'Thư viện' lưu trữ hạt giống thuần chủng - Món quà quý từ thiên nhiên
Ròng rã nhiều tháng trời, Hải Đăng (27 tuổi), Minh Thư (34 tuổi, đều ngụ Q.4, TP.HCM) cùng nhóm của mình đã kết nối với các nhà vườn nhằm xây dựng một "thư viện" lưu trữ hạt giống.
- Nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số nông nghiệp
- Công nghệ cao tạo động lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam
- Ngả mũ vì anh nông dân lớp 7 SX máy nông nghiệp người Nhật, Mỹ phải bỏ tiền mua
Khu vườn của Mzung Space đang sinh trưởng xanh tốt với nhiều loại cây. Ảnh: Công Triệu
Họ miệt mài làm với tâm niệm những hạt giống có mặt trong "thư viện" lưu trữ này phải là hạt giống "thuần chủng", để sẵn sàng trao tặng bất kỳ ai cần.
Hạt giống "thuần chủng"
Dự án thành lập "Thư viện lưu trữ hạt giống thuần chủng" là một trong chuỗi hoạt động về môi trường của Mzung Space, do Đăng và Thư đóng vai trò đồng sáng lập. Có hơn 20 loại hạt như bầu hồ lô, rau dền, lơ xanh, mướp hương, hạt sachi, củ hồi, mướp đắng, đậu côve, cúc… góp mặt.
Mua được lượng hạt giống như trên không khó, nhất là ở thời điểm hạt giống công nghiệp được bày bán rất nhiều, nhưng để tìm mua hạt "thuần chủng" lại không hề dễ dàng.
Thư chia sẻ việc cô luôn nhấn mạnh và nhắc bản thân phải thận trọng mỗi khi sử dụng thuật ngữ hạt giống "thuần chủng" bởi hiện nay chưa có nguồn tài liệu, khái niệm nào nói điều này.
Và để lý giải cách gọi của nhóm, Thư nói đó là những hạt giống có nguồn gốc rõ ràng, cụ thể như nguồn hạt đang lưu trữ được lấy chủ yếu từ Nhà Cười ở Đà Lạt (một nhà vườn mà nhóm đang kết nối chính - PV) hay từ tổ chức Saigon Compass và cộng đồng vườn rừng giun đất...
Ngoài ra, loại hạt đó phải được trồng kéo dài vòng đời qua nhiều vụ mùa, trồng canh tác theo kiểu vườn rừng, không độc canh…
Hạt giống được trao tặng có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Công Triệu
Mọi người tỏ ra lo lắng trước việc hầu hết nông dân nếu muốn trồng một loại cây nào đó thì việc đầu tiên họ nghĩ đến là ra các tiệm bán hạt giống công nghiệp, thay vì tìm hạt giống được thu gom lại từ mùa vụ trước. Do sự thuận tiện mua các loại hạt giống công nghiệp khiến người dân quên luôn việc gầy giống cho mùa sau.
"Những hạt giống công nghiệp sẽ không thể cho giống để gieo trồng tiếp vào mùa sau. Nếu một ngày không còn công ty nào cung cấp hạt giống thì không biết nông dân sẽ xoay xở ra sao, nguồn thực phẩm của chúng ta như thế nào?" - Đăng lý giải về lý do ra đời ý tưởng trên.
Sẵn sàng cho đi
Giữa tháng 7, nhóm đã tổ chức ngày hội trao tặng hạt giống miễn phí. Ngoài ý nghĩa của hoạt động, địa điểm diễn ra cũng là "điểm cộng" đầy ấn tượng với những ai tham gia.
Cũng là tòa nhà bêtông ba tầng như bao dãy nhà phố khác trên đường Bến Vân Đồn (Q.4, TP.HCM), nhưng không gian Mzung Space ngập tràn màu xanh của cây chuối, rau lang, khổ qua, đậu côve… đang sinh trưởng rất tốt, trông khá đẹp mắt.
"Khu vườn như cách thực nghiệm vừa đi vừa học để nhóm đầu tư thêm cho thư viện lưu trữ hạt giống" - Thư nói.
Buổi trao tặng hạt giống thu hút đông đảo bạn trẻ - những người yêu thích trồng vườn đang sinh sống tại TP.HCM. Ngoài tặng hạt, nhóm còn chia sẻ kinh nghiệm gieo, trồng và chăm sóc từng loại cây trong từng điều kiện khác nhau.
"Khá ấn tượng với cách làm để hình thành nên thư viện lưu trữ và nghĩa cử sẻ chia những hạt giống của nhóm. Nhờ nội dung nhóm thông tin mà những loại hạt như cúc, bầu, bí… tôi đang trồng hiện phát triển tốt" - chị Nam Phương, người đến với chương trình, cho biết.
Theo Đăng, cái khó của dự án chính là việc có nhiều loại hạt giống chỉ lưu trữ được trong vòng 1 đến 2 năm ở nhiệt độ thường, không lâu hơn như thế ở nhiệt độ khoảng 120C.
Và để hạt giống trở nên có ích, cần phải chăm sóc từ lúc gieo, nảy mầm, sinh trưởng và tạo ra lượng nông sản chất lượng. Mục đích mà nhóm hướng đến là nông nghiệp bền vững, mà ở đó hạt giống là thứ thiết yếu nhất.
Đặc biệt hơn, một mạng lưới thông tin liên hệ các nhà vườn trồng cây nông nghiệp bền vững, sẵn sàng cho đi những hạt giống mà họ có cũng được dự án dày công gầy nên.
"Thông qua dự án, nhóm mong muốn nhận được sự giúp đỡ, tham vấn của các chuyên gia về nông nghiệp để bớt việc lần mò mọi thứ hơn" - Đăng nói.
Nhận 1 tặng 5
Mỗi người tham gia ngày hội đều cam kết sẽ trao tặng hạt giống thu được sau mỗi vụ mùa cho những ai cần hoặc tặng lại "thư viện" của nhóm.
"Các hạt giống phải được trồng luân phiên từ người này sang người khác để kéo dài vòng đời nhất có thể. Và những ai nhận hạt giống cũng cam kết nhận 1 hạt trao tặng lại 5 hạt, từ đó tạo nên một nền nông nghiệp bền vững" - Thư tâm sự.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận