EVN: Hệ thống đảm bảo đủ điện cho năm 2020
Chiều ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia sẽ đảm bảo đủ điện cho năm 2020.
- EVN phải huy động nguồn điện chạy dầu do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng
- EVN “Tri ân khách hàng” trong tháng 12/2019
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì họp báo
Đảm bảo công khai minh bạch
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Nguyên tắc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN gồm: Chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác.
Tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành. Chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập, từ các nhà máy điện đã cổ phần hoá có ký hợp đồng mua bán điện với EVN, từ các nhà máy điện thuộc công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập với EVN xác định thông qua hợp đồng mua bán điện.
Chi phí sản xuất điện từ các nhà máy hạch toán phụ thuộc EVN được xác định căn cứ vào số liệu chi phí đã được kiểm toán độc lập xác nhận. Việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm: Báo cáo chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN do kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam) kiểm toán; báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện (kiểm tra chọn mẫu); tài liệu do các đơn vị được kiểm tra cung cấp theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.
Việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 không bao gồm thanh kiểm tra việc chấp hành của EVN đối với các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản, các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp, các quy định về đầu tư, đấu thầu xây dựng công trình điện và mua sắm, thanh lý thiết bị. Khi có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan, chi phí/giá thành sản xuất kinh doanh điện sẽ được hiệu chỉnh tương ứng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm: Qua kiểm tra, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284,64 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đồng/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.
Các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện, cho thuê nhà khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của các dự án nguồn điện của EVN đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên.
Giá thành khâu phát điện là 255.679,98 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.329,17 đồng/kWh.
Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 19.690,95 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 102,36 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu truyền tải điện bao gồm khoản phân bổ số dư chênh lệch tỷ giá chưa được tính vào giá thành điện tại 31/12/2015 của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia với giá trị phân bổ năm 2018 là 1.828,22 tỷ đồng.
Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 55.590,9 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 288,99 đồng/kWh.
Khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.322,81 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,88 đồng/kWh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 là 192,36 tỷ kWh, tăng 10,14% so với năm 2017. Doanh thu bán điện năm 2018 là 332.983,34 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.731,04 đồng/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698,701 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%.
EVN đảm bảo cung cấp đủ điện năm 2020
Hệ thống đáp ứng đủ điện năm 2020
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân năm 2020, ngày 16/12/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3733/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020.
Theo đó, dự báo năm 2020, sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019, bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2020 đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Theo phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành,…
Cụ thể, năm 2019, hầu như không xuất hiện lũ trên nhiều hệ thống sông ở miền Bắc và Bắc miền Trung, lưu lượng nước về nhiều hồ thuỷ điện thấp hơn so với trung bình nhiều năm, dẫn đến mực nước của nhiều hồ thủy điện vào cuối năm 2019 rất thấp so với mực nước dâng bình thường. Điển hình là các hồ thuỷ điện trên lưu vực sông Đà không tích được đến mực nước dâng bình thường vào cuối năm 2019 (cụ thể, các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình dự kiến thấp hơn từ 10-20m so với mực nước dâng bình thường), một số hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Trung, miền Nam như Bản Vẽ, Cửa Đạt, A Vương, Đại Ninh có mực nước cuối năm 2019 thấp hơn từ 7-29m so với mực nước dâng bình thường.
Theo tính toán, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ thủy điện vào đầu năm 2020 thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỷ kWh. Bên cạnh đó, các hồ thủy điện còn phải làm nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn tại nhiều địa phương. Ngay trong tháng 01-02/2020, các hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng sẽ phải vận hành xả khoảng hơn 4 tỷ mét khối nước phục vụ đổ ải vụ, việc này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp điện cho các tháng cao điểm mùa khô năm 2020.
Trong điều kiện tình hình hạn hán xuất hiện ở nhiều khu vực từ năm 2019 sang năm 2020, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT trong việc điều tiết các hồ chứa thủy điện, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhất nguồn nước, tập trung vào các giải pháp cơ bản như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư hệ thống bơm tưới hiệu quả và các địa phương cần chủ động thực hiện các giải pháp tích nước để giảm sự phụ thuộc vào việc xả nước từ các hồ thủy điện.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, năm 2020, tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến vào vận hành khoảng 4.300MW. Đặc biệt, năm 2020, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao. Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí.
Để đảm bảo cung cấp điện năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã giao các đơn vị phát điện phải thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị của các nhà máy điện đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện; chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhiên liệu (than, khí, dầu) để đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu phát điện các nhà máy điện.
Đặc biệt Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị phát điện chủ động chuẩn bị nguồn nhiện liệu than bao gồm cả phương án sử dụng than trộn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02/12/2019 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện.
Các đơn vị quản lý lưới điện truyền tải, phân phối phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát tình trạng thiết bị trên lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối, khắc phục kịp thời các tồn tại của thiết bị đang vận hành trên lưới điện, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia. Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm.
Bộ Công Thương sẽ thường xuyên thực hiện giám sát, đốc thúc các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ đã được giao, đảm bảo khả năng cung cấp điện cho năm 2020 và tạo tiền đề chuẩn bị cho các năm tiếp sau.
“Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN, các Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực đẩy mạnh thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để giảm nhu cầu phụ tải điện vào giờ cao điểm của hệ thống điện, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy cho hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện khu vực”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận