TP HCM: Phát triển AI đang đứng trước thách thức lớn về nhân sự
Ứng dụng AI vào thực tế đứng trước thách thức lớn để thành công đó là vấn đề con người và tổ chức đang đặt ra cho TP HCM những vấn đề cần vượt qua trong hành trình đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phục vụ hoạt động của chính quyền cũng như người dân.
- AI - Chìa khoá vạn năng mở cửa tương lai công nghệ Việt Nam
- AI ảnh hưởng như thế nào tới ngành sản xuất Chip điện tử
- AI biến đổi ngành công nghiệp smartphone như thế nào
Chiều 25/9, phát biểu chỉ đạo hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) – Khuyến cáo cho TP HCM”, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND Thành phố hệ thống lại kế hoạch và chiến lược quốc gia về AI của khoảng 10 nước trên thế giới, tiến hành so sánh các mục tiêu, giải pháp để xem sự thống nhất cũng như các ưu tiên riêng của từng nước; qua đó xây dựng Chương trình nghiên cứu, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo TP HCM giai đoạn 2020 – 2030.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, ngoài Ban Chỉ đạo về Đô thị thông minh kiêm chức năng của Ban Chỉ đạo Chương trình nghiên cứu, ứng dụng và phát triển AI, Thành phố cần lập thêm Hội đồng Tư vấn về AI với các chuyên gia trong và ngoài nước.
Cùng với đó, Thành phố có chương trình làm việc với các nhóm chuyên gia để phản biện hoàn chỉnh, đồng thời xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, bởi đây cũng là một phần của Chương trình Quốc gia.
Trên cơ sở Chương trình, Thành phố phải xây dựng mô hình hệ sinh thái về AI, đảm bảo mô hình phải tự “nuôi dưỡng”, đào tạo nhân lực tại chỗ; cung cấp giải pháp thương mại hóa ngay tại Thành phố, phục vụ người dân và chính quyền. Từ đó, hệ sinh thái của Thành phố sẽ kết nối với cả nước; tham gia vào hệ sinh thái toàn cầu, tận dụng khả năng đào tạo, nghiên cứu quốc tế để phát triển.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, cần sớm có Đề án số hóa tài nguyên của Thành phố, tài nguyên về hồ sơ nhà nước, hồ sơ dữ liệu của các ngành; cụ thể hóa cấu phần đào tạo nhân lực cho AI; nghiên cứu hình thành Trung tâm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo của Thành phố, trước mắt ưu tiên đặt tại Đại học Quốc gia TP HCM và các trường thành viên. Ngoài ra, Thành phố có thể đặt hàng, lựa chọn các doanh nghiệp lớn để hợp tác hình thành trung tâm này.
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận các vấn đề về mô hình và mức độ ứng dụng AI tại TP HCM; sự liên kết, tương tác tứ giác của cuộc cách mạng 4.0: Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà đầu tư tài chính; hệ sinh thái ứng dụng AI, nghiên cứu, ứng dụng AI gắn liền với 3 mũi nhọn là công tác nghiên cứu và đào tạo – nắm bắt công nghệ - đổi mới sáng tạo; sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính; sự sẵn sàng của Thành phố.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Thách thức lớn nhất để thành công trong ứng dụng AI vào thực tế là vấn đề con người và cách tổ chức.
Ngân hàng Thế giới tin tưởng vào sự quyết tâm của lãnh đạo TP HCM trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đồng thời sẵn sàng đồng hành cùng Thành phố trong phát triển ứng dụng AI, từ đó có thể chia sẻ để áp dụng bài học kinh nghiệm này ra toàn quốc. Thành phố có thể trở thành vườn ươm lớn để triển khai thành công những công nghệ đột phá như AI.
Bên cạnh hội thảo, ngày 26/9, UBND TP HCM phối hợp với Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức lớp tập huấn giới thiệu, cập nhật, bổ sung thông tin, kiến thức, nâng cao nhận thức về AI cũng như khả năng, lĩnh vực ứng dụng AI trong nghiên cứu, quản lý và sản xuất cho cán bộ, nhân viên các sở, ngành, đơn vị, đoàn thể của Thành phố.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận