Google phải bồi thường cho cá nhân ở Australia vì chức năng chính của mình
Google đã nhận phán quyết này từ toà án tối cao bang Victoria (Australia) theo đơn kiện của luật sư ở Melbourne khi ông lớn công nghệ này vẫn hiển thị những thông tin đã bị dỡ bỏ từ nguồn về cáo buộc đã được rút lại trước đó đối với vị luật sư này.
- "Vận đen" tiếp tục đeo bám Google khi bị điều tra về chống độc quyền
- Australia kỳ vọng cân bằng thu nhập với Facebook, Google thông qua bộ quy tắc ứng xử
- Nhiều biện pháp mạnh chờ đón Facebook và Google nếu không sớm thoả thuận với truyền thông Australia
Tòa án tối cao bang Victoria (Australia) của nước này ngày 30/4 đã ra phán quyết buộc hãng Google phải trả 40.000 AUD (khoảng 26.000 USD) tiền bồi thường cho một luật sư ở thành phố Melbourne vì đã hiện thị các thông tin cho nội dung phỉ báng vị luật sư này.
Luật sư George Defteros đã kiện Google khi các kết quả tìm kiếm trên mạng tra cứu này đã gắn kết tên của ông với các thành viên trong băng nhóm xã hội đen ở bang Victoria.
Chức năng tìm kiếm của Google đã khiến hãng này phải đền bù do lỗi được phán quyết là phỉ báng cá nhân.
Vụ kiện tập trung vào các bài báo và hình ảnh do báo The Age xuất bản năm 2004, sau khi ông Defteros bị buộc tội âm mưu giết Carl Williams và các thành viên khác trong "thế giới ngầm", trong khi đang điều hành một công ty luật ở Melbourne có một số khách hàng là thành viên băng nhóm xã hội đen.
Vì cáo buộc này, ông Defteros đã bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư trong ba năm, trước khi cáo buộc được rút lại vào năm 2005.
Trong đơn kiện, ông Defteros cho biết trong các năm 2016 và 2017, các kết quả tìm kiếm trên Google tiếp tục đưa ra các bài báo có nội dung phỉ báng ông, trong đó bao gồm cả một mục trong bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia.
Trong khi đó, báo The Age đã gỡ bỏ nội dung liên quan đến vụ việc của luật sư Defteros vào cuối năm 2016.
Trong phiên tòa tổ chức vào năm ngoái, các luật sư của Google lập luận rằng công ty không phải là nhà xuất bản tài liệu trên và không có hành vi phỉ báng ông Defteros.
Google tuyên bố việc tự động hóa các công cụ tìm kiếm của công ty đồng nghĩa với việc công ty không phải là một công cụ truyền đạt từ ngữ hoặc hình ảnh có chủ đích, đặc biệt là khi người dùng nhấp chuột tới một trang web khác.
Trong phán quyết dài 98 trang, Thẩm phán Melinda Richards đã bác bỏ các lập luận trên của Google và khẳng định: “Công cụ tìm kiếm Google không phải là một công cụ thụ động”.
Phán quyết nêu rõ: "Công cụ tìm kiếm được thiết kế bởi những người làm việc cho Google để vận hành theo cách của công ty và bằng cách này đã xác định những nội dung phản cảm có thể được gỡ bỏ bằng sự can thiệp của con người.… Google trở thành nhà xuất bản của các kết quả tìm kiếm mà công cụ tìm kiếm của công ty đem lại cho người dùng có truy vấn tìm kiếm.
Thẩm phán Richards cũng khẳng định rằng việc cung cấp các liên kết trong kết quả tìm kiếm "tương đương với việc xuất bản".
Trước đó, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đẩy các doanh nghiệp và nền kinh tế thế giới vào tình thế khốn đốn, Alphabet – công ty mẹ của Google ngày 28/4 công bố doanh thu đạt gần 41,2 tỷ USD trong quý I/2020, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí vượt cả những dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó cho rằng tập đoàn này chỉ đạt 40,3 tỷ USD doanh thu.
Alphabet cũng thông báo kết quả tài chính trong quý đầu tiên của năm 2020 với lợi nhuận ròng đạt 6,84 tỷ USD, cao hơn so với mức 6,66 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Phụ trách tài chính hàng đầu của Alphabet và Google, Ruth Porath nói: "Mạng lưới kinh doanh của chúng tôi, dẫn đầu là Search, Youtube và Cloud, đã đưa doanh thu của Alphabet lên 41,2 tỷ USD, tăng 13% so với năm ngoái".
Theo báo cáo tài chính, trong tổng doanh thu có được, ngoài doanh thu của Google Cloud và Youtube liên tục gia tăng, có tới 33,76 tỷ USD là từ quảng cáo.
Trước đó, báo cáo quý trước của tập đoàn (kết thúc ngày 31/12/2019), đánh giá kết quả kinh doanh lần đầu tiên kể từ khi Giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai tiếp nhận vị trí này, cho thấy trong quý IV/2020, tập đoàn này đã thu về 46 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lợi nhuận lên tới 10,7 tỷ USD. Công cụ tìm kiếm vẫn là lĩnh vực đem tới nhiều tiền nhất cho Google, với khoảng 27,2 tỷ USD.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận