Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tự Trọng
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết đại dịch COVID-19 bộc lộ 3 vấn đề lớn đối với TP.HCM. Thứ nhất là quản trị TP trong tình hình mới. Thứ hai là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị TP. Thứ ba là từ đổi mới công tác quản trị tìm ra động lực mới cho tăng trưởng của TP trong tương lai.
Đây là 3 vấn đề mà TP đã nhận ra và thấy cần phải tập trung giải quyết trong thời gian sắp tới để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.
"Trong bối cảnh đó, TP xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của TP", ông Mãi nói.
Từ tháng 7/2020, TP.HCM đã đề ra chương trình chuyển đổi số với 10 lĩnh vực tập trung gồm y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực.
TP cũng đặt mục tiêu tới năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% trong GRDP, và năm 2030 chiếm 40% GRDP của TP. Đây là mục tiêu khá kỳ vọng và thách thức, do vậy cần có những lộ trình, bước đi và những giải pháp hết sức khả thi thì TP mới thúc đẩy được chuyển đổi số, tăng tỉ trọng của kinh tế số trong GRDP.
Do vậy, chủ tịch UBND TP nhấn mạnh chuyển đổi số hiện có sứ mệnh mới. Trong đó, cần sáng tạo và ứng dụng những giải pháp công nghệ số để duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm góp phần phòng chống dịch thành công và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến suy thoái kinh tế. Để hoàn thành được những mục tiêu trên, TP xác định con người là yếu tố then chốt, là chủ thể của chuyển đổi số.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tự Trọng
Thời điểm thích hợp để chuyển đổi số
Góp ý cho chuyển đổi số và vai trò của chuyển đổi số ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, bà Carolyn Turk, giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng: "COVID-19 chính là tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn. Các trợ lý ảo, các phần mềm trả lời tự động, các chatbot, AI… đã giúp các chính phủ phản ứng nhanh hơn với các vấn đề trong dịch bệnh như truy vết… Điều đó đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới như Singapore, Trung Quốc…
Việt Nam xác định chiến lược chính phủ số là một trong ba trụ cột chính của chuyển đổi số bên cạnh xã hội số và kinh tế số. Lĩnh vực mua sắm trực tuyến đã tăng đáng kể, tăng 30% kể từ khi đại dịch bùng phát. Với vị trí đó, chuyển đổi số chính là mệnh lệnh chứ không phải kiểu bổ sung mang tính thú vị nữa".
Với TP.HCM, bà Carolyn Turk cho rằng TP đã xác định sống chung với COVID-19 và đây là thời điểm thích hợp, cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số, giúp TP.HCM đi đầu trong kỷ nguyên số hiện nay. Tuy nhiên, TP.HCM cần có chiến lược bao gồm lộ trình thực hiện rõ ràng, tăng cường dữ liệu, tái đào tạo, tạo môi trường khởi nghiệp cho các công ty vừa và nhỏ…
Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia quản trị công cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng vấn đề TP.HCM cần thực hiện cụ thể là chuyển đổi để tăng giá trị của nền kinh tế số. Qua đó, TP.HCM có sức cạnh tranh tốt hơn, khả năng phục hồi tốt hơn sau dịch COVID-19.
TP.HCM hiện đang xếp vị trí thứ 5 trong 63 tỉnh thành phố trong bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam. TP.HCM đóng góp 1/3 GDP của quốc gia, vì vậy TP.HCM cần tiên phong hơn nữa trong chuyển đổi số.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận