Ấn Độ cấm mạng xã hội dùng cụm từ phổ biến gần đây ‘biến chủng Ấn Độ’
Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ yêu cầu các công ty truyền thông xã hội gỡ bỏ bất cứ bài đăng nào có nội dung liên quan tới “biến chủng Ấn Độ”.
"Điều này hoàn toàn sai trái. Không có biến chủng COVID-19 nào được WHO trích dẫn như vậy. WHO không liên kết thuật ngữ "biến chủng Ấn Độ" với biến chủng B.1.617 trong bất cứ báo cáo nào", Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ viết trong lá thư gửi tới các công ty truyền thông xã hội hôm 21/5.
Một phụ nữ đi lại trên một con phố ở Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/5 phân loại biến thể B.1.617 phát hiện ở Ấn Độ là "biến thể đáng lo ngại" ở cấp toàn cầu.
Một ngày sau đó, chính phủ Ấn Độ đưa ra tuyên bố nói rằng việc các trang mạng xã hội sử dụng thuật ngữ "biến chủng Ấn Độ" là không có cơ sở, đồng thời nhấn mạnh WHO chỉ phân loại biến chủng này là B.1.617.
Một nguồn tin cấp cao của chính phủ Ấn Độ nói với Reuters rằng thông báo của Bộ Công nghệ thông tin được đưa ra nhằm gửi một thông điệp rõ ràng rằng các nội dung đề cập tới "biến chủng Ấn Độ" lan truyền thông tin sai trái và làm tổn hại hình ảnh của quốc gia Nam Á.
WHO không liên hệ nguồn gốc biến thể virus SARS-CoV-2 với các nước cụ thể, nhưng các chuyên gia y tế thường gắn biến chủng COVID-19 với nơi mà chúng xuất hiện. Truyền thông quốc tế thường xuyên dùng các cụm từ “biến chủng Anh”, “biến chủng Brazil”, “biến chủng Nam Phi”.
Một nhà điều hành truyền thông xã hội cho biết, rất khó để gỡ bỏ tất cả nội dung như chính phủ Ấn Độ yêu cầu vì có hàng trăm nghìn bài đăng như vậy. Ông này cũng cho rằng động thái như vậy sẽ dẫn đến việc kiểm duyệt dựa trên từ khóa trong tương lai.
Biến thể B.1.617 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 10/2020. Biến thể này lây sang hàng chục quốc gia, buộc nhiều nước phải áp đặt các hạn chế với người nhập cảnh từ Ấn Độ.
Biến thể B.1.617 cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến làn sóng COVID-19 thứ hai lây lan mạnh ở Ấn Độ.
Ấn Độ hiện vẫn là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 26,3 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 290.000 người thiệt mạng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận