Tại sao chỉ giảm tải chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với công chức hành chính và văn thư?
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ Nội vụ đã giảm tải về chứng chỉ bằng thông tư 02 tuy nhiên văn bản này chỉ điều chỉnh đối với ngạch công chức chuyên ngành hành chính và văn thư còn đối với ngành nghề khác sẽ được điều chỉnh bởi cơ quan quản lý chuyên ngành.
- 7 đơn vị phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT
- Bộ Nội vụ bỏ các loại chứng chỉ phải đạt được “học thật, thi thật, nhân tài thật”
- Danh sách đơn vị được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Trao đổi với báo chí liên quan đến quy định về văn bằng, chứng chỉ, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Nguyễn Tư Long cho biết, ngày 11/6, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.
Theo đó, không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong việc tuyển dụng cũng như trong quá trình thi nâng ngạch với đội ngũ công chức hành chính. Thông tư này nhận được sự đồng tình của dư luận, đặc biệt là sự hưởng ứng của đại bộ phận đội ngũ công chức hành chính.
Công chức hành chính và văn thư là do Bộ Nội vụ quản lý nên được điều chỉnh trong Thông tư còn các lĩnh vực khác do cơ quan quản lý chuyên ngành điều chỉnh.
“Chúng ta đang thực hiện chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp thì đồng thời cũng phải cắt giảm những thủ tục hành chính, quy định rườm rà đối với đội ngũ công chức, viên chức, giảm áp lực về văn bằng, chứng chỉ, học hành không cần thiết”, ông Nguyễn Tư Long nói.
Theo ông Tư Long, hiện chúng ta đang hướng đến quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm, đối với mỗi vị trí việc làm sẽ có yêu cầu trình độ tương ứng, do đó, sẽ giảm được rất nhiều hệ quả của văn bằng, chứng chỉ.
Ông Long dẫn chiếu ví dụ có liên quan, một người làm ở vị trí không cần đến trình độ tiếng Anh B1, B2 nhưng lại vẫn bắt họ đi học sẽ dễ dẫn đến hệ quả là mua văn bằng, chứng chỉ, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
“Giảm áp lực về văn bằng, chứng chỉ là giảm hệ quả cho đội ngũ cán bộ, công chức khi bắt buộc phải làm những việc không cần thiết”, ông Tư Long nói.
Mặc dù chưa có tính toán cụ thể về lợi ích kinh tế, song, ông Tư Long cho rằng, chi phí đi học để có được một văn bằng chứng chỉ thông thường từ 2,5- 3 triệu đồng.
Công chức hành chính hiện có khoảng 300 nghìn người, trong đó khoảng 200 nghìn người sẽ phải đi hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ trong thời gian còn lại.
Như vậy, việc cắt giảm văn bằng, chứng chỉ có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể đến chi phí thời gian và chi phí xã hội, những vấn đề phức tạp trong quá trình phải đi học.
Giải thích về việc Thông tư số 02/2021/TT-BNV chỉ điều chỉnh đối với các ngạch chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, ông Nguyễn Tư Long cho hay, theo quy định phân cấp hiện nay, đội ngũ công chức hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ, đội ngũ công chức chuyên ngành khác và đội ngũ viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ chuyên ngành.
Trước đó, Bộ Nội vụ đã báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có chỉ đạo các Bộ khẩn trương rà soát các thông tư quy định tiêu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ, đối với chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì đề nghị cắt giảm, đối với những chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phải tích hợp lại theo hướng thu gọn nhất.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, khi có vị trí việc làm và công chức đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện được đăng ký dự thi nâng ngạch, chứng chỉ ngoại ngữ và tin học không phải là điều bắt buộc để đăng ký. Việc đi học để nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao trình độ tay nghề là rất tốt. Hiện nay, các công chức ở bộ, ngành Trung ương nếu không sử dụng được máy vi tính sẽ không làm được việc, đương nhiên họ phải hoàn thiện, đó là nhu cầu tự thân.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận