Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 - tăng 10% chỉ tiêu đại học
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có cuộc họp với Bộ GD&ĐT rà soát công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
- Bộ GD&ĐT chốt ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2020
- Lùi thời gian thi tốt nghiệp THPT quốc gia vào trung tuần tháng 8/2020
Tại cuộc họp, Bộ GD&ĐT cho biết đến nay, Bộ đã ban hành quy chế kỳ thi, ban hành đề tham khảo các môn thi, tổ chức hội nghị trực tuyến với với 63 tỉnh/thành phố về công tác chuẩn bị thi; tập huấn cho các sở GD&ĐT; rà soát, hoàn thiện phần mềm chấm thi, quản lý thi; cung cấp thông tin về những điểm mới của kỳ thi…
Kỳ thi năm nay cũng phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các thí sinh. Các hội đồng thi, điểm thi phải lường trước và có phương án xử lý nhanh nhất những tình huống thí sinh gặp vấn đề về sức khoẻ, quên giấy tờ, đến muộn vì bất khả kháng… không để thí sinh nào bị lỡ thi.
Kỳ vọng một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, giảm tốn kém. Ảnh: Như Ý/Tiền Phong.
Nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng đến thời điểm hiện nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện chặt chẽ, quy định rõ ràng trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, chính quyền địa phương, hội đồng thi, điểm thi trong từng khâu tổ chức kỳ thi.
“Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng giao trách nhiệm tổ chức kỳ thi cho các địa phương, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm cuối cùng, sẽ diễn ra an toàn, trung thực, nhưng không gây nặng nề, căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh và xã hội”, bà Nguyễn Thị Doan nói.
Còn bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đồng tình với những giải pháp của Bộ GD&ĐT đưa ra để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, trung thực, tạo sự yên tâm, thoải mái thí sinh, phụ huynh.
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi năm nay tiếp tục tinh thần “học gì, thi nấy”, kiểm tra kiến thức toàn diện, tránh học tủ, học lệch, đảm bảo trung thực, có sự đối sánh kết quả thi THPT với học bạ.
Kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới, đặc biệt không tổ chức cho giảng viên đại học về các địa phương tham gia coi thi và chấm thi. Từ kinh nghiệm những năm trước, Bộ GD&ĐT hoàn thiện thêm một số điểm mới trong các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương liên quan in sao đề thi, trông thi, sắp xếp phòng thi, đánh số báo danh, chấm thi…
Về việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển ĐH, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết sau khi Bộ công bố đề mẫu, đa phần trường ĐH vẫn sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển.
Năm 2020, tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH sẽ tăng thêm khoảng 10% so với năm 2019, khoảng trên 500.000 chỉ tiêu. Các trường ở tốp trên có mức độ cạnh tranh cao thì số chỉ tiêu tuyển sinh chiếm chưa đến 10%. Vì vậy, nếu có kết quả thi tốt thì cơ hội vào ĐH của các thí sinh rất rộng mở.
Còn theo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi năm nay được giao cho địa phương tổ chức nhưng Bộ GD&ĐT cũng như cá nhân bộ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo, đặc biệt là những khâu quan trọng như xây dựng và ban hành quy chế thi, ra đề thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, tập huấn. Các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp quá trình tổ chức kỳ thi tại địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Chính phủ đã có một lộ trình, trong đó có lộ trình đổi mới kỳ thi THPT, tuyển sinh ĐH gắn với tự chủ ĐH, gắn với trách nhiệm giải trình.
Trong những năm thực hiện lộ trình đổi mới kỳ thi, Phó Thủ tướng nêu rõ: So với trước năm 2015, kỳ thi đã có bước tiến rất dài. Bên cạnh những sai sót, kẽ hở, những điểm bất hợp lý, qua từng năm thì rõ ràng kỳ thi đã bớt căng thẳng, áp lực, học sinh bớt học lệch, học tủ. Cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH được mở rộng để học sinh có thể học ĐH, học nghề theo năng lực, nguyện vọng và năng lực.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có 2 điểm dư luận xã hội, cũng như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tổ chức theo Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 đòi hỏi kỳ thi bớt tính “đánh đố” nhưng đảm bảo sự phân hoá và độ tin cậy cho các trường ĐH tham khảo để tuyển sinh.
Thứ hai là kỳ thi năm nay, phù hợp lộ trình đổi mới thi, song song với tinh thần phòng, chống dịch bệnh, khâu tổ chức được giao cho địa phương. Khi đó, tính trung thực, khách quan, công bằng phải được đảm bảo.
Ở địa phương giao trách nhiệm cho UBND tỉnh, thành phố, trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi trên địa bàn; thực hiện đúng, nghiêm các quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ đáp ứng được mục tiêu an toàn, nghiêm túc, trung thực nhưng không gây áp lực, căng thẳng cho học sinh và xã hội.
Đây là năm cuối thực hiện lộ trình đổi mới kỳ thi theo Nghị quyết 29, nếu chúng ta thực hiện thành công thì sẽ tạo niềm tin, tạo đà để tiếp tục thực hiện các khâu đổi mới khác trong giáo dục, đào tạo theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 trong thời gian tới.
Theo Zingvn
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận