'Nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo tại Việt Nam rất lớn'
Việt Nam có lượng người chơi tiền ảo đông, nhưng loại hình này chưa được pháp luật điều chỉnh nên nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo rất lớn, theo Đại biểu Quốc hội.
- Bi kịch của những người không hiểu về rủi ro của tiền số
- Anh quản lý giao dịch tiền ảo để chống rửa tiền
- Chơi tiền ảo trả giá tiền thật: Hàng hóa hay kênh rửa tiền của tội phạm công nghệ
Chiều 7/9, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Hiện các cơ quan quản lý chưa công nhận tiền ảo, tài sản ảo, song theo đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam), Việt Nam là một trong 10 nước có lượng người chơi tiền ảo đông. "Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn, là kênh để tội phạm lợi dụng tài trợ khủng bố", ông Phước nói.
Theo ông, tội phạm có thể dễ dàng chuyển đổi tiền bẩn thông qua mô hình bất hợp pháp thành tiền sạch, chuyển thành các khoản tài trợ khủng bố thông qua mua bán, trao đổi tiền ảo ở các quốc gia khác nhau. Ông chỉ rõ thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
"Tội phạm tiền ảo và tài sản ảo vẫn lọt lưới do các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này", ông nêu.
Ông Dương Văn Phước, đại biểu tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Phạm Thịnh
Vì thế, đại biểu tỉnh Quảng Nam đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung tiền ảo, tài sản ảo vào dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi). Việc này không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới, còn đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố.
Giải trình sau đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đã có đề xuất quy định về tiền ảo, tài sản ảo tại dự thảo luật sửa đổi lần này. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý cấp phép chính với tài sản ảo. Do đó, quá trình soạn thảo các cơ quan kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội phương án, giao Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết khi luật sửa đổi thực thi.
"Luật Phòng chống rửa tiền chỉ quy định về biện pháp phòng, chống... Còn liên quan đến luật nguồn, tài sản nguồn sẽ được quy định ở các luật khác và trước mắt là giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể", bà Hồng nói thêm.
Lần sửa đổi này, quy định về nghĩa vụ thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc tế về rửa tiền cũng được bổ sung. Định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam, trình Chính phủ phê duyệt kết quả, kế hoạch thực hiện sau đánh giá.
Việc đánh giá này được thực hiện với các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền. Dự thảo luật giao Chính phủ quy định về tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền.
Tại tờ trình lần này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, một trong các vấn đề được sửa đổi là báo cáo giao dịch đáng ngờ.
Nội dung này được thể hiện ở 7 điều tại dự thảo luật, tương ứng với khái niệm giao dịch, dấu hiệu giao dịch đáng ngờ trong từng lĩnh vực cụ thể.
Nhắc tới các dấu hiệu đáng ngờ trong giao dịch bất động sản, ông Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh, đại biểu TP HCM, nhìn nhận dự thảo luật mới đưa ra các quy định giúp kiểm soát dòng tiền vào - ra, phòng ngừa hành vi rửa tiền với các giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Còn với giao dịch tiền mặt, nhất là trong lĩnh vực bất động sản lại "chưa rõ căn cứ, công cụ nào ngăn chặn, kiểm soát hành vi rửa tiền".
Phó chủ nhiệm Quốc phòng an ninh nêu, thực tế sẽ phát sinh những hành vi rửa tiền qua chứng khoán rồi rút tiền ra mua bất động sản, nên cần xác định nguồn gốc số tiền dành mua bất động sản này. Ông Đức lấy ví dụ người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam và đặt câu hỏi "nếu họ không giao dịch qua ngân hàng mà qua kênh khác, việc này phòng chống rửa tiền thế nào?".
"Quy định tại dự thảo luật hiện quá đơn giản, khó xác định có hay không hành vi rửa tiền qua các giao dịch dạng này. Cần quy định chặt chẽ hơn để chống rửa tiền", ông nói.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh, đại biểu TP HCM. Ảnh: Phạm Thịnh
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và một số đại biểu khác đều nhận xét, các dấu hiệu đáng ngờ nêu tại dự thảo luật phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa rõ ràng và rất khó xác định.
Chẳng hạn, "tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường"; "khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền"; "thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch"...
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) đồng tình khi cho rằng đây là loại hình tội phạm không mới, nhưng để hình thành các khái niệm đầy đủ về loại tội phạm này còn nhiều hạn chế. Theo ông, nhiều trường hợp khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, các cơ quan chức năng mới nắm bắt, xử lý - tức là chưa kịp thời phát hiện khi tội phạm mới hình thành.
"Điều đó cho thấy việc xác định nguồn gốc tài sản là rất khó khăn. Luật sửa đổi cần quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi và tránh hình thức", ông Phước góp ý.
Trong khi đó ông Minh Đức đề nghị, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng, Tài chính, Công an... xác minh, làm rõ những giao dịch thuộc dạng đáng ngờ. Ngoài ra, dự thảo luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, như thuế, trong phối hợp với các cơ quan xác định có hành vi rửa tiền.
Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương và 63 điều (giữ nguyên số chương và tăng 10 điều, bỏ 1 điều). Sau khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự thảo luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện, trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.
Theo VnExpress
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận