Làm chủ không gian mạng để Việt Nam bắt nhịp cùng sự phát triển của thế giới
Bên cạnh mặt tích của sự phát triển công nghệ ngày nay thì thách thức lớn nhất của các quốc gia là vấn đề an ninh mạng, do đó Việt Nam cần phải giải quyết bài toán làm chủ không gian mạng để có thể tạo lợi thế cho khoa học công nghệ bắt nhịp được với các quốc gia trên thế giới.
- 'Không ai có thể an toàn 1 mình trên không gian mạng'
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử
- Phó Viện trưởng Trần Minh Tuấn: Cần tập trung giám sát không gian mạng để đảm bảo an toàn an ninh
Không gian mạng có tính chất phức tạp về an ninh
Có thể thấy, những lợi ích to lớn mà mạng xã hội đem lại cho con người là không thể phủ nhận. Thông tin trên mạng xã hội có tốc độ lan truyền nhanh, tiếp cận đến từng cá nhân, người dùng, là công cụ tốt để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Mạng xã hội cũng cung cấp thông tin quan trọng và kịp thời cho nhân dân khi xảy ra các sự việc phức tạp; là phương tiện hữu hiệu góp phần xây dựng và hoàn thiện mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.
Diễn biến tội phạm an ninh mạng đang ngày càng phức tạp.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và các dịch vụ mạng đang đặt ra vấn đề về an ninh mạng cho Chính phủ Việt Nam. Các mối đe dọa an ninh trên mạng xã hội xuất phát từ những nội dung có người dùng tự sáng tạo ra, với khả năng cập nhật nhanh và ít bị kiểm duyệt, khiến thông tin có tốc độ lan tỏa nhanh chóng, tạo hiệu ứng hoặc xu thế có tác động lớn đến tâm lý của người dân.
Theo thống kê của tổ chức We Are Social (Anh), tính đến đầu năm 2021, tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam chiếm tới 70% dân số, với thời gian sử dụng trung bình lên tới hơn 6 giờ/ngày. Các mạng xã hội được dùng nhiều nhất tại Việt Nam là Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube…
Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Nguyễn Hoài Anh cho rằng, mạng xã hội là "môi trường và không gian lý tưởng" để các thế lực thù địch và đối tượng xấu lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa an ninh quốc gia, như: tuyên truyền, truyền bá những thông tin gây hiệu ứng đám đông, phục vụ các mục đích về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao; truyền bá ý thức hệ đối lập, tôn giáo cực đoan, kích động, gây mất ổn định chính trị; dùng điệp báo tấn công mạng nhằm lấy cắp thông tin nhạy cảm, bí mật quốc gia...
Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch lợi dụng internet và mạng xã hội để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Thống kê của Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho thấy, trong gần 10 năm qua, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã, đang sử dụng 8.784 web, blog có tên miền nước ngoài; 381 web, blog có tên miền trong nước thường xuyên đăng tải thông tin xấu, độc.
Cơ quan Công an các cấp đã phát hiện 279 vụ sử dụng internet xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh với hơn 200 đối tượng, bắt, xử lý 140 đối tượng. Đáng chú ý, trong đó có 219 vụ kích động biểu tình trên không gian mạng; 138 hội, nhóm trá hình hoạt động trên không gian mạng; 45.498 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử có tên miền .vn bị tấn công, trong đó có 2.113 lượt tấn công các cổng thông tin, trang tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã xảy ra 3.159 vụ tấn công mạng vào các hệ thống thông tin, trong đó có tới 968 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface), 635 cuộc tấn công cài cắm mã độc.
Kiểm soát không gian mạng để đảm bảo chủ quyền quốc gia
Cũng như chủ quyền lãnh thổ, các quốc gia có quyền tối cao, tuyệt đối, hoàn toàn và riêng biệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình, tức có chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Việc xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền kiểm soát, chi phối trên cơ sở chủ quyền, lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.
Bảo đảm an ninh mạng cũng là bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Để giải quyết vấn đề an ninh trên không gian mạng, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin, thiết bị công nghệ thông tin bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia cho các cơ quan trung ương và địa phương; các công trình hạ tầng trọng yếu, các tập đoàn kinh tế quan trọng có kết nối mạng.
Đặc biệt, các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia cần được xác định, áp dụng các biện pháp bảo vệ tương xứng, liên tục từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, phát triển, vận hành và sử dụng.
Thượng tá Hoàng Minh Huệ (Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an – Bộ Công an) cho rằng, Bộ Công an cần tăng cường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể về vấn đề này. Đồng thời chủ động đào tạo nguồn nhân lực chủ công trên mặt trận đảm bảo an ninh kinh tế số, theo hướng kết hợp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh với kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là công nghệ số…
Phát biểu chỉ đạo trong Hội thảo gần đây về vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, vấn đề phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức mới từ không gian mạng, nổi bật là hành vi tấn công mạng có chủ đích vào cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu; giả mạo các trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, lực lượng Công an, tổ chức, doanh nghiệp để đánh cắp dữ liệu cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tạo lập các sàn giao dịch, ứng dụng, website kiếm tiền lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, đầu tư, kinh doanh bảo hiểm, vàng, tiền điện tử...
Trong khi đó, hiện nay nước ta chưa tự chủ hoàn toàn về công nghệ, nhiều công ty cung cấp dịch vụ người dùng hoặc vận hành công nghệ cho Việt Nam đều do phía nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất chủ quyền an ninh thông tin.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Đại tướng Tô Lâm yêu cầu lực lượng Công an thời gian tới tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận