Năm 2021 sẽ đón đầu 4 xu hướng AI quan trọng. Ảnh: Getty
Theo đó, Công nghệ tự động hóa, An ninh mạng và AIOps, AI hợp sức cùng IoT, AI cá nhân hóa cho marketing,... chắc chắn sẽ là cột mốc phát triển rực rỡ tiếp theo của trí tuệ nhân tạo.
Công nghệ tự động hóa
Sự ảnh hưởng của đại dịch đã buộc mọi người phải thật cẩn trọng trong ngân sách, vì vậy các doanh nghiệp đã chuyển hướng đến công nghệ RPA (công nghệ tự động hóa quy trình bằng robot) và IPA (công nghệ tự động hóa quy trình thông minh).
Việc này nhằm cắt giảm số lượng nhân viên giải quyết các tác vụ nhỏ lẻ và "đẩy" họ sang giải quyết những thứ phức tạp hơn. Đây là chiến thuật "thông minh bù cần cù".
Tạp chí Forbes dự báo sự chuyển dịch này sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm 2021 cùng với đà phát triển của những công ty RPA. Con người đang hướng đến những cấp độ cao hơn của tự động hóa thông minh bằng cách kết hợp kỹ thuật robot truyền thống dùng trong các quy trình tự động với các quy trình thông minh vận hành dựa trên điện toán đám mây, học máy và trí tuệ nhân tạo.
An ninh mạng và AIOps
Bước vào năm 2021, chúng ta sẽ chứng kiến AI chuyên dụng trong an ninh mạng cũng như các giải pháp công nghệ thông tin tự động hóa thông qua AIOps (trí tuệ nhân tạo cho hoạt động công nghệ thông tin). Sự chuyển đổi này là rất lớn, đặc biệt trong thời điểm nhiều nhân viên làm việc tại nhà trên các thiết bị bảo mật kém.
Hàng loạt công ty cung cấp giải pháp công nghệ trên toàn thế giới đang tập trung cải thiện và nâng cao năng lực của AIOps để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng. Công nghệ này tự động dự đoán và giải quyết các vấn đề, lỗ hổng công nghệ thông tin.
AI hợp sức cùng IoT
Chúng ta cuối cùng cũng thấy được sự kết hợp "trơn tru" giữa AI và công nghệ Internet vạn vật (IoT) như hình dung ban đầu của đa số các chuyên gia, tuy bước đi này vẫn còn chậm chạp.
Trong kỷ nguyên AI, công nghệ IoT được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ vào sự thịnh hành của các cảm biến thông minh với khả năng xử lý "thần tốc".
Trong quá khứ, IoT đã có thể giám sát và lưu trữ dữ liệu và đôi khi cho phép diễn ra một vài thao tác xử lý hoặc tự động hóa. Giờ đây với sự giúp sức của AI, IoT có bước chuyển mình thành AIoT (trí tuệ nhân tạo vạn vật), các hệ thống có thể thao tác trên các dữ liệu giám sát, khóa cửa, điều tiết giao thông, giảm nhiệt độ không khí trong nhà hay tắt đèn...
Các chuyên gia dự đoán 28% số nhà ở Mỹ sẽ trở nên "thông minh" trong năm 2021. Đó là nhờ vào các thiết bị hoạt động dựa trên cảm biến có giá cả hợp túi tiền và trải nghiệm người dùng cao của các công ty như Amazon hay Google, cùng với các công nghệ thông minh có thể tương tác với dữ liệu thời gian thực và tự động hóa các quy trình.
Và tất nhiên, công nghệ này chắc chắn sẽ được mở rộng quy mô thành các tòa nhà thông minh, thành phố thông minh... Màn phối hợp mạnh mẽ giữa AI và IoT đang đi những bước đi đầu tiên, với tiềm năng mang đến lợi ích to lớn về an ninh, sự bền vững, trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa theo thời gian thực.
AI đã có thể kết hợp "trơn tru" với IoT. Ảnh: Analystics Insight
AI cá nhân hóa cho marketing
Điểm chung giữa AI và marketing (tiếp thị) là cả 2 đều cần dữ liệu. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta kết hợp chúng lại với nhau? Nói không ngoa, đó chính là cánh cửa mở ra thế giới của vô vàn khả năng.
Ta đã từng chứng kiến cách các công ty dùng những "mũi tên" dữ liệu nhỏ để "bắn trúng" khách hàng mục tiêu. Và thầm cảm ơn AI, việc làm này sẽ ngày càng chuẩn xác hơn.
Rất giống với cách thức mà AI phối hợp IoT để tận dụng dữ liệu nhằm mang tới trải nghiệm khách hàng, công nghệ AI cá nhân hóa cho marketing sẽ bước thêm một bước xa hơn.
Ngày càng nhiều dữ liệu về khách hàng được thu thập và tối ưu hóa, vì thế ngày càng cải thiện khả năng dự đoán liệu đường đi nước bước tiếp theo nào là tốt nhất hoặc ưu đãi nào là hoàn hảo nhất.
Chúng ta đang chứng kiến AI trên đà phát triển rộng khắp và dần trở thành một phần bình thường của đời sống con người, thậm chí là trong một năm không hề bình thường bởi ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch. Và năm 2021 chắc chắn sẽ là cột mốc phát triển rực rỡ tiếp theo của trí tuệ nhân tạo.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận