Cách bà mẹ Mỹ bảo vệ con khỏi nội dung xấu trên Youtube
Luôn bật chế độ hạn chế, tắt tính năng tìm kiếm là cách giúp trẻ loại bỏ video có nội dung tiêu cực khi xem Youtube và Youtube Kids.
Bà mẹ Melissa Fenton (Florida, Mỹ) đưa ra lời khuyên cho phụ huynh nhằm bảo vệ trẻ khỏi nội dung xấu trên Youtube và Youtube Kids.
Khi bạn đang đọc bài viết này, rất có thể ở đâu đó trong nhà, con bạn đang dán mặt vào một video ngẫu nhiên và vô nghĩa xuất hiện trên Youtube hoặc Youtube Kids. Nhiều phụ huynh cho rằng sẽ chẳng bao giờ con bạn nhìn thấy nội dung như khiêu dâm, bạo lực trên Youtube và Youtube Kids vì những ứng dụng này đã hạn chế thông tin đó. Thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì bạn nghĩ.
Gần đây, hàng loạt khiếu nại của phụ huynh được gửi tới Google, công ty mẹ của Youtube và Youtube Kids để báo cáo về những "kẽ hở" trên hai ứng dụng này. Lấy ví dụ, trong một đoạn phim hoạt hình "Peppa the Pig" xuất hiện trên Youtube Kids, người ta thấy hai nhân vật Peppa và George đang uống thuốc tẩy. Hoặc một video khác, hai nhân vật này đang xả súng kịch liệt vào một con lợn.
Thông tin về các khiếu nại, đại diện Youtube cho biết do sai sót của thuật toán dẫn đến lỗ hổng, những video không phù hợp có cơ hội trà trộn vào danh sách xem của trẻ.
Josh Golin, giám đốc điều hành chiến dịch vì trẻ em cho hay thuật toán không thể thay thế sự can thiệp của con người. Vì vậy, khi muốn tạo ra môi trường Youtube an toàn cho trẻ, phụ huynh và người thân cần vào cuộc.
Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến này và đã thực hiện sáu phương pháp dưới đây để bảo vệ bốn con khỏi tác động xấu từ Youtube và Youtube Kids.
1. Bật chế độ hạn chế, tắt tính năng tìm kiếm
Trên ứng dụng Youtube Kids, bạn có thể tùy chọn khả năng tìm kiếm video. Bằng cách vô hiệu hóa chức năng này, con bạn sẽ nhìn thấy ít video hơn thông qua thuật toán của Google. Nếu con bạn sử dụng Youtube, hãy bật chế độ hạn chế (Restricted Mode) để loại bỏ nội dung không lành mạnh.
2. Báo cáo và chặn
Nếu bạn tình cờ thấy nội dung không phù hợp với trẻ, chỉ cần nhấp chuột vào nó, dành vài giây để báo cáo và chặn. Bằng cách báo cáo mọi thứ và tham gia vào việc quản lý nội dung, ứng dụng sẽ an toàn hơn cho con bạn và hạn chế tối đa những tiếp xúc tiêu cực.
3. Cài đặt ứng dụng chặn quảng cáo
Youtube thường chạy lượng quảng cáo lớn, xuyên suốt video ngay cả khi con bạn xem nội dung hoàn toàn khác với nội dung quảng cáo. Vì vậy, bạn hãy vào cửa hàng Chrome trực tuyến, tải xuống ứng dụng chặn quảng cáo dành riêng cho Youtube. Trên điện thoại di động, bạn có thể tìm kiếm ứng dụng tương tự trên CH Play hoặc App Store.
4. Thiết lập tài khoản gia đình
Đầu tiên, hãy tạo tài khoản Google dành cho cả gia đình. Sau đó, tạo kênh Youtube bằng tài khoản Google này và để trẻ sử dụng nó khi xem Youtube. Bằng cách này, bạn sẽ có thông tin đầy đủ về việc tải lên, tải xuống video và những video đã xem trên Youtube. Từ đó, nắm bắt những kênh video thu hút con bạn và nội dung trẻ quan tâm.
5. Tạo danh sách phát video
Công việc này cũng giống như bạn sắp xếp danh sách bài hát trên ứng dụng nghe nhạc bất kỳ. Bạn có thể chọn lựa những video mà con bạn được xem và lưu chúng vào danh sách chung. Bằng cách này, trẻ có thể xem nội dung bạn đã chọn trước.
Đầu tiên, bạn hãy bấm vào dấu "+" bên dưới một video bất kỳ trên Youtube và Youtube Kids. Sau đó, bấm vào "Tạo danh sách phát mới" (Create new playlist), đặt tên và chọn nội dung cho danh sách. Mỗi danh sách chứa khoảng 50 video và có thể tạo nhiều danh sách.
6. Ngừng sử dụng Youtube và Youtube Kids
Nếu con bạn đang dành thời gian xem hoạt hình của Disney hoặc các chương trình dành riêng cho ứng dụng khác trên Youtube và Youtube Kids, bạn có thể xóa hai ứng dụng này và tải xuống các ứng dụng cụ thể đó. Con bạn sẽ chỉ thấy nội dung chúng thích xem vì các ứng dụng khác không cho phép tải lên nội dung của bên thứ ba. Một số ứng dụng dành cho trẻ bạn có thể tham khảo như: Jellies, Nick Jr., Cartoon Network...
Cuối cùng, tôi cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là cùng con xem Youtube và Youtube Kids. Bạn không nhất thiết phải ngồi xem toàn bộ thời gian hoặc tỏ ra đang giám sát trẻ. Hãy thỉnh thoảng đi qua và "vô tình" ngồi xuống, hỏi con bạn rằng: "Con đang xem gì thế? Mẹ có thể xem cùng không?" rồi thảo luận với trẻ về nội dung video.
Theo Vnexpress
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận