So với các nước phát triển: Tổn thất điện năng của Việt Nam đang đứng ở đâu?
Tỷ lệ tổn thất điện nằn của Việt Nam hiện nay đã sát ngưỡng kỹ thuật và có thể giảm được nữa nhưng sẽ rất tốn kém chi phí - đó là nội dung chính phóng viên trao đổi với ông Lê Việt Hùng, Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN xoay quanh chủ đề giảm tỷ lệ tổn thất điện năng của Việt Nam.
- EVN kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành Chỉ thị về tiết kiệm điện
- EVN nói gì về "thẻ siêu tiết kiệm điện"?
- Thiết bị tiết kiệm điện có được như quảng cáo khi bán sản phẩm
Ông Lê Việt Hùng - Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất (EVN)
PV: Xin ông cho biết, thời gian qua, EVN đã triển khai những giải pháp đột phá nào để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN)?
Ông Lê Việt Hùng: Những năm qua, các đơn vị trong Tập đoàn đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và thực hiện có hiệu quả công tác giảm TTĐN. Cách thức tổ chức, quản lý TTĐN đã đi vào nề nếp và khá bài bản. Giải pháp giảm TTĐN ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới bao gồm các giải pháp về quản lý vận hành, quản lý kinh doanh, đầu tư cải tạo lưới điện...
Theo tôi, quan trọng nhất là tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị. Các đơn vị đã thực hiện giải pháp phù hợp, hiệu quả cho từng khu vực và phát huy được ý thức, trách nhiệm của mỗi người lao động trong công tác này. Kết quả, TTĐN năm 2018 của EVN là 7,04 %, năm 2019 TTĐN của EVN là 6,5%.
PV: EVN về đích trước một năm trong việc thực hiện giảm TTĐN. Xin ông cho biết mục tiêu tiếp theo trong việc thực hiện nhiệm vụ này của EVN là gì?
Ông Lê Việt Hùng: Mục tiêu kế hoạch 2016-2020, TTĐN sẽ giảm xuống 6,5%, trong đó, lưới điện truyền tải giảm xuống 2,15%; lưới điện phân phối giảm xuống khoảng 4,35%.
Đến nay TTĐN của Tập đoàn đã giảm đến mức thấp, nếu muốn tiếp tục giảm TTĐN, sẽ phải đầu tư cải tạo hệ thống lưới điện và phải cân nhắc đến hiệu quả của dự án và khả năng thu hồi vốn đầu tư.
Tôi hoàn toàn nhất trí với phát biểu của GS. Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: “Chúng ta không giảm TTĐN bằng mọi giá mà phải cân đối, dựa trên cơ sở hiệu quả đầu tư và khả năng cung cấp điện ổn định trên lưới”.
Về các giải pháp liên quan đến quản lý vận hành, quản lý kinh doanh, tôi tin rằng, các Công ty Điện lực, các Công ty Truyền tải, các đơn vị trong EVN đã và sẽ nỗ lực cao nhất trong vận hành hợp lý hệ thống điện, nhằm góp phần giảm TTĐN.
Trở ngại lớn nhất có lẽ là vấn đề đầu tư: Chúng ta thực hiện đầu tư phát triển hệ thống điện theo Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Quy hoạch, nhiều công trình điện đã bị chậm tiến độ do thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công không đảm bảo đúng tiến độ cam kết,...
Lưới điện không theo kịp tăng trưởng phụ tải dẫn đến đầy, quá tải đường dây, TBA... TTĐN của các đơn vị sẽ tăng. Đặc biệt, nếu lưới điện truyền tải không giảm được về 2,15% sẽ là khó khăn lớn trong thực hiện mục tiêu giảm TTĐN chung.
EVN ứng dụng công nghệ vệ sinh sứ khi đang mang điện giúp giảm TTĐN
PV: Thưa ông, bên cạnh sự nỗ lực chung của toàn Tập đoàn, tại một số đơn vị, tỷ lệ TTĐN còn cao so với kế hoạch. Tập đoàn có cơ chế thưởng, phạt như thế nào liên quan đến tỷ lệ TTĐN?
Ông Lê Việt Hùng: EVN giao chỉ tiêu TTĐN kế hoạch cho các đơn vị từ đầu năm. Thực tế, TTĐN đã giảm thấp sát ngưỡng kỹ thuật, nên các biến động về nguồn, tải so với dự báo hay chậm tiến độ công trình đều ảnh hưởng đến kết quả giảm TTĐN của đơn vị.
Hiện nay, các Tổng Công ty đang chỉ đạo các Công ty trực thuộc thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch giảm TTĐN. Cơ bản tăng TTĐN đều là do nguyên nhân khách quan.
Cơ chế thưởng phạt về TTĐN của Tập đoàn là rất rõ ràng, gắn với trách nhiệm của đơn vị, của cá nhân. Nếu đơn vị không đạt chỉ tiêu kế hoạch do chủ quan thì tiền lương của người lao động sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nếu không quản lý sát sao, TTĐN tăng do lỗi chủ quan, người đứng đầu đơn vị sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và nếu 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị miễn nhiệm.
PV: Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ TTĐN sẽ tăng trở lại trong một giai đoạn nhất định do tiếp tục truyền tải sản lượng điện cao vào miền Nam, nhiều dự án nguồn và lưới điện chậm tiến độ. Ông bình luận như thế nào về ý kiến này?
Ông Lê Việt Hùng: TTĐN của EVN đã ở mức thấp, sát với ngưỡng kỹ thuật. Các biến đổi phụ tải, cơ cấu huy động nguồn hay tiến độ công trình thay đổi sẽ ảnh hưởng đến TTĐN.
Tại một số Công ty Điện lực, giá trị sản xuất công nghiệp giảm thì TTĐN tăng, tuy nhiên mức tăng sẽ dao động quanh ngưỡng kỹ thuật chứ không trở lại cao như trước đây.
Khi đã ở mức thấp, TTĐN cũng có thể tăng nhẹ trong ngắn hạn nếu quy hoạch đầu tư lưới điện chậm hơn tăng trưởng phụ tải. Đây là thực tế đã xảy ra ở nhiều nước có TTĐN thấp, đạt đến ngưỡng kỹ thuật.
Trong thời gian tới, nếu các yếu tố bất lợi như chậm tiến độ công trình nguồn, lưới, tải cao vào miền Nam... không được giải quyết, TTĐN có thể tăng, nhưng không quá 1%.
EVN ứng dụng khoa học công nghệ quan quản lý vận hành giúp giảm TTĐN
PV: Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có TTĐN rất thấp (khoảng 3%) như Singapore, Israel, Đài Loan… Việt Nam có đặt ra mục tiêu này không, thưa ông?
Ông Lê Việt Hùng: TTĐN phụ thuộc vào đặc điểm hệ thống điện của mỗi nước, nên việc so sánh giữa các nước chỉ mang tính tương đối. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Singapore, Israel, Đài Loan có diện tích không lớn, phụ tải tập trung, có hệ thống điện mạnh, hiện đại với độ tin cậy cao, các đường dây cung cấp điện không quá dài là lợi thế tự nhiên giúp có được tổn thất điện năng thấp.
Ở Việt Nam cũng có những khu vực phụ tải tập trung có tỷ lệ TTĐN thấp, như Bình Dương (2,95%), Lào Cai (2,97%), Đà Nẵng (3,0%), Đồng Nai (3,35%)...
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều tỉnh có lưới điện kéo dài, điều kiện vận hành khó khăn, TTĐN cao trên 7% như Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hoá... Ở các khu vực này giảm TTĐN xuống 3% cũng có thể làm được, nhưng đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn.
Hiệu quả giảm TTĐN ở khu vực này sẽ rất thấp so với yêu cầu về vốn đầu tư. Vì vậy, việc đầu tư giảm TTĐN cần phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ, nếu không sẽ gây lãng phí lớn.
Ngay cả một số nước phát triển cũng không đưa mục tiêu giảm TTĐN bằng mọi giá. Theo số liệu chúng tôi có được, nhiều nước có tỷ lệ tổn thất cao hơn Việt Nam, như: Liên bang Nga (10%), Vương Quốc Anh (8,3%), Ấn Độ (18%), Brazin (15%), HongKong (12%), Hunggari (12%), Rumani (10%), Ukraina (10%), Tây Ban Nha 9,5%...
Với kinh nghiệm giảm TTĐN trong nhiều năm, EVN sẽ tiếp tục đúc rút kinh nghiệm xây dựng kế hoạch giảm TTĐN hợp lý, tập trung thực hiện tối đa các giải pháp quản lý vận hành, quản lý kinh doanh giảm TTĐN.
Còn về vấn đề đầu tư, EVN sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị đầu tư hiệu quả, hợp lý, không tập trung giảm TTĐN bằng mọi giá. Mục tiêu chính của EVN là tập trung thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao đảm bảo cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng điện cung cấp cho khách hàng. TTĐN Việt Nam đã tương đối tốt, tập trung giảm TTĐN cần gắn với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, không nhất thiết quá tập trung nguồn lực vào giảm TTĐN.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tổn thất điện năng là điện năng hao phí trong quá trình truyền tải điện từ các nhà máy điện qua lưới điện truyền tải, phân phối đến các hộ tiêu thụ điện. Do các phần tử trên đường dây, trạm biến áp có điện trở, dòng điện chạy qua điện trở sẽ phát nhiệt gây nên tổn thất điện năng. |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận