Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Đỉnh dịch tại Mỹ sẽ diễn ra trong tuần tới
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, Mỹ hiện đang là tâm dịch với 311.637 ca nhiễm và 8.454 ca tử vong do COVID-19, qua mô hình dịch phân tích này Nhà Trắng đã phát đi cảnh báo đỉnh dịch tại nước này sẽ diễn ra trong 6-7 ngày tới.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Mỹ tiến hành 1 triệu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho người dân
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Châu Âu vẫn chưa thấy dấu hiệu bớt căng thẳng
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Cách ly xã hội là vũ khí duy nhất đẩy lùi dịch bệnh
Theo website chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 5/4 theo giờ Việt Nam, trên toàn thế giới có 1.225.047 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 66.503 ca tử vong, 253.855 bệnh nhân đã bình phục và 44.572 trường hợp đang nguy kịch. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 208 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dữ liệu từ Trung tâm Khoa học Hệ thống và Kỹ thuật (CSSE) thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong một ngày trên thế giới đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 100.000 người trong ngày 4/4.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 với vị trí "dẫn đầu" của Mỹ về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới.
Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha (với 130.759 ca nhiễm và 12.418 tử vong), Italy (124.632 ca nhiễm và 15.362 ca tử vong), Đức (96.471 ca nhiễm và 1.447 ca tử vong) và Pháp (89.953 ca nhiễm và 7.560 ca tử vong). Trung Quốc, nơi khởi nguồn của đại dịch COVID-19, đứng ở vị trí thứ 6 với 81.669 ca mắc và 3.329 ca tử vong.
Đáng chú ý, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết trong ngày 4/4 đã ghi nhận 674 ca tử vong - mức thấp nhất trong 10 ngày qua. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong trong ngày giảm. Trong khi đó, số liệu của Viện nghiên cứu Robert Koch cho thấy số ca nhiễm mới tại Đức đã giảm 3 ngày liên tiếp.
Bộ Y tế Anh ngày 5/4 công bố số liệu thống kê cho thấy, tính đến 16h00 GMT ngày 4/4 (23h00 cùng ngày theo giờ Hà Nội), nước này đã ghi nhận thêm 621 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 4.934 người.
Tính đến 8h00 GMT ngày 5/4 (15h00 cùng ngày theo giờ Hà Nội), các cơ quan y tế của Anh đã xét nghiệm tổng cộng 195.524 người, trong đó có 47.806 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tại Brazil, Bộ Y tế nước này cảnh báo thủ đô Brasilia và các bang Ceara, Amazonas, Rio de Janeiro và Sao Paulo có thể chuyển từ giai đoạn lây nhiễm cộng đồng sang giai đoạn bùng phát dịch bệnh "mất kiểm soát" vì những vùng này đang có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn cả.
Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico dự báo số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tiếp theo và đỉnh dịch tại Mexico sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.
Nhằm thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, chính quyền vùng Lombardia, Italy đã ban hành quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, có hiệu lực kể từ ngày 5/4.
Hy Lạp đã tuyên bố gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 3 tuần, tới ngày 27/4 sau khi quốc gia này ghi nhận thêm 9 ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19.
Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ cũng siết chặt các biện pháp kiểm tra tại những không gian công cộng thường tập trung đông người như các khu chợ và các tuyến phà tại thành phố Istanbul.
Tại châu Á, Iran, một điểm nóng về dịch bệnh của khu vực, trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 151 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên 3.603 ca. Số ca mắc COVID-19 tại Iran đã tăng 2.483 ca lên 58.226 ca
Nhằm giảm thiểu tác động từ dịch bệnh, các hoạt động kinh tế ít rủi ro của nước này sẽ được nối lại từ ngày 11/4 tới. Riêng tại thủ đô Tehran các hoạt động này sẽ được nối lại vào ngày 18/4 tới.
Khoảng 2/3 nhân viên Chính phủ Iran sẽ làm việc từ xa. Các hoạt động có nguy cơ cao như văn hóa, thể thao, dạy học và tôn giáo sẽ tiếp tục tạm dừng cho đến ngày 18/4 tới.
Tại Hàn Quốc, để góp phần nâng cao hiệu quả biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính phủ nước này ngày 5/4 đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện "giãn cách xã hội" tới hết ngày 19/4 tới.
Tại Nhật Bản, Bộ Y tế thông báo số ca mắc COVID-19 trên cả nước đã lên tới 3.506 ca, tăng 367 ca so với một ngày trước đó. Đài NHK dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết ngày 5/4, thủ đô Tokyo đã ghi nhận hơn 143 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm tăng mạnh nhất trong một ngày, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại thành phố này lên 1.034 ca.
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã tăng lên 3.588 ca dù đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại trong 3 tuần, Chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu phần lớn các bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Tại Pakistan, giới chức nước này cho biết đang tìm kiếm hàng chục nghìn người tham dự một sự kiện tôn giáo của tổ chức Tablighi Jamaat tại thành phố Lahore diễn ra từ ngày 10-12/3 vừa qua. Đến nay, ít nhất 154 tín đồ dự lễ của Tablighi Jamaat đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 2 người đã tử vong.
Bộ Y tế Singapore ngày 5/4 đã xác nhận thêm 120 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 1.309 ca. Đây là mức tăng các ca nhiễm mới cao nhất được thông báo trong một ngày ở quốc gia Đông Nam Á này.
Để kiểm soát sự lây lan, Chính phủ Singapore đã quyết định đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu từ 7/4 và đóng cửa trường học từ ngày 8/4, đồng thời triển khai thêm các biện pháp hạn chế đi lại.
Về phần mình, giới chức y tế Malaysia đã hối thúc người dân hợp tác và trung thực với nhà chức trách nếu như họ có tiếp xúc với người nhiễm bệnh, về lịch trình đi lại, hay tham dự sự kiện có sự lây nhiễm cao. Tuyên bố này được đưa ra sau khi có 1 bệnh nhân trở về từ Italy đã lây nhiễm cho 37 người, trong đó có 5 người đã tử vong.
Để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Chính phủ Indonesia đã thông qua chính sách phóng thích các phạm nhân, song không áp dụng cho các đối tượng bị kết án tham nhũng, khủng bố và buôn lậu ma túy.
Ở khu vực châu Phi, Nam Sudan đã ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, trong khi Ethiopia đã có ca tử vong đầu tiên do COVID-19 tại nước này.
Nhằm giúp đất nước có thể vượt qua đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế, Quốc hội Tunisia đã quyết định trao một số quyền lực đặc biệt cho chính phủ nước này trong khoảng thời gian 2 tháng.
Chính phủ của Thủ tướng Elyes Fakhfakh sẽ được phép ban hành các sắc lệnh, thực hiện các thoả thuận mua sắm và huy động nguồn tài chính mà không cần phải chờ Quốc hội thông qua.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận