Sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay cho bản giấy từ năm 2023
Một mục tiêu cụ thể của Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước là đến năm 2023 sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy.
- Giải pháp nào thực hiện chứng thực điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia
- Hệ thống chứng thực điện tử được vận hành từ ngày 1/7
- Chữ ký số cá nhân - Bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia
Minh bạch hóa công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức
Ngày 25/6, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Đề án này là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể từ năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ đưa CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức vào quản lý và khai thác sử dụng.
Mục tiêu chung của Đề án này là xây dựng, quản lý, cập nhật dữ liệu thường xuyên, tổ chức khai thác, sử dụng và lưu trữ CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với CSDL cán bộ, công chức của các bộ, ngành, địa phương; CSDL quốc gia ở các lĩnh vực khác, góp phần vào quá trình xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử/ chính quyền điện tử; Thực hiện minh bạch hóa công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Cũng theo Đề án mới được phê duyệt, mục tiêu cụ thể trong năm 2020 là hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, triển khai và vận hành CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Trong đó, tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế.
Trong năm 2021, sẽ hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước tại Bộ Nội vụ; Các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu; Các giải pháp kỹ thuật mật mã để bảo mật dữ liệu lưu trữ và dữ liệu trao đổi thuộc phạm vi bí mật nhà nhà nước.
Bên cạnh đó, cũng trong năm 2021, sẽ chuyển đổi, chuẩn hóa và cập nhật bổ sung dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế vào CSDL cán bộ, công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức tập trung tại Bộ Nội vụ.
Đối với năm 2022 và các năm tiếp theo, Đề án đặt mục tiêu cụ thể là đưa CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức vào quản lý và khai thác sử dụng. Gắn việc khai thác CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính liên quan đến công tác quản lý cán bộ của các cơ quan nhà nước.
Đến năm 2023, sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, giảm thiểu việc kê khai hồ sơ, lý lịch cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện quy trình tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, đề bạt, bổ nhiệm…
Song song với đó, từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống; Thực hiện việc cấp biên chế công chức, số người làm việc và hợp đồng lao động trong các cơ quan nhà nước qua Hệ thống phần mềm, CSDL.
Cũng trong giai đoạn từ năm 2022 và các năm tiếp theo, sẽ thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, CSDL quốc gia khác và CSDL cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương để thu thập, tích hợp, tổng hợp, phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ trong việc ban hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ, nguồn nhân lực theo thời gian thực.
Sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Bên cạnh việc nêu rõ các yêu cầu về nghiệp vụ, kỹ thuật, Đề án xây dựng CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước cũng đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sẽ được tập trung triển khai thời gian tới, với phân công cụ thể đơn vị chủ trì các nhiệm vụ và thời gian cần hoàn thành.
Đơn cử như, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định về mẫu phiếu thông tin đầu vào sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả mẫu phiếu điện tử) thống nhất trong toàn hệ thống chính trị sẽ được Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện, thời gian hoàn thành là tháng 10/2020.
Nhiệm vụ xây dựng phần mềm quản lý CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ Nội vụ dự kiến sẽ được Bộ này hoàn thành trong năm 2021.
Năm 2021 cũng là thời gian Ban Cơ yếu Chính phủ cần hoàn thành các giải pháp an ninh, an toàn bảo mật thông tin CSDL cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình chuyển đổi, liên thông, tích hợp, đồng bộ dữ liệu.
Để tổ chức thực hiện Đề án, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Nội vụ chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về việc xây dựng, triển khai CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; Các quy chuẩn, quy định kỹ thuật liên quan đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
Bộ Nội vụ cũng được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương thống nhất các tiêu chí thông tin quản lý (đầu vào, đầu ra), mẫu sơ yếu lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức điện tử áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; Thống nhất các giải pháp liên thông, chia sẻ tích hợp thông tin dữ liệu của các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội do Ban Tổ chức Trung ương làm đầu mối với các cơ quan nhà nước do Bộ Nội vụ làm đầu mối…
Bộ TT&TT có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc kết nối, khai thác sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đối với CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về CNTT phục vụ cho xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, kết nối và chia sẻ CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức triển khai công tác giám sát, ứng cứu khẩn cấp, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận