Luật hoá các hoạt động thương mại trên môi trường internet để chống gian lận
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường internet hiện nay diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Để phù hợp với giai đoạn mới, Bộ Công thương chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định mới thay thế Nghị đinh 52/2013 về Thương mại điện tử.
- Tổng cục Quản lý thị trường mở chiến dịch chung tay dọn "sim rác"
- Made in Vietnam: Chống gian lận xuất xứ cần chiến lược dài hơi
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục Quản lý thị trường, Nghị định thay thế sẽ đặt ra những cách thức quản lý mới và đối xử bình đẳng giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Khi đó, trên môi trường thương mại truyền thống, những quy định khi muốn trao đổi, mua bán hàng hóa phải tuân thủ những yếu tố gì thì bây giờ sẽ quy định như vậy trên môi trường internet.
Tổng cục Quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh công tác phòng chống gian lận thương mại trên môi trường Internet. Ảnh minh họa
Trước đây, chính sách pháp luật hầu như chưa quy định trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, mà chủ yếu xoay quanh người bán hàng. Do đó, để thành công trong việc chống gian lận trên môi trường thương mại, việc thay đổi về chính sách là rất quan trọng và cần phải đi đầu.
Ngoài ra, chia sẻ về nhiệm vụ chống gian lận trên môi trường thương mại điện tử của lực lượng quản lý thị trường cả nước trong năm 2021, ông Trần Hữu Linh cũng cho biết, giai đoạn 2 đến 3 năm tới, lực lượng sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát trên môi trường thương mại điện tử; lập kế hoạch chuyên nghiệp, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm.
Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh: Trong 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên mại sẽ chiếm khoảng từ 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Vì vậy, lực lượng đang xây dựng kế hoạch tổng thể để lực lượng quản lý thị trường đủ năng lực để phòng chống, ngăn chặn gian lận thương mại trên thương mại điện tử.
Ngoài ra, lực lượng cũng thành lập bộ phận chuyên trách chính thức của lực lượng quản lý thị trường chuyên phòng, chống hành vi gian lận thương mại trên thương mại điện tử. Cùng với đó, nâng cao năng lực kiểm tra, hậu kiểm của lực lượng quản lý thị trường.
Đặc biệt, lực lượng sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục kiểm tra các chủ thể, chủ sàn tham gia giao dịch thương mại điện tử, trên nền tảng mạng xã hội; nâng cao năng lực, nghiệp vụ của cán bộ, công chức viên chức lực lượng quản lý thị trường; đổi mới trang thiết bị, công nghệ tiên tiến để bắt kịp với tốc độ phát triển của thương mại điện tử.
Đánh giá về thực trạng buôn lậu, hàng giả hàng nhái được giao bán tràn lan trên mạng, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, nhờ thành tựu của khoa học công nghệ nên việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và có thể nói “cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân” nên một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Cụ thể, theo ông Trần Hữu Linh, trong vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển thương mại điện tử rất nhanh, đi kèm với đó là các hành vi gian lận thương mại ngày càng gia tăng, phổ biến không chỉ được thực hiện trên các sàn thương mại điện tử thông thường mà đã lan sang các thiết bị di động, trên các mạng xã hội…
Hơn nữa, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng với đó, là các dịch vụ đi kèm thương mại điện tử rất phát triển, nên kho hàng có thể nằm bất kể ở đâu, thậm chí nằm ở những địa bàn chiến lược, như là sát cửa khẩu biên giới.
Thêm vào đó, các dịch vụ hậu cần chuyển phát, thanh toán rất hiện đại, nên hàng hóa được luân chuyển, vận chuyển trong nội địa rất nhanh. Điều này khiến chống gian lận thương mại, buôn lậu, đặc biệt là hàng giả trên mạng lại càng khó khăn.
Vì thế, Tổng cục Quản lý thị trường đã lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách riêng. Qua nắm bắt thông tin và những biện pháp nghiệp vụ, lực lượng đã tấn công, xử lý một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn trên môi trường internet, đặc biệt là mô hình kinh doanh mới, như trên các mạng xã hội, kênh bán hàng đa kênh livestream.
Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường còn kiểm tra, xử lý rất nhiều vụ việc bán khẩu trang, nước rửa tay lậu, kém chất lượng trên mạng xã hội; phát hiện tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế đã qua sử dụng thông qua mạng xã hội ở Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Hà Nội…
“Kỳ vọng, trong năm 2021, Nghị định thay thế Nghị định 52/2013 sẽ được Chính phủ ký ban hành và có hiệu lực. Đây là thay đổi rất quan trọng đối với môi trường phát triển thương mại tử” Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận