Giá rau tăng vọt hậu bão: Lợi dụng hay bất đắc dĩ của tiểu thương?
Dưới sự tác động và ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) và lũ lụt kéo theo, thị trường hàng hóa tại Việt Nam đã chứng kiến những biến động đáng chú ý. Trong khi phần lớn các mặt hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng duy trì mức giá ổn hoặc tăng nhẹ, nhưng rau xanh tại các chợ dân sinh lại “nhảy múa” với mức tăng chóng mặt, gấp đôi. Thế nhưng, tại các siêu thị ở Hà Nội, giá rau vẫn giữ được ở mức ổn định. Sự chênh lệch giá cả giữa chợ dân sinh và siêu thị đặt ra nhiều câu hỏi. Đâu là bí mật đằng sau sự chênh lệch này? Tại sao cùng một thành phố mà chợ và siêu thị lại có thể tạo nên hai thế giới giá cả khác biệt đến vậy?
Sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, giá các mặt hàng thực phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã có biến động tăng giá nhất là các loại rau ăn lá. Theo ghi nhận, tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội cho thấy một số loại rau xanh, củ, quả, đặc biệt là rau ăn lá, rau gia vị “leo giá” theo từng ngày.
Rau ăn lá tăng giá gấp đôi, ba ngày thường. Ảnh: Việt Anh
Cụ thể, tại chợ Bông Đỏ, La Khê, Hà Đông, ngày 12/9/2024, giá cả rau muống tăng gấp đôi lên gần 30.000 đồng/mớ, rau ngót, rau dề 15000-30.000 đồng/mớ, rau mồng tơi 20.000 đồng/mớ; cải xanh từ 28.000-30.000đồng/kg... Giá các loại củ, quả như cà rốt, bí xanh, bí đỏ... cũng tăng thêm. Cà chua có giá 5.000 đồng/lạng (50.000 đồng/kg) hiện cà rốt có giá 25.000 đồng/kg the khoai tây 20.000 đồng/kg, bầu 25.000 đồng/kg; bí xanh 35.000-40.000 đồng/kg...Việc giá cả tăng cao cũng ảnh hướng đến người dân gây khó khăn trong việc chi tiêu dùng. Đặc biệt là những hộ gia đình khó khăn có điều kiện kinh tế eo hẹp.
Sạp rau tại chợ dân sinh Bông Đỏ, La Khê, Hà Đông với giá cao đột biến. Ảnh: Việt Anh
Và để lý giải cho nguyên nhân tại sao giá rau xanh tăng mạnh, có thể thấy rõ do ảnh hưởng từ những trận bão lớn và mưa lũ kéo dài các tỉnh miền Bắc, các vùng trồng rau chủ lực bị ngập lụt và hư hỏng nặng nề, dẫn đến nguồn cung sụt giảm đáng kể. Điều này đã đẩy giá các loại rau củ tăng gấp 2-3 lần gây khó khăn cho cả người tiêu dùng lẫn các tiểu thương. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến giá rau, chi phí vận chuyển nông sản từ các tỉnh đến các thành phố lớn cũng bị đội lên do tình trạng đường sá bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều con đường bị sạt lở, cản trở việc vận chuyển, làm kéo dài thời gian di chuyển và tăng chi phí nhiên liệu. Điều này càng làm cho giá cả nông sản tăng thêm, gây khó khăn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tại các siêu thị nguồn cung hàng vẫn được cung ứng đầy đủ và giá vẫn ổn định. Nhiều mặt hàng rau củ tại đây có giá cả rẻ hơn nhiều so với ngoài chợ. Tại BigC Thăng Long, ngày 12/9, giá rau muống 19.900 đồng/túi, rau ngót 27.900 đồng/túi, cà chua 39.000 đồng/kg, rau bắp 22.000 đồng/kg, cải thảo 24.000 đồng/kg, cà rốt 23.900 đồng/kg.
Rau xanh tại siêu thị tại BigC Thăng Long vẫn giữ mức giá ổn định. Ảnh: Việt Anh
Theo thông tin từ các đại diện siêu thị cho biết, sau bão người dân có nhu cầu cao về thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Để không tăng giá bán các siêu thị đã lên phương án dự trữ, vận chuyển rau xanh, thực phẩm từ những địa phương không ảnh hưởng bão lũ, chủ động điều chuyển sang nguồn hàng các tỉnh phía Nam, cung ứng nguồn thực phẩm cho Hà Nội.
Đại diện Central Retail Việt Nam – đơn vị vận hành hệ thống GO!, BigC đã tăng 100% sản lượng cung ứng hàng hóa rau củ các loại so với ngày thường. Bên cạnh đó, ngay từ cuối tuần trước, Central Retail Việt Nam đã chuẩn bị những chuyến xe tăng cường hàng hóa cho miền Bắc. Theo đó, trung bình mỗi chuyến xe đi từ Đà Lạt giao cho miền Trung và miền Bắc là 40 tấn/chuyến, nay tăng lên 75 – 80 tấn/chuyến. Giá cả vẫn được giữ nguyên như trước khi xảy ra bão. Chúng tôi không tăng giá bán, vì đã có chuẩn bị nguồn hàng từ trước cùng các đối tác ở Đà Lạt”, đại diện Central Retail Việt Nam khẳng định.
Sự khác biệt rõ rệt về giá cả giữa chợ truyền thống và siêu thị phản ánh tác động không đồng nhất của thiên tai lên chuỗi cung ứng. Đồng thời cho thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung và xây dựng hệ thống phân phối linh hoạt để ứng phó với những biến động bất ngờ do thiên tai gây ra. Trong khi siêu thị, với lợi thế về quy mô và nguồn lực, có khả năng duy trì sự ổn định trong cung ứng hàng hóa. Họ thường có hệ thống dự trữ quy mô lớn và mạng lưới nhà cung cấp đa dạng, giúp đảm bảo nguồn hàng liên tục, ngay cả trong điều kiện khó khăn.
Ngược lại, các tiểu thương tại chợ dân sinh thường phụ thuộc vào nguồn cung cấp hạn chế và ít đa dạng hơn. Khi thiên tai xảy ra, nguồn hàng đầu vào của họ dễ bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể. Hậu quả là, họ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng hóa và chi phí đầu vào tăng cao, buộc phải điều chỉnh giá bán lên để duy trì hoạt động kinh doanh. Điều này giải thích cho việc giá cả tại các chợ truyền thống tăng mạnh sau cơn bão, trong khi siêu thị vẫn giữ được mức giá ổn định.
Nhằm để đối phó, ngăn chặn hiện tượng “đầu cơ găm hàng, giá rau xanh tăng phi mã”, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tăng cường kết nối, tìm kiếm thêm các nguồn hàng (đặc biệt là mặt hàng rau xanh) từ các tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng của bão số 3 để hoạt động cung ứng của đơn vị không bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thị trường chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng dân dụng, sửa chữa điện, điện tử, thiết bị và đồ gia dụng... do hậu quả của bão số 3; kịp thời xử lý theo thẩm quyền các hành vi tạo khan hiếm để đầu cơ nâng giá hàng hóa, gây bất ổn thị trường, đặc biệt trong dịp khắc phục hậu quả bão số 3....
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá dự báo giá cả các mặt hàng trên sẽ sớm trở lại bình thường trong những ngày tới do các giải pháp điều hành, chỉ đạo tăng cường nguồn cung quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng