Đà Nẵng tạo 'bệ phóng' cho ngành bán dẫn và AI
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo quan trọng lần thứ hai để lấy ý kiến về ba dự thảo nghị quyết đột phá, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo các Nghị quyết chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (lần thứ hai). Ảnh: TK
Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội ngày 15/11, chủ trì bởi Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, với sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cùng đại diện các Bộ, Ban ngành trung ương và cộng đồng doanh nghiệp vi mạch Việt Nam. Đây là bước tiếp nối sau hội thảo đầu tiên được tổ chức vào ngày 07/11/2024, thu hút hơn 50 đại biểu và nhận được 57 ý kiến đóng góp quý báu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung góp ý ba nhóm vấn đề chính gồm: tiêu chuẩn và điều kiện đối với đối tượng thụ hưởng; nội dung, mức độ hỗ trợ; trình tự thủ tục và thành phần hồ sơ.
XEM THÊM: Công thức đột phá cho Chiến lược Bán dẫn Việt Nam
Ba trụ cột chính sách đột phá
Điểm nhấn của hội thảo là ba dự thảo nghị quyết mang tính đột phá, cụ thể hóa Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng:
Thứ nhất, chính sách phát triển nhân lực: Đề xuất các ưu đãi hấp dẫn về thu nhập và chi phí lưu trú cho chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực bán dẫn và AI. Đặc biệt, thành phố sẽ hỗ trợ chi phí đào tạo cho sinh viên ngành bán dẫn, AI và một phần chi phí thuê nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
Thứ hai, ưu đãi thuế: Doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực bán dẫn, AI sẽ được hưởng miễn thuế trong 5 năm, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Thứ ba, hỗ trợ hạ tầng: Các đối tác chiến lược sẽ được hỗ trợ tới 5% chi phí thiết bị sản xuất, được thuê trực tiếp cơ sở hạ tầng không qua đấu giá, và được sử dụng miễn phí mặt bằng tại Khu Công viên phần mềm số 2.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch Hội Vô Tuyến - Điện Tử Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TK
Theo ông Đoàn Quang Hoan - Phó chủ tịch Hội Vô Tuyến - Điện tử Việt Nam, Đà Nẵng đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, đây là điều quan trọng cho tương lai phát triển của thành phố. Đà Nẵng cần nghiên cứu thêm các chính sách dài hạn như hợp đồng lao động lâu dài, hỗ trợ chỗ ở cho các chuyên gia là giáo sư, tiến sĩ để thu hút họ về cống hiến.
"Cần có các "máy cái", tức là những giảng viên cao cấp về làm hạt nhân, dẫn dắt cho cả một môi trường chung phát triển lâu dài", ông Hoan nhấn mạnh.
Hội thảo diễn ra sôi nổi và ghi nhận nhiều đóng góp của các chuyên gia uy tín và giàu kinh nghiệm tại Việt Nam. Ảnh: TK
Cũng chia sẻ tại Hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định: "Các chính sách này sẽ là động lực quan trọng để Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực. Chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút được các tập đoàn công nghệ hàng đầu và xây dựng một cộng đồng chuyên gia, kỹ sư công nghệ vững mạnh tại thành phố."
Dự kiến, các nghị quyết này sẽ được ban hành và áp dụng từ đầu năm 2025, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển công nghệ cao của Đà Nẵng, đồng thời góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và AI của Việt Nam lên tầm cao mới.
Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng sẽ tiếp thu các góp ý, hiệu chỉnh và đề xuất bổ sung vào dự thảo các Nghị quyết chính sách để trình cấp thẩm quyền ban hành, dự kiến áp dụng từ đầu năm 2025.
Các Nghị quyết mới được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong việc thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào thành phố, đồng thời thu hút chuyên gia đến làm việc tại Đà Nẵng.
Qua đó, thành phố hướng đến xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và nguồn nhân lực vững mạnh, bền vững, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo không chỉ của Đà Nẵng mà còn của cả Việt Nam.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng