn GPLX, GPLX quốc tế, các quy định về cấp, cấp lại, đổi, thu hồi GPLX.
Tính điểm GPLX
Việc quy định trừ điểm và phục hồi điểm GPLX thời gian qua được dư luận quan tâm và cho rằng đây là một biện pháp quản lý Nhà nước cần thiết và hữu hiệu trong tình hình hiện nay.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cho hay, Chính phủ đã bàn kỹ và thống nhất đề xuất quy định trừ điểm, phục hồi điểm GPLX là biện pháp quản lý hành chính Nhà nước (không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới để quản lý, giám sát quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Tính điểm GPLX để tăng tính răn đe đối với các tài xế.
Dự luật quy định GPLX có 12 điểm trong 12 tháng, tính từ ngày cấp mới. Trong 12 tháng, người lái xe không bị trừ hết điểm sẽ được phục hồi điểm, nhằm khuyến khích người lái xe nâng cao và có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thực tế cho thấy, việc đánh dấu số lần vi phạm trên GPLX đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 15/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ năm 2003. Đây là một biện pháp quản lý hành chính nhà nước.
Khi đó, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ mà theo quy định của pháp luật, hành vi đó có mức cao nhất của khung tiền phạt từ 200.000 đồng trở lên, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính còn bị đánh dấu vi phạm trên GPLX.
Việc bấm lỗ được áp dụng cả với người điều khiển ôtô và môtô. Lái xe bị bấm lỗ lần thứ 2 sẽ phải sát hạch lại Luật Giao thông đường bộ mới được cấp đổi bằng.
Bị bấm lỗ lần 3, GPLX sẽ hết giá trị sử dụng và người điều khiển phương tiện phải chờ thêm ít nhất 12 tháng mới được phép thi sát hạch để được cấp lại bằng lái. Tuy nhiên, sau đó, quy định này đã bị hủy bỏ vào năm 2007.
“Các lĩnh vực quản lý nhà nước khác như y tế, dược, pháp luật cũng đã quy định biện pháp quản lý hành chính nhà nước tương tự: “Thu hồi chứng chỉ hành nghề” để tăng cường quản lý nhà nước đối với việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, các nước tiên tiến trên thế giới như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Campuchia... đều có quy định trừ điểm GPLX đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông”, Đại tá Đỗ Thanh Bình thông tin.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận