Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo từ 24/3
Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu bắt đầu từ 0h ngày 24/3 để đảm bảo an ninh lương thực.
- Gạo ST25 của Việt Nam được trao giải gạo ngon nhất thế giới
- 9 tháng, xuất khẩu điện thoại của Việt Nam đạt 38,6 tỷ USD
- Vinamilk nhận giải thưởng Doanh nghiệp Xuất khẩu của Châu Á năm 2019
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành vừa ký công văn hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Cục Quản lý rủi ro và Cục Điều tra chống buôn lậu về vấn đề xuất khẩu gạo.
Theo đó, thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã yêu cầu một số công việc.
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng các loại gạo xuất khẩu từ 0 giờ ngày 24/3. Tuy nhiên, các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm 0 giờ ngày 24/3 vẫn được giải quyết theo quy định.
Tổng cục Hải quan cũng giao Cục Quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí đưa một số mặt hàng gạo các loại thuộc phân nhóm HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường đấu tranh, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng gạo các loại qua biên giới và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 18/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”. Thủ tướng đã khẳng định phải đảm bảo an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống.
Trong khi đó, Bộ NN&PTNT cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cộng với tình hình thời tiết không thuận lợi có thể ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu dùng và nhu cầu lương thực của các nước trên thế giới nhưng Bộ vẫn chủ động các giải pháp nhằm đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Diễn biến trong những tháng đầu năm cho thấy tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam tương đối thuận lợi, giá gạo xuất khẩu tăng cao đem lại lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người trồng lúa. Tính đến ngày 15/3, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 1,298 triệu tấn, tăng 26,5% với giá trị đạt 602 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Hiệp hội Lượng thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam ngày 20/3 là từ 418 - 422 USD/tấn; loại 25% tấm giá từ 403 - 407 USD/tấn; gạo Jasmine có giá từ 528 - 532 USD/tấn. Giá bán loại 5% tấm so với với giá trung bình của tháng 2/2020 cao hơn từ 30 - 40 USD/tấn.
Giá lúa gạo trong nước cũng tương đối thuận lợi, trong tuần từ 5 - 12/3, các doanh nghiệp thu mua lúa tươi của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long tại ruộng với giá dao động 4.950 - 5.150 đồng/kg; giá lúa hạt dài dao động 4.950 - 5.500 đồng/kg.
Mặc dù có những thuận lợi trước mắt như vậy nhưng theo nhận định của Bộ NN&PTNT, năm 2020, nhiều hình thái thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên và tác động của mùa Đông ấm ở các tỉnh phía Bắc gây bất lợi cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất lúa gạo của cả nước.
Do vậy, Bộ NN&PTNT đã và đang chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp ứng phó đảm bảo thắng lợi trong sản xuất, phấn đấu đạt sản lượng thóc năm nay là 43,5 triệu tấn, tăng khoảng 80.000 tấn so với năm 2019, đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận