Netflix gỡ bỏ bộ phim Pine Gap vì vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam
Netflix đã gỡ bỏ bộ phim truyền hình “Pine Gap” dài 6 tập trên hệ thống dịch vụ truyền hình xuyên biên giới do bộ phim này đã có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
- Netflix lần thứ 2 bị yêu cầu loại bỏ nội dung vi phạm chủ quyền
- Netflix chiếu phim 'nhà nước': Cục trưởng khẳng định bản quyền thuộc Bộ Văn hóa
- Netflix muốn hoàn thành nghĩa vụ thuế tại Việt Nam
Ngày 30/6/2021, Công ty Netflix đã gỡ bỏ bộ phim truyền hình “Pine Gap” dài 6 tập, do bộ phim này đã có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam ngay sau khi Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) có văn bản yêu cầu gỡ bỏ bộ phim này.
Pine Gap, bộ phim có hình ảnh sai trái, vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Ảnh internet
Trước đó, Ngày 25/6/2021, Cục PTTH&TTĐT phát hiện các hình ảnh sai trái về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam xuất hiện trong các tập phim của bộ phim truyền hình “Pine Gap” cung cấp trên dịch vụ của Công ty Netflix tại Việt Nam.
Cụ thể, hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp trên biển Đông đã xuất hiện tại phút 12 của tập 2 và phút 52 của tập 3 của bộ phim “Pine Gap”.
Netflix tuân thủ pháp luật Việt Nam
Với việc Công ty Netflix liên tiếp lần thứ ba cung cấp phim có hình ảnh vi phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, ngày 25/6/2021, Cục PTTH&TTĐT đã tiếp tục có văn bản yêu cầu Công ty Netflix ngay lập tức gỡ bỏ các bộ phim, chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam.
Trước những cảnh báo nghiêm khắc, cứng rắn từ phía cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, ngày 30/6/2021, Công ty Netflix đã gỡ bỏ bộ phim này trên dịch vụ tại Việt Nam.
Ứng dụng Netflix được cài đặt sẵn trên các dòng tivi thông minh đang bán tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Đào Công
Việc để xuất hiện các thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam trong các tập phim nêu trên của Công ty Netflix đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo đó, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 9 Luật Báo chí nghiêm cấm cung cấp những nội dung kích động chiến tranh, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc…
Khoản 4 Điều 11 Luật Điện ảnh nghiêm cấm các nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc…
Trước đó, vào tháng 7/2020 bộ phim “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta - Put Your Head On My Shoulder” và vào tháng 8/2020 bộ phim “Bà Ngoại trưởng - Madam Secretary” trên dịch vụ của Công ty Netflix đã xuất hiện các hình ảnh bản đồ có hình lưỡi bò phi pháp trên biển Đông.
Ngay tại thời điểm đó Cục PTTH&TTĐT đã kịp thời có các văn bản số 1330/PTTH&TTĐT ngày 20/7/2020 và văn bản số 1665/PTTH&TTĐT ngày 28/8/2020 yêu cầu Công ty Netflix gỡ bỏ các bộ phim vi phạm.Bên cạnh đó, về mặt xã hội, vi phạm của Công ty Netflix làm tổn thương tình cảm và gây phẫn nộ đối với toàn thể nhân dân Việt Nam.
Mặc dù vậy, đây đã là lần thứ ba liên tiếp trong 12 tháng qua, Công ty Netflix bị phát hiện cung cấp phim, chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam khi cung cấp dịch vụ đến người sử dụng tại Việt Nam.
Netflix có nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam
Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 10/11/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về báo chí, điện ảnh, trẻ em.
Theo đó phản ánh sai trái lịch sử như loạt phim về chiến tranh Việt Nam; xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như phim Madam Secretary; có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Hùng cho rằng cần sửa đổi Nghị định 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Bộ Thông tin và truyền thông đã soạn thảo xong, đang trình Chính phủ xem xét.
Đồng thời, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới.
Tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kinh tế kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận