Sàn TMĐT có dừng bán iPhone xách tay sau 15/10?
iPhone xách tay được bày bán trên các sàn thương mại điện tử đa phần không xuất trình được chứng từ hợp pháp.
- Chất lượng hàng hoá vẫn đang là vấn đề "nhức nhối" trên sàn thương mại điện tử
- Sàn thương mại điện tử Việt Nam nói không với hàng giả
- FPT Retail: Kế hoạch 2020 chuỗi Long Châu doanh thu tăng gấp 3, tiếp tục đẩy mạnh kênh online
Dạo quanh các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, sản phẩm iPhone 11 Pro Max bản 256 GB được giới thiệu là hàng nhập khẩu có giá bán dao động từ 27-29,5 triệu đồng. Trong khi đó, Apple đang bán sản phẩm này với giá tương đương 28,9 triệu đồng.
Tại Việt Nam, mẫu iPhone này được các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động và FPT Shop phân phối với giá từ 32-34 triệu đồng.
Điều này đặt ra câu hỏi "tại sao lại có khoảng chênh lệch giá này khi Apple chỉ có một giá bán?"
iPhone không hóa đơn VAT
Trả lời Zing, cựu quản lý Apple Việt Nam cho biết các sản phẩm có giá bán rẻ hơn hàng có mã VN/A được nhập chính ngạch là do trốn thuế.
“Hàng xách tay sẽ được săn từ các thiên đường thuế. Một số bang của Mỹ, thuế mua iPhone chỉ 2-3% thậm chí 0%. Một số quốc gia như Singapore sẽ hoàn 7% thuế cho người nước ngoài mua hàng. Sau đó, iPhone được vận chuyển về Việt Nam. Thay vì dùng 7% tiền thuế đã hoàn để đóng 10% VAT, họ trốn luôn”, cựu quản lý Apple Việt Nam cho biết.
iPhone 11 Pro Max 256 GB được bán trên sàn thương mại điện tử rẻ hơn giá chính hãng của Apple.
Theo người này, đối tác của Apple tại Việt Nam như Thế Giới Di Động, Viettel, FPT Shop sẽ mua iPhone sỉ với giá lẻ như người dùng. Giá bán cuối cùng của nhà bán lẻ bao gồm 10% VAT, chi phí vận hành, lợi nhuận. Vì vậy, hàng iPhone VN/A phân phối chính ngạch luôn đắt hơn 25% so với hàng xách tay trốn thuế. Và kể cả có được đóng đầy đủ 10% thuế VAT, hàng xách tay vẫn rẻ hơn giá của nhà bán lẻ.
“Bên cạnh đó, một số nhà bán lẻ ở nước ngoài bị kẹt hàng cũng sẵn sàng đạp giá sâu. Thương nhân Việt sẽ săn hàng từ những nguồn này, khiến giá iPhone xách tay càng rẻ hơn nữa”, cựu quản lý Apple cho biết.
Như vậy, các gian hàng bày bán iPhone 11 Pro Max 256 GB giá dưới 29 triệu đồng phần lớn là hàng nhập lậu. Phóng viên đã liên hệ một số cửa hàng trên cả ba sàn thương mại, tất cả đều cho biết không có hóa đơn VAT.
"Đây là hàng xách tay nên không có hóa đơn VAT", chủ gian hàng Thai**** trên Shopee cho biết.
Tại Việt Nam, ngày 26/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/10. Với mức xử phạt tăng từ 2-3 lần đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, nghị định này có thể gây ảnh hưởng rất lớn với giới buôn hàng xách tay, trong đó có iPhone.
Chính sách miễn trừ trách nhiệm
Trả lời Zing, cả ba sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee, Lazada đều có chung công thức trả lời: Có chính sách nghiêm ngặt, luôn tuân thủ quy định pháp luật, sẽ gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm khi phát hiện hoặc khi nhận được phản ánh từ chủ thương hiệu, cộng đồng người bán hay người mua trên sàn.
iPhone xách tay được bày bán trên các sàn thương mại điện tử đa phần không xuất trình được chứng từ hợp pháp.
“Shopee tuân thủ quy định pháp luật có liên quan về trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử theo tinh thần của Điều 4 khoản 4 Thông tư 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 về trách nhiệm của thương nhân/tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử: 'Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này'", đại diện Shopee cho biết.
Trong khi đó, đại diện Lazada cho biết sàn luôn áp dụng chính sách quản lý nền tảng nghiêm ngặt cũng như tôn trọng các quy định pháp luật có liên quan.
“Lazada thường xuyên chủ động rà soát, gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm khi phát hiện hoặc khi nhận được phản ánh từ chủ thương hiệu, cộng đồng người bán hay người mua trên sàn… đồng thời đưa ra hình thức xử lý cần thiết từ đình chỉ đến đóng cửa vĩnh viễn gian hàng để có thể mang đến một nền tảng TMĐT an toàn và đáng tin cậy đến người dùng”, đại diện Lazada cho biết.
Về phần Tiki, sàn thương mại này yêu cầu các chủ gian hàng kinh doanh phải ký cam kết về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm, đồng thời đảm bảo sản phẩm có đầy đủ chứng từ, hóa đơn để chứng minh nguồn gốc xuất xứ khi có yêu cầu.
“Đối với các gian hàng vi phạm, Tiki sẽ áp dụng các chế tài để đảm bảo tuân thủ luật pháp, đồng thời ngừng hợp tác kinh doanh vĩnh viễn với các Nhà Bán Hàng cố tình vi phạm”, đại diện Tiki cho biết.
Trả lời Zing, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng vấn đề nằm ở chính sách hậu kiểm. “Tất cả hàng hóa cần chứng minh nguồn gốc xuất xứ trước khi được đăng bán. Không thể để hàng lậu bày bán tràn lan rồi xử lý sau khi phát hiện hay bị người dùng báo cáo được”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Theo ông Thịnh, các sàn thương mại điện tử giống như một ban quản lý chợ. Ban quản chợ phải chịu một phần trách nhiệm vì thiếu kiểm soát, để các gian hàng trong chợ xảy ra vi phạm.
Đồng thời, ông Thịnh cho rằng các sàn thương mại điện tử cần phải có công nghệ rà soát chặt chẽ hơn nữa. "Sau khi hoàn thành thủ tục bán hàng, nhiều chủ shop vẫn có thể trộn hàng hóa lậu, nhái vào để tiếp tục bày bán", ông Thịnh nói thêm.
iPhone lậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng
Hàng xách tay gây nhiều thiệt hại cho Việt Nam. Theo số liệu của một đơn vị nhập khẩu iPhone, năm 2019, iPhone chính ngạch về Việt Nam khoảng 1 triệu chiếc thì hàng xách tay được bán ra đến 1,2-1,3 triệu chiếc.
"Lấy giá trung bình một mẫu iPhone là 700 USD, Việt Nam thất thu gần 100 triệu USD tiền thuế từ hàng xách tay", đại diện đơn vị nhập khẩu này cho biết.
Không riêng iPhone, mô hình sàn thương mại điện tử đang tiếp tay cho hàng loạt các mặt hàng khác có dấu hiệu nhập lậu như áo quần, giày dép, linh kiện điện tử.
Nếu chỉ thực hiện theo mô hình quy trách nhiệm cho người bán, xóa sản phẩm khi có phản hồi thì các sàn thương mại điện tử sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho hàng nhập lậu.
Theo ICTnews/ Zing
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận