Ẩm thực ba miền: Phở chua, món ăn dân dã xứ Lạng
Không chỉ góp mặt trong những ngày lễ tết, phở chua còn là món quà đãi khách quý đến chơi nhà của người dân Lạng Sơn. Phở chua Lạng Sơn được chế biến khá cầu kỳ, là món ăn lạ tai, lạ mắt và khi thưởng thức thì lạ miệng với thực khách đường xa.
- Ẩm thực ba miền: Khám phá mâm cỗ ngày tết cổ truyền Bắc Kỳ
- Ẩm thực ba miền: ô mai và cái nôi của văn hóa ăn quà xứ Tràng An
- Ẩm thực ba miền: Món ăn đêm Xứ Huế có gì?
Mặc dù hiện nay mọi người có thể ăn món phở chua ở trên khắp mọi miền đất nước, nhưng sẽ chẳng nơi nào có được hương vị thơm ngon, khác biệt như ở Lạng Sơn. Phở chua Lạng Sơn trở thành đặc sản nổi tiếng không chỉ bởi cái tên nghe lạ tai, hình thức lạ mắt mà còn ở chính cách chế biến cầu kỳ và sự kỹ càng trong chuẩn bị nguyên liệu.
Chỉ với 25 nghìn đồng – 30 nghìn đồng là bạn sẽ có một bát phở chua có vị giòn, bùi của khoai, lạc đi kèm cảm giác ngầy ngậy từ thịt xá xíu kết hợp với ớt cay, dưa chuột man mát. Lâu nay, món này đã trở thành niềm tự hào, là thứ đặc sản ngon nức tiếng theo chân người xứ Lạng đi khắp nơi.
Phở chua xứ Lạng không thể thiếu trong các ngày lễ tết (nguồn: Dulichlangson)
Nguyên liệu chính gồm bánh phở, khoai lang, thịt xá xíu, xúng xàng, gan lợn, thịt gà xé, hành phi, khoai môn, lạc rang, hành khô, dưa chuột, lạp sườn...Công đoạn sơ chế cũng cầu kỳ qua nhiều bước.
Trước hết lạc rang giã dập, các loại rau thơm, hành khô, dưa chuột và lạp xưởng thái mỏng. Thịt lợn nạc được thái to bản, dày chừng 5 cm và tẩm ướp với dầu hào, đường, tạo màu bằng hạt điều rồi đem luộc sơ qua, sau đó để ráo và cuối cùng là rán, thái nhỏ lát dài. Khoai môn hoặc khoai lang xắt sợi chỉ, chiên giòn trong dầu già.
Phở chua gồm nhiều nguyên liệu dân dã trộn cùng nhau (nguồn: PasGo)
Khi nguyên liệu đã sơ chế xong, người làm xếp lần lượt một lớp bánh phở (mùa đông bánh phở được nhúng qua nước sôi cho nóng) sau đó đến xá xíu, dưa chuột và lạc rang, khoai lang chiên, hành khô lên trên. Tùy khẩu vị, thực khách có thể thêm chút chanh tươi, ớt hay tiêu.
Phở chua sẽ chỉ ngon một nửa nếu thiếu vị béo đậm đà của nước dùng. Theo đó, người làm phải đun sôi nước luộc vịt, phi thơm hành, tỏi và cho vào nồi cùng ớt, cà chua, giấm đường (gia vị riêng rất đặc biệt, làm từ quả chuối chín), đường, nước mắm, gừng. Khâu cuối cùng là cho bột năng vào để nước sánh lại.
Khi ăn, thực khách sẽ tự chan hoặc trộn cùng nước dùng để cảm nhận rõ vị ngậy của mỡ vịt và thơm phức nhờ những gia vị đặc trưng. Tuy nhiên, cần phải khéo léo trộn lượng nước dùng vừa đủ sao cho nguyên liệu không bị nát mà gia vị vẫn thấm đều.
Không chỉ là sản vật để những người con xa quê nhớ về, phở chua còn được xem như món quà thết khách của xứ Lạng, góp phần làm phong phú kho tàng ẩm thực dân tộc Việt.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận