Kinh tế tuần hoàn - Giải pháp bền vững để Việt Nam tạo môi trường không rác thải nhựa
Nhằm hướng đến môi trường trong sạch, lành mạnh thông qua xã hội hoá về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, giải pháp này được coi là biện pháp hoàn chỉnh và bền vững tại Việt Nam.
- Ông Nguyễn Quang Vinh: "Kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích 4.500 tỷ USD mỗi năm"
- Nhóm nghiên cứu biến rác thải nhựa thành axit có thể tạo ra điện
- Bãi rác Nam Sơn đã được thông - Rác thải ở nội thành đã được giải toả
Ngày 19/2, lần đầu tiên, thỏa thuận thiết lập Hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam được ký kết giữa Bộ TN&MT và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam), Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (Unilever Việt Nam).
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân: Vấn đề rác thải nhựa hiện nay đang trở thành thách thức lớn nhất của loài người.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: Ô nhiễm nhựa hiện đang là cuộc khủng hoảng toàn cầu và vấn đề rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt.
Trên thế giới, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được bán ra và có tới 5 nghìn tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng mỗi năm nhưng một nửa tổng số nhựa được thiết kế để sử dụng một lần và sau đó vứt đi.
"Trong tổng số nhựa từng được sản xuất, chỉ 9% chất thải nhựa được tái chế, khoảng 12% bị tiêu hủy, 79% tích lũy trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên" Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Ô nhiễm nhựa gây thiệt hại to lớn cho môi trường và hệ sinh thái. Rác thải nhựa ảnh hưởng dòng chảy của các dòng sông, phá hủy hoặc làm suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là các vùng biển.
Nhiều loài sinh vật bị chết do vướng vào lưới đánh cá bị mất hoặc bị bỏ lại trên đại dương hoặc do ăn phải nhựa bởi nhầm lẫn là thức ăn. Các mảnh nhựa trôi nổi cũng cung cấp "phương tiện di chuyển" cho các sinh vật, làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai đến hệ sinh thái.
Các hạt vi nhựa cùng với các chất ô nhiễm theo chuỗi thức ăn sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý cho các loài sinh vật bậc cao hơn, bao gồm cả con người.
Kinh tế tuần hoàn được coi là giải pháp bền vững để Việt Nam tiến đến môi trường không rác thải nhựa.
Tại Việt Nam tỷ lệ sử dụng nhựa bình quân trên đầu người không cao như nhiều nước phát triển trên thế giới, nhưng với quy mô dân số gần 100 triệu người cùng với hệ thống hạ tầng quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện thì vấn đề rác thải nhựa là thách thức rất lớn mà những quốc gia đang phát triển như Việt Nam đang phải đối mặt.
Nhận thức được vai trò và sứ mệnh trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu, Việt Nam-một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc-đã cam kết hành động giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.
Tháng 12/2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết của Hội đồng Môi trường của Liên hợp quốc về xử lý rác thải nhựa và rác thải biển.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề nhựa trên biển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa. Bộ TN&MT đã ký kết Ý định thư với Diễn đàn Kinh tế thế giới về hợp tác xử lý rác thải nhựa, thành lập Liên minh chống rác thải nhựa, hợp tác Liên minh tái chế bao bì Việt Nam... Rất nhiều cơ quan nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân đã có nhiều hoạt động thiết thực và sáng kiến để hưởng ứng.
Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi rất tự hào là thành viên sáng lập mô hình Hợp tác công tư này để triển khai kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam. Là công ty khoa học vật liệu và cung cấp giải pháp, Dow Việt Nam đang hợp tác với các đối tác để phát minh các sản phẩm mới, công nghệ tái chế và tạo ra thị trường tiêu thụ mới cho rác thải nhựa tái chế để giúp loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường."
Các đại biểu thực hiện ký kết bản ghi nhớ hợp tác công tư trong xây dựng kinh tế tuần hoàn.
Ông Thanapat Kaweetraiphop - Giám đốc Thương mại - Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn (thành viên của Tập đoàn SCG) cho biết. "Để xây dựng kinh tế tuần hoàn, sự phát triển cơ sở hạ tầng dưới sự điều hành của Chính phủ, những quy định nghiêm ngặt và quy trình xử lý rác thải khắt khe là không đủ. Việc hợp tác giữa tất cả các bên là một yếu tố quan trọng để kinh tế tuần hoàn được thực hiện."
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam: "Kinh tế tuần hoàn cũng như phân loại rác tại nguồn, và tái chế rác thải nhựa, dù đã được nhắc đến rất nhiều tại Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta thiết lập được một nhóm làm việc tâm huyết để triển khai mô hình này một cách thực tế và hiệu quả. Với sự đồng thuận của Bộ TN&MT và các đối tác, một lần nữa đã khẳng định hướng tiếp cận đúng đắn của Unilever: nền kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam”.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao sự trách nhiệm và chủ động của Dow Việt Nam, Tập đoàn SCG và Unilever Việt Nam, sẽ tạo niềm cảm hứng và tạo thành phong trào kết nối thêm nhiều doanh nghiệp cùng hành động Bộ kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước cùng chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam.
Sau khi Biên bản ghi nhớ được ký kết, Bộ TN&MT sẽ thành lập tổ công tác chung để xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể về 4 nội dung ưu tiên gồm nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn; hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa; tăng cường đổi mới công nghệ và giải pháp tái chế rác thải nhựa; tăng cường đối thoại và xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận