Nâng cao chất lượng giáo dục đại học thông qua kiểm định
Trước thực trạng chất lượng kiểm định giáo dục Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn gây ra nhiều bức xúc trong xã hội đặt ra cho các nhà quản lý bài toán cần giải đáp để có thể lấp các khoảng trống trong kiểm định để xây dựng danh tiếng, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu ra.
- Công nghệ giáo dục sẽ thay đổi thế nào trước ngưỡng cửa 2020 và CMCN 4.0
- Giáo dục sẽ là dịch vụ công được yêu cầu không dùng tiền mặt đầu tiên
Ngày 24/9, Hội đồng Anh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Cardiff Metropolitan và Cơ quan Đảm bảo chất lượng - QAA (Vương quốc Anh) tổ chức hội thảo “Đảm bảo chất lượng để xây dựng danh tiếng và cơ chế hợp tác liên quốc gia về đảm bảo chất lượng các chương trình liên kết đào tạo”.
Thực trạng giáo dục Việt Nam
Trong những năm gần đây liên kết đào tạo không còn là hình thức mới trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt la với bậc giáo dục đại học. Hiện nay, có nhiều tổ chức giáo dục đại học ở Việt Nam mong muốn được cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao hoặc các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; ngược lại, các tổ chức giáo dục đại học quốc tế cũng mong muốn cung cấp các chương trình đào tạo của họ ra nước ngoài.
Tuy nhiên, làm thế nào để đảm bảo chất lượng là vấn đề rất được quan tâm trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục đại học với nhiều chương trình, mô hình liên kết đào tạo đang diễn ra ở Việt Nam.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thuộc Vương quốc Anh, liên kết đào tạo là một xu hướng tại các quốc gia Đông Á. Riêng trong năm 2017 – 2018, có gần 150 nghìn sinh viên theo học các chương trình liên kết đào tạo với Vương Quốc Anh tại Đông Á, chiếm 1/3 số lượng sinh viên theo học các chương trình liên kết với Vương Quốc Anh trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, số lượng các chương trình liên kết đào tạo với Vương quốc Anh đứng thứ ba trong tổng số các chương trình liên kết đào tạo. Việc hợp tác giáo dục giữa Việt Nam với Vương quốc Anh trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng và liên kết kết đào tạo những năm gần đây đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học cũng như giúp nâng cao uy tín, năng lực canh tranh toàn cầu của giáo dục Việt Nam.
Nội dung trọng tâm trong các hoạt động hợp tác giữa Hội đồng Anh với Bộ GD&ĐT Việt Nam là hỗ trợ xây dựng Chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học của Việt Nam -Vương quốc Anh, góp phần thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025 vừa được Chính phủ Việt Nam phê duyệt tháng 1/2019.
Những khoảng trống kiểm định cần lấp đầy
Đánh giá về việc kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), nêu rõ: Các trường đại học tại Việt Nam những năm gần đây đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với vấn đề kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có những giải pháp để giải quyết một số khoảng trống trong hoạt động kiểm định.
Bởi hệ thống quản lý chất lượng bên trong hiện chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là yếu tố con người làm công tác kiểm định. Hoạt động kiểm định chất lượng mới chỉ tập trung nhiều vào việc đánh giá các chương trình, hoạt động đào tạo truyền thống, chưa chú trọng đánh giá các chương trình đào tạo phi truyền thống (đào tạo từ xa, liên kết đào tạo…).
Ngoài ra, Việt Nam hiện tại mới chỉ có các trung tâm kiểm định chất lượng trực thuộc các trường đại học, hiệp hội, chưa có tổ chức kiểm định tư nhân nào hoạt động.
Hướng tới mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định chất lượng vào năm 2020, coi kiểm định chất lượng là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đang tích cực xây dựng các công cụ với đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn để kiểm định chương trình đào tạo phi truyền thống như đào tạo từ xa, liên kết đào tạo…; củng cố, đầu tư nguồn lực cho hệ thống kiểm định tại các trường đại học, trong đó, nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho các chuyên gia thẩm định; khuyến khích thành lập các tổ chức kiểm định tư nhân, độc lập với cơ quan quản lý nhà nước và tách biệt với các trường, đồng thời có cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng của các đơn vị thẩm định.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận