Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong thời đại 4.0
Vào những ngày mùa Thu của 74 năm về trước, từ Khu Giải phóng Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa đã được truyền đi khắp cả nước. Hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã đứng lên khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám.
- Cách mạng công nghệ 4.0 tác động đến lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật
- Google mở rộng chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0
- Số hoá đặt ra thách thức lớn đối với ngành Thư viện trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Hơn 70 năm trôi qua, trong thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu đổi mới sáng tạo có vai trò, tính chất quyết định cho sự hưng thịnh của đất nước. Đây cũng chính là sự tiếp nối và nâng cao truyền thống cách mạng, đặc biệt là kế thừa ý nghĩa lịch sử từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 – xây dựng đất nước độc lập, dân chủ.
Dấu mốc lịch sử - mở ra thời đại Hồ Chí Minh
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 đã chấm dứt vĩnh viễn chế độ cũ và khẳng định sự ra đời một chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân.
Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền.
Với đường lối đổi mới, Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế.
“Đấy là một bước ngoặt lịch sử vĩ đại nhất từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam chúng ta, mở ra một thời đại mới – thời đại cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và tiến lên xã hội chủ nghĩa, hay chúng ta vẫn gọi đó là thời đại Hồ Chí Minh”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nói.
Theo các chuyên gia, đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra sau chiến thắng của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Đó là việc Đảng ta đã biết chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, từ đó làm thay đổi lực lượng giữa ta và địch, tạo ra thời cơ cách mạng để đưa cuộc cách mạng đến thành công. Để giữ vững chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã dựa chắc vào nhân dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để đấu tranh thắng lợi với thù trong giặc ngoài.
Đó là Đảng ta đã nắm bắt được thời cơ, đề ra được những quyết định chính xác và kịp thời. Nghệ thuật chỉ đạo tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chọn đúng thời cơ, ra quyết định Tổng khởi nghĩa đúng lúc, thể hiện cụ thể trong Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng tháng 3/1945 “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc phát đi đêm 13/8/1945. Cũng nhờ chọn đúng thời cơ mà sức mạnh của nhân dân ta trong Cách mạng Tháng Tám được nhân lên gấp bội, đã tiến hành tổng khởi nghĩa thành công trong phạm vi cả nước trong thời gian ngắn.
Phát huy tinh thần cách mạng trong thời kỳ mới
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cũng nhìn nhận, trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Việt Nam tuyên bố với toàn thế giới xây dựng đất nước độc lập, dân giàu nước mạnh… Trong 74 năm qua, chúng ta đã bền gan, bền chí, quyết tâm đến cùng để phấn đấu, thực hiện theo đúng theo Tuyên ngôn đó.
“Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, từ đó mở ra thời đại Hồ Chí Minh. Tôi thuộc về thế hệ sinh ra cùng với Cách mạng Tháng Tám, lớn lên trong kháng chiến, trưởng thành trong hòa bình và được phát triển trong sự nghiệp đổi mới của Đảng. Chúng tôi luôn tự dặn lòng phải thực hiện những chỉ dẫn của Bác để trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng”, GS. TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ.
Ông cũng lưu ý, sau bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nước ta phải bước ngay vào cuộc kháng chiến 9 năm, lúc đó Bác Hồ kêu gọi chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
“Chúng ta đã hoàn thành vẻ vang cuộc kháng chiến chống Pháp từ tinh thần đoàn kết, từ khát vọng giành độc lập của dân tộc”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nói.
Sau đó, miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm làm cơ sở, nền tảng, hậu phương lớn để tiến hành cuộc giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 20 năm với muôn vàn khó khăn, gian khổ. Có những thời điểm đế quốc Mỹ mang bom B52 rải thảm ở Thủ đô Hà Nội định đưa chúng ta trở về thời kỳ đồ đá. Nhưng với tinh thần yêu nước, với khát khao cháy bỏng có nền độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng... chúng ta đã giành thằng lợi hết sức vĩ đại, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc phân tích.
Trong quá trình đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, có những thời kỳ chúng ta gặp vô cùng khó khăn. Đó là giai đoạn những năm cuối thập kỷ 70, nửa đầu thập kỷ 80, đất nước bị bao vây, bị cấm vận, rất nhiều khó khăn do cơ chế quản lý của chúng ta chưa phù hợp. Song chúng ta đã dũng cảm đối mới, và Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới đổi mới thành công.
“Chặng đường chúng ta đã đi qua thực sự đưa đất nước vượt ra khỏi vòng đói nghèo lạc hậu. Có những lúc khó khăn tưởng không thể vượt qua nhưng chúng ta đã có những bước phát triển… Đó cũng chính là những cơ sở để chúng ta tiếp tục đổi mới để tiến lên”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.
Phát huy thắng lợi và những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám, trong những năm gần đây Đảng, Nhà nước đã phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng đổi mới, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Với đường lối đổi mới, Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh thế giới, trong nước hiện đã khác nhiều so với hơn 70 năm trước, đổi mới sáng tạo có vai trò, tính chất quyết định.
“Nếu như không đổi mới, không sáng tạo thì sẽ lạc hậu, bị đẩy lại phía sau và không loại trừ khả năng bị phụ thuộc vào những nước mạnh… Do đó, yêu cầu đổi mới sáng tạo trở thành nhu cầu hết sức bức thiết dù trước kia yêu cầu này cũng được Đảng và Nhà nước chú trọng”, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc nói và tin tưởng với sự kế thừa truyền thống vẻ vang của dân tộc, dưới sự chỉ đạo của Đảng, đặc biệt với một Chính phủ kiến tạo, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu “đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập cao với GPD đạt 45.000 USD/người/năm” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đặt ra.
Theo Ictnews
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận