Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xe gì khi đến dự lễ Độc lập?
Nhân dịp Quốc khánh, xem lại những thước phim tư liệu về Lễ Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhiều người muốn biết khi đến dự lễ, Hồ Chủ tịch đi trên chiếc xe gì, và bức ảnh chúng ta vẫn thường thấy có đúng là ảnh Hồ Chủ tịch đọc tuyên ngôn độc lập hay không?
- Chặng đường hoạt động báo chí của Nhà báo Cách mạng Hồ Chí Minh
- Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt báo giới quốc tế
- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xe gì đến Lễ độc lập?
Trong các thước phim tư liệu chúng ta được xem về lễ độc lập ngày 2/9/1945, sẽ thấy một đoàn xe ô tô, có cảnh vệ đi xe đạp bảo vệ hai bên tiến vào quảng trường Ba Đình và dừng trước Lễ đài độc lập. Không có cảnh các nhân vật từ trong xe bước ra, nhưng chúng ta hiểu rằng đây là xe chở những nhân vật quan trọng nhất của sự kiện trọng đại này.
Lần giở các tư liệu từ Văn phòng Chủ tịch chính phủ, nay là Văn phòng Chủ tịch nước, thì những chiếc xe xuất hiện trong lễ Độc lập này là ô tô hiệu Citroen do Pháp sản xuất. Trong những thước phim tư liệu được quay từ trên cao xuống này, qua hình ảnh đen trắng, có thể 3 chiếc xe Citroen màu đen và ghi hoặc xám, trong đó có chiếc xe loại Traction Avant nổi tiếng của hãng này.
Theo lời kể của các nhân chứng lịch sử, thì đoàn xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên chính phủ lâm thời tới dự lễ Độc lập được hộ tống bằng hai xe mô tô và mỗi ô tô có 6 chiến sĩ cảnh sát đi xe đạp bảo vệ xung quanh.
Vậy những chiếc ô tô này lấy từ đâu? Cũng theo lời kể của các cán bộ văn phòng chủ tịch, trong đó có cả những cựu lái xe, thì những chiếc xe này chính phủ cách mạng lâm thời tiếp quản từ gara xe của Phủ Thống sứ Bắc bộ cũ, trong số xe đó, có 5 chiếc chất lượng còn 70-80%, vẫn sử dụng tốt. Những chiếc xe này đã phục vụ Khâm sai Bắc bộ cũ do vua Bảo Đại bổ nhiệm là ông Phan Kế Toại, sau đó là người thay thế ông những ngày cuối cùng trước cách mạng tháng Tám là bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ.
Sau khi tiếp quản số ô tô này, chính phủ mới vẫn gặp khó khăn do xăng, dầu cho ôtô thì phải chạy mua của các hãng xe tư nhân, ngày nào cũng như ngày nào, đều phải lo mua đủ xăng, dầu, khá vất vả. Thời gian sau, ông Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Chánh văn phòng Phủ chủ tịch trong chính phủ lâm thời phải thi hành biện pháp "lệnh trưng dụng", trưng mua xăng, dầu của hãng Shell của Pháp - Mỹ. Nhờ đó về sau, đội xe mới hết gặp khó khăn trong vấn đề xăng dầu. Tuy nhiên sau cuộc chiến tranh Việt – Pháp diễn ra suốt từ năm 1946 – 1954, số xe ô tô Citroen này đã không còn nữa.
Gần đây, trên báo, chúng ta đọc được câu chuyện của cụ Phạm Gia Đốc, nguyên Tổ trưởng tổ trinh sát Sở Công an Bắc Bộ, người bảo vệ dưới chân lễ đài độc lập trong ngày lịch sử này, kể rằng: “Lúc xe của Bác đến, chạy từ đường Quán Thánh vào”.
Tuy nhiên, đối chiếu các tư liệu lịch sử khác, chúng ta có thể xác định rằng có thể cụ Phạm Gia Đốc do tuổi cao, sức yếu, đã nhớ nhầm (cụ sinh năm 1923). Tài liệu của công an Hà Nội về việc bảo vệ lễ độc lập cho biết, Sở Liêm phóng (tức công an) Bắc bộ đã tổ chức rải quân để bảo vệ hành trình của đoàn lãnh đạo từ Bắc bộ phủ, ở phố Ngô Quyền hiện nay, theo tuyến phố Tràng Tiền - Tràng Thi - Điện Biên Phủ ngày nay tiến về Quảng trường Ba Đình. Đoàn ô tô gồm 3 chiếc thì xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thứ ba trong đoàn.
Lễ Độc lập được Sở Liêm phóng Bắc Bộ lên kế hoạch và triển khai chu đáo, với lực lượng trinh sát bí mật hóa trang trong dòng người dự mít tinh để phát hiện những hiện tượng nghi vấn, sẵn sàng ngăn chặn. Lực lượng cảnh sát được bố trí bảo vệ công khai các khối quần chúng, giữ gìn trật tự trong hàng ngũ những người dự mít tinh. Một số chiến sĩ cảnh sát được lựa chọn mặc sắc phục, có súng ngắn hoặc súng trường để làm nhiệm vụ bảo vệ xung quanh lễ đài. Các chiến sĩ cảnh sát có trang bị vũ khí đứng thành hàng rào hai bên đường, từ nơi xuất phát của lãnh tụ và các thành viên Chính phủ đến lễ đài.
Một số chiến sĩ cảnh sát đi xe đạp hộ tống bảo vệ đoàn xe Chính phủ trên đường đi đến Quảng trường. Giám đốc Liêm phóng Chu Đình Xương là người trực tiếp bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi người rời phòng làm việc lên lễ đài đọc Tuyên ngôn Độc lập, đến khi tiếp xúc với nhân dân và ông Xương cũng là người ngồi cùng ô tô với Hồ Chủ tịch. Ngoài ông Xương, thì trong bức ảnh của nghệ sĩ Võ An Ninh, chụp băng ghế sau chiếc xe Citroen chở Chủ tịch Hồ Chí Minh sau buổi lễ, ta thấy ngồi cạnh Hồ Chủ tịch là Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp. Như vậy, ông Chu Đình Xương sẽ ngồi ở băng ghế trước, bên cạnh lái xe.
Cũng theo các tài liệu của bộ công an, thì nhiệm vụ bảo vệ Lễ đài Độc lập do tổ của ông Hoàng Mai (sau này là Thứ trưởng Bộ Công an) và ông Chu Đức Minh đảm nhiệm. Đơn vị Giải phóng quân của ông Đàm Quang Trung từ chiến khu về được giao phối hợp với tự vệ cứu quốc Hoàng Diệu, lực lượng vũ trang bảo vệ thủ đô để đảm bảo cho cuộc mít tinh tại quảng trường diễn ra an toàn. Một số cảnh sát Cứu quốc được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự đường phố.
Trong một đoạn phim tư liệu, chúng ta có thể thấy hình ảnh một người đàn ông cầm ô che cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài độc lập. Người cầm ô đó chính là ông Chu Đình Xương.
Kết thúc buổi lễ Độc lập, lực lượng bảo vệ lại đưa các thành viên Chính phủ lâm thời về lại Bắc Bộ phủ (nay là nhà khách Chính phủ ở số 12 Ngô Quyền) để tiếp tục làm việc.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận