Năm học 2021 - 2022: Dạy và học trực tuyến gây áp lực cho cả học sinh lẫn phụ huynh
Sau 1 tuần áp dụng dạy và học trực tuyến là giải pháp cần thiết để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa đảm bảo các em học sinh vẫn lĩnh hội được kiến thức nhưng việc triển khai mô hình này gặp khó do ảnh hưởng của đường truyền internet cùng với đó là nội dung chưa phù hợp đang gây áp lực với cả học sinh và phụ huynh.
- Dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn phương thức truyền thống - Tại sao không?
- Các cơ sở giáo dục toàn quyền quyết định sử dụng ứng dụng trong dạy và học trực tuyến
- Công bố kho bài giảng điện tử phục vụ dạy và học trực tuyến
Thành công của dạy và học trực tuyến là nhờ vào đường truyền internet
Sau 1 tuần chính thức bước vào năm học mới bằng hình thức học trực tuyến, giáo viên và học sinh cả nước đã gặp phải sự cố đường truyền, hệ thống học trực tuyến chập chờn, bị "treo", ra-vào liên tục...
Trả lời câu hỏi của báo chí về khó khăn trong việc dạy học trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng 2 khó khăn lớn nhất là thiết bị và đường truyền. Việt Nam có khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên, nhưng chỉ cần 2 triệu lượt truy cập cùng lúc thì rất khó để đường truyền đảm bảo được.
Đường truyền internet không đảm bảo sẽ gây ảnh hưởng đối với giao tiếp giữa học sinh và cô giáo.
Trước tình hình này, ngày 7/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6235/VPCP-KGVX, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và điện thoại cho trẻ em”.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ TT&TT khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình này để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số.
Năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến trên internet và truyền hình; đồng thời có kế hoạch tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay.
Cụ thể, các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo hướng tăng cường để học sinh tự học nhiều hơn; thầy, cô chuẩn bị bài, giao bài học sinh qua zalo, thư điện tử, nhắn tin… học sinh phải có sự chuẩn bị bài, đọc sách giáo khoa trước khi tham gia học.
Giờ học trực tuyến tương tác hướng tới trao đổi, giải đáp những vấn đề học sinh còn đang vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình tương tác online. Bộ đã giao cho Vụ biên soạn tài liệu này, trong thời gian tới sẽ gửi các thầy, cô để tổ chức các giờ học trực tuyến nhẹ nhàng, hiệu quả, học sinh có thể tự chủ trong giờ học.
Đối với học sinh lớp 2 và lớp 6 học chương trình, sách giáo khoa mới với những thay đổi về nội dung, phương pháp dạy học, sẽ có những khó khăn hơn khi tổ chức học trực tuyến. Điều này đòi hỏi các thầy, cô nỗ lực hơn trong thiết kế, tổ chức bài giảng.
Phương pháp đào tạo phải thích ứng với mô hình dạy và học
Bên cạnh việc học trực tuyến, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra một phương án khác trong việc dạy và học, trong đó là tận dụng các bài giảng điện tử, bài học điện tử để học sinh học ở nhà.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị một kho học liệu lớn. Riêng với lớp 1, đã có video bài học cho môn Tiếng Việt và Tiếng Anh khá đầy đủ. Các bài giảng video đã phát trên kênh truyền hình quốc gia VTV1.
Bên cạnh đó là khối lượng kiến thức được truyền tải trên mô hình trực tuyến tương đương với dạy trực tiếp.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Nguyễn Văn Hiếu, thực tế còn có những học sinh chưa có đủ điều kiện, phương tiện học trực tuyến, để không bị gián đoạn việc học, các em có thể theo dõi các bài giảng của giáo viên trên một số kênh thông tin như trên trang website của trường hoặc các giáo viên sẽ phối hợp phối hợp với đội ngũ điều phối ở từng địa phương để hỗ trợ in, sao bài giảng theo hướng có trọng tâm, dễ hiểu và gửi tới học sinh.
So với bậc học cao đẳng, đại học, việc triển khai dạy và học trực tuyến cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông có những khó khăn riêng do đặc thù lứa tuổi, nhất là học sinh tiểu học đa số chưa thể độc lập sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ.
Vì vậy, để việc dạy và học trực tuyến trong năm học mới đạt được hiệu quả, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, rất cần sự nỗ lực, chung tay phối hợp của giáo viên, phụ huynh, cộng đồng xã hội.
Thầy cô giáo xây dựng bài giảng, tìm biện pháp truyền tải kiến thức một cách phù hợp, dễ tiếp thu nhất cho học sinh trong điều kiện không có sự tương tác trực tiếp mà vẫn tạo được sự hứng thú, sự tập trung chú ý của học sinh trong tiết học.
Ngoài ra, trường hợp học sinh chưa đủ điều kiện về thiết bị để đáp ứng hình thức học trực tuyến, nên có hình thức động viên, kết nối chia sẻ kịp thời để học sinh yên tâm, không bị hụt hẫng về mặt tâm lý và hướng dẫn các con theo dõi bài giảng bằng các hình thức khác.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận