Không thể giải quyết 'khủng hoảng' các hãng công nghệ tính đến tự sản xuất chip riêng
Trong bối cảnh chuỗi sản xuất đứt gãy khiến "khủng hoảng" chip ngày càng nghiêm trọng hơn, để có thể khôi phục sản xuất các "ông lớn" làng công nghệ thế giới Apple, Amazon, Facebook, Tesla và Baidu được là đang phát triển loại chip riêng để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng cao với mặt hàng "nhỏ bé" này.
- Big data - Nhiệm vụ trọng tâm xây dựng quốc gia số trong "khủng hoảng" chip bán dẫn của Nhật Bản
- Chip bán dẫn "nhỏ bé" sẽ đẩy kinh tế thế giới về đâu?
- 'Khủng hoảng' chip bán dẫn ô tô chuẩn bị có nguồn cung mới từ Bosch
Theo ông Syed Alam, quản lý cấp cao của công ty dịch vụ công nghệ Accenture, có trụ sở tại Ireland (Ai-len) cho biết các doanh nghiệp công nghệ ngày càng muốn sử dụng loại chip được sản xuất riêng phù hợp với yêu cầu cụ thể của các ứng dụng hơn là sử dụng các loại chip đại trà giống với các đối thủ cạnh tranh khác.
Theo ông Alam, loại chip riêng cho phép các công ty công nghệ kiểm soát tốt hơn sự liên kết giữa phần mềm và phần cứng đồng thời giúp phân biệt họ với các đối thủ cạnh tranh.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, cựu quản lý tại công ty sản xuất và giải pháp chip Dialog Semiconductor của Vương quốc Anh, Russ Shaw, cho rằng các loại chip được thiết kế riêng có thể hoạt động tốt hơn và có giá thành thấp hơn.
Để phục hồi sản xuất trong tình hình "khủng hoảng" chip vẫn còn kéo dài các "ông lớn" công nghệ phải tự phát triển chip riêng.
Theo ông Shaw, những con chip được thiết kế đặc biệt này có thể giúp giảm tiêu thụ năng lượng cho các thiết bị và sản phẩm của các công ty công nghệ.
Glenn O’Donnell, Giám đốc nghiên cứu tại công ty phân tích thị trường Forrester (Mỹ), nhận định tình trạng thiếu chip trên quy mô toàn cầu hiện nay là một lý do khác khiến các công ty công nghệ lớn phải cân nhắc về nguồn cung ứng chip.
Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến chuỗi cung ứng, qua đó thúc đẩy nỗ lực sản xuất chip riêng của các công ty công nghệ. Theo ông O’Donnell, nhiều người cảm thấy bị giới hạn về tốc độ đổi mới khi phải phụ thuộc thời gian biểu của nhà sản xuất chip.
Gần đây, hãng sản xuất xe điện Tesla thông báo đang lên kế hoạch sản xuất con chip “Dojo” để đưa mạng lưới trí tuệ nhân tạo vào trong các trung tâm dữ liệu.
Tháng trước, công ty công nghệ Baidu cũng cho ra mắt chip AI được thiết kế để giúp các thiết bị xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và tăng cường sức mạnh tính toán.
Tháng 11/2020, công ty công nghệ Apple thông báo sẽ ngừng sử dụng bộ xử lý x86 của Intel để tạo ra bộ vi xử lý M1 của riêng hãng này, hiện đã đưa vào sử dụng trong các thiết bị iMac và iPad mới.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, không một “gã khổng lồ” công nghệ nào muốn tự mình làm tất cả công đoạn trong quá trình phát triển chip.
Theo ông Shaw, các công ty này sẽ chỉ chịu trách nhiệm về thiết kế và hiệu suất của con chip, song sẽ không tham gia vào sản xuất. Việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip tiên tiến, như TSMC phải mất vài năm và tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD.
Ông O’Donnell cho rằng ngay cả Google và Apple cũng tỏ ra thận trọng về việc xây dựng các nhà máy này, thay vào đó, họ sẽ đặt TSMC hoặc Intel sản xuất chip cho mình.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận