Bộ Nội vụ bỏ các loại chứng chỉ phải đạt được “học thật, thi thật, nhân tài thật”
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu Bộ Nội vụ loại bỏ các chứng chỉ phải gắn với nâng cao chất lượng công chức, viên chức theo đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong giáo dục, đào tạo là phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
- 7 đơn vị phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT
- Danh sách đơn vị được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
- Mạng 5G đầu tiên trên thế giới đạt Chứng chỉ CC EAL4+
Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với các Bộ trong quá trình thực hiện việc rà soát, cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu, bảo đảm nguyên tắc việc bỏ các chứng chỉ phải gắn với nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một cách thực chất, nhất là trình độ ngoại ngữ; phù hợp với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Các loại chứng chỉ được áp dụng trang ngạch công chức, viên chức đang bị mang tính hình thức hơn là thực tế.
Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn chỉnh lại và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong tháng 6/2021.
Trong đó, lưu ý nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; phân cấp thẩm quyền; quy định rõ lộ trình thực hiện các nội dung liên quan đến chứng chỉ bồi dưỡng và trách nhiệm của các Bộ trong triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý cho phù hợp, bảo đảm cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; quy định về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp viên chức phù hợp với yêu cầu, tính chất hoạt động nghề nghiệp của công chức, viên chức.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, sửa đổi các chương trình bồi dưỡng đối với công chức, viên chức chuyên ngành được giao quản lý, tránh trùng lắp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Trước đó, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.
Trong đó, bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức.
Cùng với đó là cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Các loại "giấy phép con" này khiến cho chức danh nghề nghiệp giáo viên càng thêm vất vả trong thời gian qua.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều “tiếng kêu” của viên chức về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với đội ngũ giáo viên tại các cơ sở đào tạo công lập khi thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cần thiết phải đổi mới việc quản lý, sử dụng, đặc biệt là việc đổi mới nội dung và hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, rà soát toàn bộ quy định về chứng chỉ đối với đội ngũ công chức, viên chức.
Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong giáo dục, đào tạo là phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”; cán bộ, công chức phải làm việc thực chất, chống bệnh hình thức, tránh phô trương, không chủ quan, thỏa mãn. Vì vậy, Người đứng đầu Chính phủ rất quan tâm đến nội dung này và yêu cầu Bộ rà soát, mạnh dạn đưa ra đề xuất.
Tuy nhiên, việc tổng hợp, rà soát tất cả các loại chứng chỉ đối với đội ngũ công chức, viên chức trong toàn hệ thống là khối lượng công việc lớn, đòi hỏi cẩn trọng và khách quan trong việc phân tích, đánh giá, nhận định để đưa ra đề xuất.
Qua rà soát các quy định và tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Nội vụ nhận thấy, việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức được thực hiện từ năm 2003 và đi vào nề nếp.
Các chương trình bồi dưỡng đã cung cấp một nền kiến thức chung về quản lý hành chính nhà nước, quản lý chuyên ngành, các kỹ năng làm việc, thực hiện nhiệm vụ, góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức còn một số hạn chế, tồn tại như nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp trong cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.
Việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng.
“Việc loại bỏ, cắt giảm chứng chỉ sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp các loại văn bằng, chứng chỉ. Vì vậy, việc có người này, người kia "tâm tư" là chuyện khó tránh khỏi. Nhưng đây là vấn đề tác động trực tiếp đến hàng triệu viên chức và liên quan đến phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức. Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp, để một mặt vừa giảm “gánh nặng” đối với công chức, viên chức; một mặt đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Bộ Nội vụ đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP theo hướng, không quy định cụ thể các chương trình bồi dưỡng theo các ngạch công chức hoặc hạng viên chức; thời hạn mỗi chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp không quá 8 tuần; nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng do bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể.
Quy định việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý được thực hiện trước hoặc sau khi bổ nhiệm. Đồng thời, sửa quy định về bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; nghiên cứu quy định về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp cho phù hợp với yêu cầu, tính chất hoạt động nghề nghiệp của công chức, viên chức.
Các bộ xem xét lồng ghép các chương trình bồi dưỡng do bộ quản lý chuyên ngành quy định; rà soát, sửa đổi các chương trình bồi dưỡng đối với công chức, viên chức chuyên ngành được giao quản lý để tránh trùng lắp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo quy định mới tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận