Chặng đường hoạt động báo chí của Nhà báo Cách mạng Hồ Chí Minh
Trong suốt 60 năm vừa hoạt động cách mạng vừa cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hàng ngàn bài báo các loại với khoảng 174 bút danh. Người đồng thời cũng là người sáng lập, tổ chức, điều hành hoạt động, biên tập, trình bày hàng chục tờ báo cách mạng.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt báo giới quốc tế
- Những dấu ấn lịch sử trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Không chỉ là một lãnh tụ chính trị kiệt xuất, một danh nhân văn hóa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà báo vĩ đại. Người khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong hoạt động Cách mạng để vận động, tập hợp lực lượng, tổ chức, thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả nhất. Nhân dịp kỷ niệm 96 năm ngày báo chí Cách mạng Việt nam (21/6/2925 – 21/6-2021), chúng ta cùng điểm lại chặng đường hoạt động báo chí của Người.
Năm 1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Trong quá trình lao động, học hỏi và giác ngộ cách mạng, Bác bắt đầu quan tâm đến báo chí, một phương tiện thông tin phổ biến.
Cuối năm 1917, khi trở lại Pháp, Bác đã tự học tiếng Pháp và học làm báo. Những ngày đầu, Bác được Jean Laurent Frederick Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, làm việc ở báo ‘Sinh hoạt công nhân’ nhiệt tình chỉ dẫn nghiệp vụ báo chí.
Báo Le Paria (Người cùng khổ) - Tờ báo Cách mạng đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập (Ảnh TL).
Những bài viết của Bác Hồ bằng tiếng Pháp dần dài hơn, chuẩn hơn và được đăng. Từ những mẩu tin, bài, tư liệu tản mạn có chủ đề nhỏ, Bác viết thành các bài có chủ đề lớn, tập trung.
Những bài viết của Bác đăng trên báo cánh tả là các báo có ngân quỹ ít ỏi nên hầu như không có nhuận bút, nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Vì vậy, ban ngày Bác đi làm, tối tham gia mít tinh, biểu tình, vận động cách mạng, đêm lại vẫn ngồi cặm cụi viết báo.
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tháng 6/1919, các nước thắng trận tổ chức hội nghị bàn về vấn đề thuộc địa tại Versailles (Pháp). Bác đã gửi đến hội nghị bản yêu sách 8 điểm đòi quyền lợi cho nhân dân Việt Nam.
Bài viết đầu tiên của Bác được tờ L’Humanité (Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp) đăng ngày 18/6/1919 dưới tựa đề Yêu sách của nhân dân An Nam. Đây cũng là bài viết nổi tiếng đầu tiên của Bác Hồ được cơ quan ngôn luận Đảng Xã hội Pháp đăng dưới nhan đề ‘Quyền các dân tộc’.
Trong bài này, Người đã đưa ra 8 yêu sách thiết thực, đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền độc lập tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam, trong đó có cả quyền tự do tư tưởng và tự do báo chí...
Bài viết đầu tiên của Bác được tờ L’Humanité (Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp) đăng tải (ảnh TL).
Năm 1921, Bác (lấy tên Nguyễn Ái Quốc) cùng một số nhà hoạt động cách mạng người Maroc, Algeria, Tunisia... thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và lập ra cơ quan ngôn luận của Hội - tờ Le Paria (Người cùng khổ), số đầu tiên xuất bản ngày 1/4/1922. Nguyễn Ái Quốc trở thành trụ cột của tờ báo: Vừa là chủ nhiệm kiêm chủ bút, quản lý, phóng viên, phát hành...
Trò lố hay Varen và Phan Bội Châu - Tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc đăng báo Người cùng khổ số 36-37 tháng 9, tháng 10 năm 1925 (Ảnh TL).
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, báo Le Paria vạch trần chính sách đàn áp, bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc nói chung và đế quốc Pháp nói riêng, thúc đẩy các dân tộc bị áp bức nổi dậy đấu tranh cách mạng.
Điểm nhấn quan trọng với nền báo chí Cách mạng Việt Nam là thời điểm tháng 11/1924, Bác Hồ được Quốc tế Cộng sản phân công về Quảng Châu (Trung Quốc), tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội.
Sau khi thành lập Hội, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tờ báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội tại ngôi nhà số 13 (nay là số 248 - 250), đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc để giữ vai trò tổ chức và hướng dẫn phong trào cách mạng trong nước. Các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Vân Lĩnh đã tham gia sáng lập và đồng hành cùng tờ báo.
Báo Thanh niên, tờ báo đầu tiên của báo chí Cách mạng Việt nam (Ảnh TL).
Báo Thanh niên xuất bản được 202 số, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925, số 202 ra ngày 14/2/1930. Báo Thanh niên thời gian đầu ra một tuần một kỳ trên 100 bản. Về sau, do gặp nhiều khó khăn nên số sau cách số trước từ 3 đến 5 tuần.
Măng séc của báo viết hai chữ Thanh niên bằng Hán văn và Việt văn. Số mỗi tờ báo viết trong ngôi sao năm cánh. Phần lớ mỗi số báo có hai trang cỡ trung bình 13cm x 19cm, một số ít ra 4 trang.
Nội dung chính trị cơ bản của báo Thanh niên là: Vạch rõ mâu thuẫn giữa dân tộc ta và các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc là không thể điều hoà được; Khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam; Lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng; Người cách mạng phải hy sinh vì sự nghiệp và phải có phương pháp cách mạng đúng; Cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo và tổ chức quần chúng cách mạng; Cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga mới giành thắng lợi.
Người đã trực tiếp chỉ đạo, biên tập, trình bày và viết nhiều bài chính luận sắc bén. Báo chuyển về nước bằng đường thủy, tới các tổ chức cảm tình của Hội, các chi bộ, các cơ sở Việt kiều ở Pháp, Thái Lan, Nga.
Tháng 12/1926, Bác Hồ lập ra báo Công nông cho giai cấp công nhân và nông dân nước ta.
Tháng 1/1927, báo Lính kách mệnh (tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay) dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng cũng được Bác Hồ sáng lập. Các báo này đều xuất bản chủ yếu bằng tiếng Việt, nhưng còn có cả một số tin, bài bằng tiếng Hán, Pháp, Anh..., hình thức mới mẻ mà gần gũi, nội dung phong phú nhưng luôn bám sát các chủ trương, mục tiêu cách mạng.
Từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930, tại Hồng Kông, Bác Hồ trực tiếp tổ chức, chỉ đạo Hội nghị thống nhất các đảng phái, phong trào cộng sản ở Việt Nam để thành lập một đảng mới với tên Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết định đình bản những tờ báo riêng rẽ của các tổ chức đảng trước đây, còn lại cho xuất bản báo Tranh đấu và tạp chí Đỏ, những số đầu phát hành vào tháng 8/1930.
Tháng 1/1941, Bác Hồ về nước, chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 thành lập Mặt trận Việt Minh, cho ra tờ báo Việt Nam độc lập từ năm 1941 và báo Cứu quốc từ năm 1942.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2/1951, Người chỉ đạo thành lập báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Đảng. Ngoài sáng lập, tổ chức hoạt động, Bác Hồ còn còn là cộng tác viên nhiệt tình của nhiều tờ báo lớn. Chỉ riêng với báo Nhân dân, từ số 1 ngày 11/3/1951 đến số 5526 ngày 1/6/1969, Người đã đăng 1.206 bài viết với 23 bút danh khác nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo cuối cùng cho báo Nhân Dân số 5526 ra ngày 1 tháng 6 năm 1969 với chủ đề 'Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng'. Bác nhắc nhở: “Vì tương lai con em chúng ta, mọi người, mọi ngành phải quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé tốt’.
Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhớ về Nhà báo Cách mạng Hồ Chí Minh, người có cả ngàn bài báo, là chủ bút nhiều tờ báo và sáng lập ra một nền báo chí cách mạng, thế nhưng chưa bao giờ nhận mình là nhà báo. Những tác phẩm báo chí của Người là lời căn dặn tâm huyết, những kinh nghiệm làm báo vô cùng quý báu đối với các thế hệ làm báo Cách mạng chúng ta.
‘Đã làm cách mạng chớ lôi thôi
Cách mạng thì ta cách đến nơi
Trước phải giành quyền cho cả nước
Sau ra cách mạng cả bầu trời.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận