Ba xu hướng định hình thị trường DC và Cloud tại Việt Nam
Ba xu hướng lớn tác động đến thị trường DC - Trung tâm dữ liệu (TTDL) và Cloud - Điện toán đám mây (ĐTĐM) là: Chuyển đổi số; 5G và điện toán biên; Digital Hub. Ngoài ra còn một số xu hướng khác nữa, nhưng 3 xu hướng này là chủ đạo.
- Hạ tầng internet Việt Nam góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế số
- Xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam trở thành Digital Hub của PPAC
- Các vấn đề trọng yếu trong xây dựng hạ tầng số của Việt Nam
Đáng chú ý, tương lai số của Việt Nam tới đây sẽ là hạ tầng phân tán với X-as-a-service, là Cloud Computing và Edge Computing, đó là sự kết hợp giữa IoT và 5G trong kết nối băng rộng, Digital Twin trong tự động hóa và ảo hóa, thực tế ảo tăng cường với AI trong vũ trụ Omniverse. Bên cạnh đó, không thể thiếu các công nghệ bảo mật với Zero trust và blockchain.
Đó là nhận định của các chuyên gia đến từ các tổ chức công - tư hàng đầu trong và ngoài nước tại Hội nghị Data Center and Cloud Infrastructure Summit 2022 vừa diễn ra vào sáng ngày 14/6 tại Khách sạn Lotte Hà Nội.
Đây là sự kiện quy mô lớn đầu tiên trong lĩnh vực Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây (Data Center and Cloud Computing) do Viettel IDC tổ chức.
Gần 1000 đại biểu, các chuyên gia đến từ các tổ chức công - tư hàng đầu trong và ngoài nước, Viện chiến lược thông tin và truyền thông - Bộ TT&TT, Akamai, ADCS, Arista, Chunghwa Telecom, Cloudian, Eaton, NVIDIA, Palo Alto, Uptime Institute, HPE, Vertiv, Dell Technologies … tham gia sự kiện.
Chia sẻ tại sự kiện, PGS. TS. Trần Minh Tuấn - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT, Bộ TT&TT đã chỉ ra bức tranh thị trường Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây (TTDL và ĐTĐM) tại Việt Nam, đồng thời nêu ra những định hướng về tương lai trong ngắn, trung và dài hạn.
Chuyển đổi số tại Việt Nam định hình thị trường TTDL và ĐTĐM
Xu hướng chuyển đổi số tác động mạnh nhất đến thị trường TTDL và ĐTĐM. Thị phần dịch vụ ĐTĐM hiện nay tập trung nhiều nhất ở miền Bắc (44,92%), tiếp theo là khu vực miền Nam 38,53% và khu vực miền Trung có thị trường dịch vụ ĐTĐM thấp nhất 03 miền, chỉ chiếm khoảng 16,55% doanh thu toàn thị trường.
Bằng bốn nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chuyển đổi số quốc gia liên quan đến hạ tầng TTDL và ĐTĐM, cụ thể là:
Thứ nhất, Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia. Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất.
Thứ hai, Hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp. Đầu tư trang bị các hệ thống thiết bị thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu công.
Thứ ba, Xây dựng Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ (CGC) thống nhất trên cơ sở quy hoạch, kết nối đám mây của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương (AGC) tạo môi trường để lưu trữ, chia sẻ tài nguyên, phát triển dịch vụ dùng chung cho Chính phủ số trên quy mô toàn quốc được linh hoạt, hiệu quả, nhanh chóng; Kết nối, khai thác hiệu quả các hệ thống đám mây của doanh nghiệp (EGC) để cung cấp hạ tầng điện toán đám mây cho Chính phủ số.
Thứ tư, Phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Lộ trình và kế hoạch thực hiện Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2022.
Các chuyên gia đánh giá cơ sở hạ tầng của Việt Nam không chỉ được bảo vệ tốt mà còn đang trở thành một giải pháp công nghệ thông tin bền vững nhờ các chính sách của chính phủ Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu đặt tại các thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương và Cần Thơ, với nhiều quy mô và Chứng nhận thời gian hoạt động giúp nắm bắt nhu cầu và tiêu chuẩn của tất cả các loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Xu hướng 5G và điện toán biên
Theo báo cáo của McKinsey, tốc độ tăng trưởng trung tâm dữ liệu biên trên toàn cầu cỡ 33%/năm. Các micro DC (Data center) đặt gần các BTS, eNodeB phục vụ các ứng dụng như AR/VR, Cloud Gamings, AI bots như dịch tự động, chatbot, IoT v.v. sẽ bùng nổ... Hệ thống camera giám sát và các CDN (mạng phân phối nội dung) tại các đô thị thông minh, các tuyến đường quốc lộ đã và đang bùng nổ ở Việt Nam.
Theo McKinsey thế mạnh của các nhà mạng là Edge Cloud – MEC, thị trường sẽ bùng nổ năm 2022, nhờ nhu cầu từ các doanh nghiệp công nghiệp. Năm 2022 đến 90% doanh nghiệp công nghiệp toàn cầu sẽ sử dụng Edge Cloud. Theo Datacenternews.asia, ước tính thị trường MEC sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 157,4%,năm 2024 đạt doanh thu 7,23 tỷ USD (từ mức 64,1 triệu USD vào năm 2019).
Xu hướng phát triển trung tâm dữ liệu 5G và điện toán biên trên thế giới. Ảnh chụp từ bài trình bày.
PGS. TS. Trần Minh Tuấn nhấn mạnh, 3 xu hướng lớn tác động đến thị trường TTDL và ĐTĐM là: Chuyển đổi số; 5G và điện toán biên; Digital Hub. Ngoài ra còn một số xu hướng khác nữa, nhưng 3 xu hướng này là chủ đạo.
Định hướng phát triển Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại Việt Nam
Theo PGS. TS. Trần Minh Tuấn, định hướng phát triển TTDL và ĐTĐM tại Việt Nam được tập trung 3 nhóm lớn đó là, mạng lưới TTDL phục vụ chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; trung tâm dữ liệu khu vực, quốc tế (digital hub); điện toán đám mây (Public, Private, Hybird). Hướng tới đặt các TTDL phù hợp với các quy hoạch điện quốc gia, đặc biệt là quy hoạch điện VIII.
Các TTDL được đặt tại các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương như: Hà Nội, Hòa Bình, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Tây Nguyên, nơi có khí hậu mát và lạnh phù hợp với yêu cầu về môi trường cho trung tâm dữ liệu.
Vấn đề nguồn điện dành cho các TTDL được Bộ TT&TT đề xuất thí điểm mua bán điện trực tiếp với các nhà sản xuất điện năng trong bối cảnh EVN đang là đơn vị duy nhất cung cấp truyền tải điện tại Việt Nam. Đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất điện, như các trung tâm điện gió trực tiếp đầu tư vào các TTDL. Bộ TT&TT đề xuất xây dựng trạm trung chuyển internet quốc gia (VNIX) cạnh quy hoạch TTDL nhằm đảm bảo tốc độ kết nối internet băng thông lớn cho các dịch vụ số.
Ông Tuấn cho biết thêm, các trung tâm dữ liệu khu vực digital hub được khuyến nghị đặt tại trung tâm tài chính lớn của khu vực, hiện nay Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng các trung tâm tài chính này, từ đó thu hút các công ty công nghệ lớn đầu tư các TTDL và hệ thống cáp quang biển cũng như hệ thống trạm cáp biển trung lập phục vụ cho Việt Nam và các nước trong khu vực. Trên cơ sở đó, ông khuyến nghị xây dựng đa dạng các dịch vụ điện toán đám mây với xu hướng mới là "multi cloud" dịch vụ kết hợp giữa nhà cung cấp trong nước và quốc tế.
Tầm nhìn đến 2025-2030, Việt Nam sẽ phát triển 02 trung tâm dữ liệu quốc gia phục vụ Chính phủ số quy mô lớn, 01 Trung tâm quốc gia giám sát trung tâm dữ liệu và 03 cụm trung tâm dữ liệu vùng (siêu trung tâm dữ liệu) phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, từ 01 đến 02 trung tâm dữ liệu khu vực phục vụ nhu cầu của các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế. Từ đó, đảm bảo 100% cơ quan thuộc chính phủ dùng điện toán đám mây Chính phủ, 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.
Các cụm trung tâm dữ liệu quy mô lớn phát triển theo tiêu chuẩn xanh, kết nối và chia sẻ tạo thành mạng lưới các cụm trung tâm dữ liệu nhằm thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn, bảo đảm hiệu quả sử dụng năng lượng, đạt lợi thế theo quy mô và đảm bảo an toàn dữ liệu
Tại Hội nghị, các chuyên gia nhận định nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển và đầy triển vọng ở khu vực Đông Nam Á, điều này mang tới dấu hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành công nghệ nói riêng muốn mở rộng dấu ấn của mình sang các khu vực mới có tiềm năng tăng trưởng cao.
Ngoài ra, việc gia tăng đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài cũng như các hoạt động mua bán và sáp nhập mới được đánh giá là tín hiệu tốt cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, cả thị trường trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây đều được dự đoán sẽ tăng trưởng đáng kinh ngạc với tốc độ tăng trưởng vượt bậc.
Data Center and Cloud Infrastructure Summit 2022
Hội nghị Data Center and Cloud Infrastructure Summit 2022 gồm ba phiên chuyên đề chính liên quan đến thị trường với các nội dung hấp dẫn được thảo luận sôi nổi bao gồm: Data Center Room, Cloud Room và Trending Room.
Điểm nhấn phần toạ đàm trong Data Center, dưới dự dẫn dắt của Ông Nguyễn Đình Tuấn – Trưởng phòng kỹ thuật, Viettel IDC cùng sự tham gia của ông Trần Minh Tuấn và. Ông Bùi Tuấn Việt – Chuyên gia kỹ thuật hạ tầng Data Center Viettel IDC, trao đổi về các xu hướng và các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường Trung tâm dữ liệu.
Tại phiên chuyên đề Cloud, những thông tin về hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, di chuyển từ lưu trữ vật lý lên đám mây cùng các giải pháp bảo mật được chia sẻ bởi các chuyên gia hàng đầu về Cloud.
Với phiên chuyên đề Trending, phương pháp bảo mật Microsegmentation/ Zero Trust với mục đích nâng cao hiệu quả về an ninh mạng, trí tuệ thông minh nhân tạo (AI), môi trường thế giới ảo (Metaverse) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã được trao đổi với sự tham gia sôi nổi của người tham dự.
Data Center and Cloud Infrastructure Summit 2022 là sự kiện quy mô lớn đầu tiên trong lĩnh vực Data Center and Cloud computing do một nhà cung cấp dịch vụ nội địa tổ chức. Mục đích của hội nghị không phải hội thảo để quảng bá, bán hàng, đây là hội thảo của sự học hỏi (learning, education chance), chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối. Từ những chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, Viettel IDC hi vọng các doanh nghiệp có thể cập nhật những công nghệ mới, áp dụng vào quá trình phát triển hoạt động kinh doanh và chuyển đổi số của đơn vị mình.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận