EU kỳ vọng vượt lên thách thức khi tự sản xuất pin thế hệ tiếp theo
Trong bối cảnh nhu cầu pin ngày một lớn tại châu Âu, hai công ty "thiện chiến" hàng đầu trong lĩnh vực này tại lục địa già đã thành lập liên minh tạo dựng nền tảng để EU có thể vượt qua các thách thức trong sản xuất sản phẩm này.
- Pin lithium chìa khóa thành công của thị trường xe điện trong tương lai
- Indonexia hiện thực hoá mục tiêu điện khí hoá khi sản xuất pin Lithium vào năm 2023
- Pin thể rắn nguồn năng lượng mới để ô tô điện có thể thương mại hóa thành công
Giữa bối cảnh châu Âu đang tìm kiếm sự độc lập trong lĩnh vực công nghệ bằng cách tăng cường đầu tư phát triển các sản phẩm pin thế hệ tiếp theo, châu lục này sẽ phải bắt đầu từ việc tự sản xuất than chì. Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay gần như tất cả hoạt động sản xuất than chì đều tập trung ở châu Á, trong đó chủ yếu là Trung Quốc.
Vì vậy, hai công ty được cho là “thiện chiến” nhất trong lĩnh vực này của châu Âu là Carbone Savoie (Pháp) và SGL Carbon (Đức) đã được tham gia Liên minh các nhà sản xuất pin đầy tham vọng của châu Âu do Brussels phát động hồi năm ngoái.
Pin thế hệ mới đang là thách thức đối với cả châu Âu ở thời điểm này.
Bruno Gastinne, Chủ tịch của Carbone Savoie, cho biết công ty này vừa khánh thành nhà máy được mô tả như “một thánh đường bằng gạch” nằm sâu 5 mét dưới lòng đất tại Venissieux (Pháp). Nhà máy trị giá 11 triệu euro (tương đương 11,9 triệu USD) được kỳ vọng sẽ giúp Carbone Savoie tăng gấp đôi sản lượng carbon.
Than chì là một dạng thù hình của carbon và đây sẽ là bước đầu tiên trong dây chuyền sản xuất than chì tổng hợp siêu tinh khiết, vốn được đánh giá cao trong các sản phẩm pin.
Carbon sau sản xuất sẽ được chuyển đến nhà máy tại Notre-Dame de Briancon trên dãy Alps, nơi các đập thủy điện ở gần đó cung cấp dòng điện cực mạnh để biến carbon thành than chì.
Carbone Savoie cho biết họ đã phát triển một công nghệ sản xuất mới với khả năng sử dụng chỉ khoảng 50% số năng lượng cần thiết của phương pháp truyền thống, qua đó giảm đến 50% mức chất thải.
"Phương pháp này sẽ ít tốn kém và hiệu quả hơn so với than chì của Trung Quốc, trong khi lượng tiêu thụ năng lượng ít hơn. Điều khó khăn là chúng ta phải nhanh chóng đầu tư và phát triển", Regis Paulus, người đứng đầu nghiên cứu và phát triển của Carbone Savoie, cho biết.
Giới chức Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 11 năm ngoái đã đầu tư một số tiền khổng lồ 3,2 tỷ euro cho Liên minh các nhà sản xuất pin của châu Âu. EU hy vọng có thể thu hút thêm 5 tỷ euro từ khunvực tư nhân để xây dựng các nhà máy sản xuất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.
Các nhà sản xuất ô tô nói riêng đang chạy đua sản xuất các phương tiện sử dụng điện, dưới áp lực ngày càng tăng yêu cầu cắt giảm lượng khí thải carbon và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Hiện pin chiếm khoảng 40% giá trị của một chiếc xe điện, song sản phẩm này lại đang được sản xuất chủ yếu bởi các công ty ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
Lấy mô hình xe điện của Tesla làm ví dụ, quá trình sản xuất một mẫu xe của thương hiệu này đòi hỏi khoảng 70 kg (150 pound) than chì, Giám đốc điều hành của Carbone Savoie Sebastian Gauthier nói với AFP.
Trong khi một số nguyên vật liệu có thể được khai thác trong tự nhiên như nickel, lithium, mangan và cobalt, các vật liệu chủ chốt khác của pin đều phải sản xuất trong các nhà máy.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng sẽ có rất ít tập đoàn châu Âu sẵn sàng bắt tay vào cuộc “chinh chiến” tốn kém để chế tạo pin của riêng mình nếu thiếu sự trợ giúp của chính phủ.
Tuy nhiên, Carbone Savoie đã phát hiện ra sự cần thiết của việc tự cung tự cấp thành phần pin khi công ty này đứng bên bờ vực đóng cửa vào 5 năm trước đây.
Carbone Savoie đã được mua lại bởi Alandia Industries của Pháp vào năm 2016, trước khi công ty này được nhận số tiền đầu tư trị giá 40 triệu euro để đa dạng hóa hoạt động sản xuất, trong đó sản phẩm than chì chuyên dụng hiện chiếm 15% tổng sản lượng, tăng từ con số 0 chỉ vài năm trước. Kết quả là lợi nhuận của Carbone Savoie tăng vọt lên 17 triệu euro vào năm ngoái, với doanh số đạt 127 triệu euro.
Mặc dù vậy, giấc mơ xe điện của châu Âu vẫn cần nhiều hơn thế. Điều này đòi hỏi một lượng tiền đầu tư lớn mà Brussels đã hứa hẹn và vốn đã được Đức, Pháp, Italy, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển và Phần Lan cam kết.
"Chúng tôi không thể làm điều đó một mình, chúng tôi sẽ cần sự giúp đỡ", Giám đốc Gastinne nói và ước tính các khoản đầu tư cần thiết ở mức "vài chục triệu euro".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận