Canh Thụt và cái nghĩa tình của đồng bào Tây Nguyên trong ngày Tết xưa
Canh thụt, không chỉ là một món ăn mà qua đó còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ tình thương của đồng bào Tây Nguyên dành cho nhau. Một bó rau vài con cá, nếu tính bằng tiền thì chẳng bao nhiêu nhưng cái nghĩa, cái tình thì trả đủ làm sao.
- Hồ Tuyền Lâm - Bồng lai tiên cảnh giữa đại ngàn Tây Nguyên
- Mừng mùa lễ hội năm 2019 nơi những gốc Bích Đào Tây Nguyên bung nở
Canh thụt
Nhà tôi đã đi qua những ngày tháng khó khăn cũng nhờ lũ làng buôn Leck san sẻ, tiếp sức ngay cái Tết đầu tiên đến vùng đất mới Tây Nguyên.
Nhớ cái Tết đầu tiên về sống cùng cộng đồng buôn Leck. Buổi sáng mùng 1 Tết, chưa rõ mặt người, cả nhà đã bị đánh thức bởi tiếng người cười nói lao xao trước sân nhà. Mà không chỉ một người, rất nhiều người, trên tay lại mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh hỏi sao tôi không thảng thốt giật mình.
Sau câu chúc mừng năm mới: "Lâng ơ kâu jang xa chrâm pul ai, unh hnam đei trong xơ nêp" (Chúc gia đình sức khỏe luôn dồi dào, nương rẫy luôn được mùa, lúa luôn đầy kho, lửa trong nhà không bao giờ tắt, gia đình luôn ấm áp và hạnh phúc) của già làng Điểu Nhau là lời trần tình: "Nhà Tiến mới đến, rẫy nương chưa có. Mình cùng lũ làng mang đến cho lũ nhỏ có cái mà bỏ vào bụng. Mình thấy lũ trẻ nhà mày gầy hơn que củi khô ngoài rừng rồi đấy".
Trong khi cả nhà tôi đang còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì mỗi người một tay nhanh nhẹn lấy những thứ mình mang theo bắt tay vào việc nấu nấu nướng nướng, sửa soạn bữa ăn đầu năm không chỉ cho gia đình tôi mà là cả cộng đồng.
Tôi chưa thấy món ăn nào "thần thánh" như món canh thụt của lũ làng buôn Leck nấu trong mâm Tết nhà tôi. Món canh này là sự quyện hòa của cuộc sống với tất cả các dư vị chua, cay, ngọt bùi, đắng chát, nhiều chất đạm, béo nhưng chất xơ cũng không ít, có cái đắng ban đầu nhưng hậu vị ngọt về sau.
Lá bép, đọt mây, cà đắng, cá suối, thịt trâu gác bếp và một vài quả ớt sẻ. Chừng ấy chưa thành ra món canh mà cần phải có ống tre lồ ô cùng một bếp than hừng hực lửa. Chuyện cả làng đến từng nhà ăn Tết ở buôn Leck không biết có tự khi nào, chỉ biết rằng Tết nhà tôi đã làm chộn rộn cả buôn.
Mâm Tết nhà tôi chẳng có gì, khi gia đình vừa từ Miền Trung lên Tây Nguyên khai hoang kinh tế mới. Cha, mẹ tôi còn đang lo lắng không biết lấy chi tiếp đãi mọi người thì già làng Ama Nhau đã xếp đặt việc đâu ra đấy.
Lũ nhỏ nhặt lá bép, rau rừng, cà đắng, chẻ mây lấy đọt. Mấy thằng trai đốn cây, chẻ củi. Mẹ cùng cô H’Mai mang thau cá đã được làm sạch nhìn ngó để chia số cá làm sao cho tương đối bằng nhau vào trong các ống lồ ô. Thịt trâu gác bếp xé nhỏ, cuối cùng là cà đắng cùng ớt sim bỏ vào, nút lại thật kỹ bằng một nùi lá chuối.
Những ống lồ ô được gác trên bếp củi than rực đỏ phía dưới. Rồi chiếc dùi tròn lẵn làm bằng tre như chực chờ sẵn làm nát nhừ mọi thứ, tạo ra một thứ canh sền sệt, quyện hòa tất cả những dư vị vào trong một tô canh nóng hôi hổi vừa thổi vừa húp, vừa khà thì hơi rượu, mệt mỏi cũng theo đà bay xa. Người buôn Leck bảo đây là món canh cân bằng khi Tết dùng quá nhiều chất đạm, rượu cay.
Canh thụt, đâu chỉ là một món ăn mà còn góp nhặt cho nhau chút tình thương mến thương của tình nghĩa xóm làng.
Một bó rau vài con cá, nếu tính bằng tiền thì chẳng bao nhiêu nhưng cái nghĩa cái tình thì trả đủ làm sao. Nhà tôi đi qua những đận khó khăn cũng nhờ lũ làng buôn Leck hà hơi tiếp sức ngay cái Tết đầu tiên đến vùng đất mới Tây Nguyên.
Người buôn Leck vẫn nhắc Tết đến nhà tôi là vui nhất, lúc đó già làng Ama Nhau còn sống, sau khi dặn dò xong, ông bắt đầu cầm hai cái roi tre múa điệu "kơ dek sơ gơr" để mong dân làng có một mùa bội thu, không ốm đau, bệnh tật.
Món canh thụt bây giờ đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng lớn ở Tây Nguyên. Nhưng có nấu kiểu gì thì cũng không thể nào ngon như canh thụt của lũ làng buôn Leck nấu hồi đó. Thấy canh thụt lại nhớ cái nghĩa, cái tình của già làng Điểu Nhau và đồng bào ngày tết năm xưa.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận