Cập nhật tình hình dịch COVID-19: EU đảm bảo đủ Remdesivir trong điều trị tại lục địa già
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên khắp EU đã khiến giới chức khu vực này đang phải đảm bảo lượng thuốc Remdesivir để điều trị cho các bệnh nhân trong nỗ lực ổn định tình hình dịch bệnh.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Italy gia hạn tình trạng khẩn cấp đến tháng 10/2020
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Anh đứng trước nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ 2
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Séc sẽ thay đổi cách đánh giá rủi ro dịch bệnh
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, trong nỗ lực ngăn chặn dịch Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ đã bảo đảm đủ lượng thuốc Remdesivir chống bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, để điều trị cho 30.000 bệnh nhân tại châu lục này.
Remdesivir, do công ty dược phẩm Gilead của Mỹ sản xuất, là một trong hai loại thuốc được chứng minh có khả năng điều trị COVID-19, dự kiến sẽ được cung cấp cho 27 quốc gia thành viên của EU và Anh từ đầu tháng 8 tới.
Đầu tháng này, Remdesivir (hiện gọi là Veklury) đã trở thành loại thuốc đầu tiên được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) cấp phép để điều trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19. Loại thuốc này cũng đã được Mỹ và Nhật Bản cấp phép.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19: EU đảm bảo đủ Remdesivir trong điều trị tại lục địa già.
Trong một báo cáo, Ủy viên EU về An toàn Thực phẩm và Sức khỏe Stella Kyriakides nêu rõ: "Trong những tuần gần đây, Ủy ban châu Âu đã tích cực đàm phán với Gilead để đạt được thỏa thuận nhằm đảm bảo rằng số thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên sẽ được chuyển đến EU".
Theo Ủy viên Kyriakides, hợp đồng trị giá 63 triệu euro (khoảng 74,5 triệu USD) giữa EU và Gilead về Remdesivir được ký ngày 28/7 và “thỏa thuận là một bước tiến quan trọng khác trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 của chúng tôi".
Remdesivir đã được xác nhận giúp giảm thời gian phục hồi cho bệnh nhân COVID-19 nặng nhất từ 15 ngày xuống còn 11 ngày. Tuy nhiên, hiệu quả của loại thuốc này chưa được xác nhận đối với những bệnh nhân mắc bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình. Theo Bộ Y tế Mỹ, một liệu trình điều trị với Remdesivir cần khoảng 6 lọ thuốc và chi phí hơn 2.850 euro (khoảng 3.372 USD).
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới sau châu Mỹ, với 3,2 triệu ca nhiễm bệnh và hơn 210.800 trường hợp tử vong được ghi nhận kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.
Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến 22h giờ ngày 30/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 17,24 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 671.200 ca tử vong.
Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục trên toàn thế giới là hơn 10,78 triệu người. Trong số hơn 5,78 triệu ca đang được điều trị thì có khoảng hơn 66.300 ca bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khi ngày 30/7, nhiều nước thông báo ghi nhận các ca nhiễm mới và tử vong cao nhất trong ngày. Đây là ngày ghi nhận nhiều ca tử vong và mắc mới nhất tại Australia kể từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát, với 13 ca tử vong và 744 ca lây nhiễm mới, chủ yếu tại bang Đông Nam Victoria.
Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews cho biết tình trạng này là do gia tăng trường hợp lây nhiễm và tử vong tại các cơ sở dưỡng lão. Đa số những người tử vong trong độ tuổi từ 70 - 90 tuổi. Tính đến nay, Australia ghi nhận 16.000 ca mắc COVID-19 và 189 trường hợp tử vong.
Cùng ngày, chính quyền thành phố Tokyo (Nhật Bản) thông báo đã ghi nhận 370 ca mắc COVID -19 mới tại thành phố này, vượt mức kỷ lục ghi nhận vào ngày 23/7 với 366 ca mắc bệnh.
Thực tế này làm dấy lên quan ngại về nguy cơ số ca lây nhiễm mới tại Nhật Bản tăng mạnh sau khi nước này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do COVID -19 hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Chính phủ Nhật Bản cũng thông báo từ ngày 5/8 sẽ cấp phép tái nhập cảnh đối với một số người nước ngoài đã có tư cách lưu trú ở nước này với điều kiện họ tuân thủ các quy định, bao gồm tiến hành xét nghiệm chuỗi phản ứng polymerase (PCR).
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã bác bỏ khả năng nước này sẽ tái ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19. Tính đến ngày 30/7, tổng số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản là hơn 34.100 ca và số trường hợp tử vong vì COVID-19 là 1.019 người.
Giới chức thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho hơn 13.200 người tại quận Xương Bình (Changping), ngoại thành thủ đô Bắc Kinh, sau khi phát hiện 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại đây.
Tính đến trưa 29/7, đã có 606 cư dân sống chung tòa nhà với hai ca nhiễm trên và 12.649 người khác có tiếp xúc được xét nghiệm. Tất cả đều có kết quả âm tính. Tuy nhiên, tòa nhà nơi bệnh nhân sống vẫn được tiến hành cách ly.
Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) xác nhận thêm 149 ca mới nhiễm mới, mức cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bùng phát tại đây. Trong số này, có tới 145 ca là lây nhiễm cộng đồng và đây cũng là ngày có số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất. Đáng lo ngại, có tới 61 ca mới thuộc diện không thể truy vết nguồn lây.
Như vậy, đã 9 ngày liên tiếp Hong Kong ghi nhận số ca mới ở mức cao trên 100 ca mỗi ngày và chính quyền khu hành chính đang cảnh báo vùng lãnh thổ này đối mặt với quãng thời gian mang tính quyết định trong việc kiềm chế sự lây lan của làn sóng dịch thứ 3 tại đây này.
Ấn Độ thông báo đã có thêm 52.123 ca mắc mới trong 24 giờ qua, con số cao nhất ghi nhận trong một ngày tại nước này. Trong khi đó, số người tử vong do COVID-19 là 775 người, nâng tổng số ca tử vong tại Ấn Độ lên gần 35.000 người. Tổng số ca mắc bệnh vượt ngưỡng 1.500.000 người.
Liban cũng nằm trong những nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong ngày. Theo đó, đã có thêm 182 trường hợp nhiễm COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này vào tháng 2 vừa qua. Tổng số ca mắc bệnh tại Liban là 4.505 người, trong đó có 55 ca tử vong.
Trước tình hình này, Chính phủ Liban đã đưa ra các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày 30/7 đến ngày 3/8, trùng với ngày lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo.
Tình hình dịch bệnh tại châu Mỹ cũng chưa cải thiện. Bộ Y tế Peru thông báo số ca lây nhiễm COVID-19 đã vượt con số 400.000 người sau khi nước này ghi nhận 5.678 ca mắc mới trong 24 giờ qua, con số cao nhất trong hơn 6 tuần qua. Trong khi đó, số ca tử vong là 204 người , nâng tổng số tử vong lên gần 19.000 người tại quốc gia Nam Mỹ này.
Mỹ tiếp tục ghi nhận những điểm nóng về dịch COVID-19 tại nhiều nơi. Los Angeles, thành phố đông dân nhất nước Mỹ, trong ngày 29/7, đã ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao nhất trong ngày, lần lượt là 4.825 ca và 91 ca. Như vậy, số người mắc bênh tại thành phố 10 triệu dân này là 183.383 người, trong khi số người tử vong là hơn 4.500 người.
Bang Florida tiếp tục có thêm 216 ca tử vong do COVID -19, mức cao nhất ghi nhận trong ngày, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 6.300 người. Số ca lây nhiễm mới tại bang này là 9.446 người, thấp hơn so với con số 10.000 người thường ghi nhận trong nhiều tuần qua.
Tổng số người mắc bệnh tại bang có 21 triệu dân này là 451.423 người. Tình hình dịch bệnh được dự báo sẽ phức tạp hơn tại bang Florida trong bối cảnh cơn bão Isaias dự báo sẽ đổ bộ vào bang cuối tuần này.
Chính quyền bang đã quyết định đóng cửa toàn bộ trung tâm xét nghiệm COVID -19 vào ngày 30/7 cho tới khi có thông báo mới. Các bang khác như Texas, North Carolina cũng ghi nhận các ca mắc mới và tử vong cao nhất trong ngày.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó kiểm soát, nhiều nước đã tăng cường các biện pháp phòng dịch hoặc gia hạn tình trạng khẩn cấp để hạn chế virus lây lan, trong khi nhiều nước khác bước vào giai đoạn nới lỏng.
Romania đã công bố gói biện pháp mới nhằm ngặn chặn virus lây lan như giảm giờ hoạt động của các quán bar, nhà hàng và bắt buộc đeo khẩu trang tại những khu vực ngoài trời tập trung đông người, sau khi số ca mắc COVID-19 tăng đột biến.
Tại Đức, chưa đầy 2 tuần nữa học sinh các trường ở thủ đô Berlin sẽ trở lại trường học, tuy nhiên trong bối cảnh số ca lây nhiễm đang có chiều hướng tăng mạnh vài tuần qua, giới chức giáo dục ở Berlin đã quyết định yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trong các trường học.
Trong ngày 29/7, Đức đã ghi nhận trên 700 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở Đức lên trên 207.000 trường hợp. Bang Nordrhein-Westfalen có số ca mắc COVID-19 cao nhất trong ngày, với gần 230 ca. Chỉ số lây nhiễm ở Đức hiện là 1,13.
Cùng ngày, người phát ngôn chính phủ Ba Lan, Piotr Muller cho biết nước này sẽ áp đặt trở lại các biện pháp cách ly đối với những người trở về từ một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) và một số nước ngoài EU sau khi số ca nhiễm gia tăng ở nước này. Ba Lan đang ghi nhận số ca nhiễm gia tăng trở lại trong thời gian gần đây.
Brazil cũng đã mở lại hoạt động đi lại hàng không quốc tế đối với khách du lịch nước ngoài sau 4 tháng đóng cửa do dịch COVID-19. Khách du lịch từ tất cả các nước đều có thể đến Brazil miễn là có bảo hiểm y tế trong thời gian lưu lại nước này.
Động thái trên của Brazil diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này vẫn rất nghiêm trọng với số ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ qua ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Về phần mình, Nepal đã mở trở lại khu du lịch đỉnh Everest và nhiều đỉnh núi khác trong dãy Himalaya sau 4 tháng rưỡi ngừng hoạt động vì dịch COVID-19 lây lan.
Tình hình tại khu vực Đông Nam Á cũng có những diễn biến trái chiều. Philippines đã xác nhận 3.954 ca nhiễm mới COVID-19. Đây là số ca nhiễm ghi nhận theo ngày lớn nhất tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca mắc COVID-19 cao nhất trước đó chỉ là 2.539 trường hợp, được xác nhận vào ngày 8/7.
Malaysia cũng ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8.964 trường hợp. Bộ Y tế Malaysia cho biết trong số 8 ca nhiễm mới có 3 ca nhiễm "nhập khẩu" và 5 ca lây nhiễm trong cộng động. Tổng số ca tử vong tại nước này là 124 trường hợp.
Bộ Y tế công cộng Thái Lan cảnh báo việc cho phép người lao động nhập cư vào nước này để khắc phục tình trạng thiếu lao động sau khi nới lỏng phong tỏa có thể dẫn tới một đợt dịch COVID-19 thứ 2. Ngày 30/7, Thái Lan ghi nhận thêm 6 ca mắc COVID-19, tất cả đều trở về từ nước ngoài và đã được cách ly.
Trong khi đó, Myanmar quyết định gia hạn cấm bay đối với các chuyến bay vận tải hành khách quốc tế đến ngày 31/8. Nước này cũng gia hạn áp dụng các biện pháp phòng dịch đến ngày 15/8.
Theo Tạp chí Điện tư
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận