Chuyển đổi số trong DNNVV: Nhanh hay chậm do 'ông chủ' quyết định
Xu thế chuyển đổi số đang phát triển mạnh nhưng không hề dễ dàng, bởi việc hiểu thấu nền kinh tế kỹ thuật số và quá trình chuyển đổi là thách thức không nhỏ.
- Cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng
- 76% doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu để chuyển đổi số
- An toàn thông tin trong chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ điện tử
Khi trao đổi về chuyển đổi số, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa từng chia sẻ, họ ngại chuyển đổi số là do kiến thức về công nghệ thông tin còn hạn chế, chi phí đầu tư ban đầu còn cao, và mô hình hoạt động kinh doanh hiện tại cũng chưa cần thiết phải áp dụng triệt để ngay chuyển đổi số.
Bình luận về vấn đề này, ông Lê Viết Cảnh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Phát triển FABBI cho rằng, thực tế này là có, vì hiện tại có thể một số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nghĩ nhiều đến chuyển đổi số, vì vẫn thấy phương pháp quản lý thủ công như văn bản giấy, ghi chép thông tin vào sổ tay hoặc ghi nhớ trong đầu còn đang hiệu quả và ít tốn kém.
Nếu chậm sẽ bị ‘cản bước tiến’
Tuy nhiên, theo ông Cảnh, việc định hướng phát triển cho doanh nghiệp trong tương lai ra sao mới là câu chuyện đáng phải quan tâm, như xu thế mở rộng doanh nghiệp như thế nào, liên kết hợp tác với các đối tác từ trong và ngoài nước ra sao...Nếu không có sự chuẩn bị ngay từ thời điểm ban đầu, thì khi mở rộng doanh nghiệp hay hợp tác đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình quản lý.
Ông Lê Viết Cảnh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Phát triển FABBI.
‘Chính việc lúng túng trong quản lý sẽ gây cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp. Việc này sẽ diễn ra với bất kỳ doanh nghiệp nào’, ông Cảnh bày tỏ.
Thực tế, theo ông Cảnh, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, không chỉ ở Việt Nam mà ngay tại Nhật Bản cũng xảy ra hiện tượng này. Nguyên nhân là do doanh nghiệp nhỏ và vừa cảm thấy ‘chưa cần thiết’ phải chuyển đổi số vì còn e ngại về vấn đề chi phí cho việc chuyển đổi số.
‘Ở thời điểm hiện tại doanh nghiệp vẫn có thể quản lý theo phương pháp thủ công, nhưng trong tương lai nếu muốn phát triển doanh nghiệp ở tầm quy mô lớn hơn thì chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu vận hành cũng như triển khai các dự án lớn của công ty’, ông Cảnh nói.
Vẫn theo ông Cảnh, qua tiếp cận với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả Việt Nam và Nhật Bản đã cho thấy, nhiều doanh nghiệp lưu dữ liệu mỗi nơi một ít, các thông tin lưu không thông nhất... việc này dẫn đến phải dùng nhiều nhân sự để nhập lại dữ liệu bằng tay từ văn bản sang hệ thống máy tính.
‘Nếu doanh nghiệp nhập dữ liệu theo hệ thống đồng bộ bằng máy tính ngay từ đầu thì sẽ rất nhanh và khoa học, việc này doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ AI để giảm bớt nhân sự cho công ty’, ông Cảnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, với công việc lưu trữ dự liệu thủ công thì quy trình xử lý thông tin sẽ rất rối, không rõ ràng trong các phòng ban hay sản xuất.
Giống như các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Cảnh cho rằng, khi bắt đầu chuyển đổi số thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cũng sẽ gặp một vài khó khăn, nhưng khi triển khai họ sẽ nhận thấy hiệu quả lâu dài, nhờ đó có động lực mạnh mẽ hơn. Chính vì thế, các doanh nghiệp Việt cần có sự hỗ trợ của các công ty công nghệ chuyên về chuyển đổi số để được những tư vấn các bước đi tiếp theo.
Chuyển đổi số trong DNNVV sẽ tạo hiệu ứng lớn
Còn theo ông Hoàng Thế Anh, giám đốc kinh doanh công ty phần cổ phần công nghệ MobiWork Việt Nam, trước làn sóng chuyển đổi số như hiện nay, doanh nghiệp Việt có thể bắt tay các đối tác trong lĩnh vực công nghệ để đi tắt đón đầu, có được những giải pháp hiệu quả nhất mà tiết kiệm chi phí và thời gian.
'Làn sóng chuyển đổi số hiện nay tạo hiệu ứng lớn, mỗi doanh nghiệp có một vai trò khác nhau. Họ có thể tham gia một công đoạn, một lĩnh vực, từ đó tạo hiệu ứng cho các doanh nghiệp bên ngoài có thể thấy được hiệu quả của chuyển đổi số, từ đó thay đổi tư duy và vận dụng vào công ty mình', ông Thế Anh nói.
Ông Hoàng Thế Anh, giám đốc kinh doanh công ty phần cổ phần công nghệ Mobi work Việt Nam
Ông Hoàng Thế Anh cho rằng, chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, vì doanh nghiệp sẽ có được công nghệ, hạ tầng và nhân lực tốt. 'Công nghệ, công cụ, ngôn ngữ lập trình nhân sự là giống nhau nhưng quyết định giải pháp chuyển đổi số thành công lại phụ thuộc vào các chủ doanh nghiệp. Giải pháp số phải đáp ứng từng nhu cầu kinh doanh, quản lý của doanh nghiệp cụ thể. Từ đó, các chủ doanh nghiệp sẽ trang bị các gói công nghệ, cách thức áp dụng công nghệ phù hợp', ông Hoàng Thế Anh chia sẻ.
MobiWork đã phát triển thành công giải pháp quản lý phân phối MobiWorks DMS, đáp ứng đầy đủ nhu cầu giám sát, tự động hoá, hoạt động bán hàng. Đây là giải pháp số hoá toàn bộ quy trình nghiệp vụ trong hệ thống phân phối, giúp doanh nghiệp có cái nhìn trực quan và chính xác hơn về thị trường khách hàng và đối thủ cạnh tranh.
Số liệu thống kê từ Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020 cho thấy doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Đối tượng này có nhiều lợi thế khi chuyển đổi số nhờ khả năng linh hoạt và thay đổi nhanh. Vấn đề quan trọng là nắm được cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, quy trình chuyển đổi của các doanh nghiệp lớn và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận