Ngành TT&TT tiếp tục lĩnh hội sứ mệnh "tiên phong" trong giai đoạn mới
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và trân trọng cảm ơn nỗ lực của tất cả anh em làm CNTT-TT và tất cả những người không làm trong Ngành nhưng đã đồng hành cùng Ngành trong suốt nhiệm kỳ và năm 2020 vừa qua .
- Năm 2019 nhìn lại của ngành Thông tin và truyền thông Việt Nam
- Nâng cao hiểu quả quản lý nhà nước của ngành thông tin và truyền thông tại địa phương
- Bộ TT&TT - Chỉ định tổ chức chứng nhận đối với các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phó Thủ tướng chia sẻ: Năm 2020 là năm hết sức đặc biệt, đặc biệt bởi hai chữ “khó khăn" có những khó khăn lường trước được, có những khó hăn không lường trước được. Đó là đại dịch Covid-19 cả thế giới đều không lường hết được quy mô và sự tàn phá, tác động của đại dịch này.
"Nhưng trong bối cảnh đó, năm 2020, Việt Nam vẫn có những bước tiến có thể nói rất đặc biệt, rất ngoạn mục. Năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả thành tích đặc biệt. Chúng ta đều biết nói về một đất nước đang phát triển thì điều đầu tiên bao giờ cũng nói về tốc độ tăng trưởng, cả thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%. Tất cả cán cân lớn của nền kinh tế đều được đảm bảo, kể cả thu chi ngân sách, thu nội địa vượt năm ngoái hơn 10% và đặc biệt là hơn lúc nào hết sau đại dịch và bão lũ chưa từng có thì tinh thần yêu nước tương thân tương ái của nhân dân lại được khơi dậy và sự vận hành của thể chế, bộ máy từ Trung ương đến cơ sở được vận hành thông suốt. Ý Đảng, lòng dân hoà quyện lại để Việt Nam vượt qua thách thức, đạt được thành tích, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ và bao trùm hơn hết là lòng tin của người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước vào con đường đi lên của đất nước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo khảo sát của thế giới về chống dịch, Việt Nam đứng đầu trên toàn thế giới lòng tin của nhân dân vào các chủ trương, giải pháp của Chính phủ. Chủ trương giải pháp của chúng ta đúng, nhưng quan trọng nhất là tuyên truyền được chủ trương giải pháp đến người dân nhờ chính bộ máy làm tuyên truyền và truyền thông của chúng ta. Năm 2020 như tiếp thêm sức mạnh của chuyển đổi số, có bước ngoạn mục về dịch vụ công trực tuyến hay giáo dục hay họp trực tuyến, Phó Thủ tướng đánh giá.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu dẫn chứng: "Ngay từ ngày đầu có dịch, chúng ta chưa lường được như bây giờ, nhưng bằng cảm nhận là có thể nguy hiểm. Tôi đã gọi cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lúc đó chưa có ca bệnh nào ở Việt Nam, nếu dịch bệnh lây lan mạnh, trong khi y tế của Việt Nam còn yếu thì thiết lập ngay các điểm từ các bệnh viện, chọn 20 bệnh viện kết nối mạng trước. Sau này, khi bệnh nhân 91 thì lộ diện một nhóm chuyên gia hàng đầu về cấp cứu của Việt Nam đứng đầu dùng hệ thống, thiết lập một tuần là xong, lúc đó chưa có ca nhiễm. Khi bắt đầu thực hiện truy vết, đầu tiên là nhóm CNTT, cùng với Bộ KHCN, đặc biệt là nhóm làm bản đồ bưu chính Việt Nam, sau ngày đó công nghệ truy vết của chúng ta được định hình. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới khai báo y tế bắt buộc".
Một điểm thứ hai mà ít người nói, văn hoá đọc được khôi phục dần và nay trở thành nếp, đây là điều vô cùng đáng quý. Một dân tộc muốn hùng mạnh thì trước khi thông thái không được dốt, nhất thiết phải học và đọc, Phó Thủ tướng lưu ý.
Trong suốt quá trình đổi mới hơn 30 năm trở lại đây, vào những năm 90 của thế kỷ trước, ngành Bưu điện lúc đó được giao trách nhiệm quan trọng như lĩnh một ấn tiên phong để đổi mới, chuyển đổi từ kỹ thuật cũ XHCN sang kỹ thuật mới là số hoá thì lúc đó có sự cọ xát, đấu tranh tư tưởng rất quyết liệt trong ngành Bưu điện và toàn quốc. Nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt sự quyết tâm đồng lòng của đội ngũ lãnh đạo ngành Bưu điện lúc đó đã đi đầu và làm được những việc tưởng chừng không làm được. Đầu năm 1990, ngành Bưu điện là Ngành làm ra ngoại tệ. Ngành Bưu điện bảo vệ kế hoạch chỉ 0,8 máy điện thoại/100 dân. Cuối cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi đó) quyết định 1 máy/100 dân với tinh thần không nghĩ không tính theo cách cũ và làm theo cách mới và ngành TT&TT đóng góp 2 máy/100 dân. Mặt khác, chúng ta đã thành công chuyển sang kỹ thuật số so với các các nước ASEAN chỉ kém Malaysia khi đưa điện thoại di động phủ sóng 2G là sớm so với thế giới. Đến nay, chúng ta có nền tảng Viễn thông, CNTT, không chỉ phục vụ phát triển đất nước mà cách làm của Bưu điện mở ra cách làm mới là không tính toán trên quy luật bình thường mà khơi dậy ý thức tiềm tàng, tìm cách đi tắt đón đầu có sự đóng góp và kế thừa của các thế hệ ngành Bưu điện để có cơ ngơi như ngày hôm nay. Bây giờ dường như sứ mệnh ấy lặp lại khi thế giới nói về CMCN 4.0 và năm 2020 vừa qua thêm lần nữa chúng ta đã tìm ra những cách làm mới, phương thức mới để vươn lên mạnh mẽ hơn và có thể làm được những điều mà tưởng chừng không làm được, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, 2 năm trước căng thẳng vấn nạn tin xấu độc và sự lấn lướt hoàn toàn của các công ty đa quốc gia tại thị trường trong nước; an toàn an ninh mạng đứng thứ 100, chúng ta đã kêu gọi các doanh nghiệp ICT cùng ngồi bàn bạc quyết định muốn an toàn thì Việt Nam phải tự làm. Sau đó, một loạt nền tảng sản phẩm của Việt Nam chỉ ra đầu bài và quyết tâm là sẽ làm được. Đến bây giờ, Việt Nam có hơn 40 nền tảng dùng chung. Việc này cho thấy nếu chúng ta khơi dậy được sự sáng tạo, quyết tâm và chỉ ra cách làm đúng chúng ta có thể làm được.
Về viễn thông, các nhà mạng từ mấy chục năm tự tin trên chiến thắng, nhưng nay, bưu chính tăng trưởng 30%, viễn thông tăng trưởng 0,3%. Viettel, VNPT là doanh nghiệp số thì phải tiếp tục tiên phong chuyển đổi số. Những năm gần đây, bưu chính ý thức rất rõ sứ mệnh của mình và đang trong quá trình chuyển đổi rất mạnh mẽ sang doanh nghiệp công nghệ khi xây dựng bộ địa chỉ số quốc gia, tham gia vào các chương trình CNTT, chính phủ điện tử, trở thành cánh tay nối dài của chính quyền.
Đối với sóng 2G, chúng ta đi nhanh so với thế giới, sóng 3G đi vào top trung bình, sóng 4G đi chậm nhưng đến sóng 5G vươn lên nhanh nhưng nhanh so với 5G quy mô thí điểm. Nếu lần này sóng 5G đi nhanh như 2G thì thời cơ sẽ quay về với ngành TT&TT chúng ta. Đây là thời cơ lớn do vậy phải triển khai mạnh mẽ, đây cũng là mơ ước của bậc lão thành đi trước, phát triển nền công nghiệp CNTT đã được khẳng định. "30 năm trước, chúng ta mơ ước mày mò làm tổng đài nhỏ, đến khi Viettel làm được trạm gốc bây giờ được công nghệ 5G, làm chủ những phần thiết bị rất quan trọng, điện thoại đầu cuối 5G do doanh nghiệp Việt Nam làm ra. Bây giờ là cơ hội cho những nước như Việt Nam, chúng ta phải đưa trí tuệ Việt Nam vào phát triển 5G. Kinh nghiệm của Viettel là làm trong nước trước và thành công. Làm sao trong vòng 5 năm nữa trên bản đồ các nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn trên thế giới có tên Việt Nam. Đấy sẽ là thành công có dấu ấn rất lớn của ngành TT&TT, Phó Thủ tướng kỳ vọng.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta nói nhiều về chuyển đổi số, chính phủ điện tử có nhiều lãnh đạo tỉnh đánh giá cao và cảm động khi nghe nói về chính phủ điện tử. Cảm xúc vì trước đây khi nói về những điều này thì thường chỉ nói từ cao xuống thấp như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tài chính ngân hàng, nhưng thực tiễn làm việc với Bộ TT&TT, nhiều địa phương/Bộ/ngành đã thống nhất và nhận ra thời cơ và cách làm, làm từ hiện đại nhất xuống thì muốn làm nhanh thay vì làm từ trên xuống thì vẫn triển khai theo 2 mũi vẫn như cũ và 1 mũi từ chỗ khó khăn nhất làm ngược lại.
Minh chứng thứ 2 trong thời Covid là dạy học không chỉ có Hà Nội, TP. HCM mà hình ảnh em bé miền núi bê máy tính, điện thoại thông minh đến chỗ có sóng WiFi để học. Và gần đây nhất là Bộ Y tế cùng Bộ TT&TT và 2 tập đoàn lớn làm nòng cốt hoàn thành nền tảng hệ thống quản lý y tế cơ sở tại tất cả các trạm y tế cơ sở mà trước đây mãi không làm được. Muốn số hoá chính phủ đi nhanh thì mũi từ trên xuống tiếp tục và thêm mũi từ dưới lên. Tại sao xã Yên Hoà (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) làm được chuyển đổi số mà hàng chục nghìn xã khác không làm được, bằng cách làm từ dưới lên chúng ta mới vượt các nước khác được. Đây là kinh nghiệm đã đúc kết và đến lúc phải làm, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Khi nói về chính phủ điện tử, chuyển đổi số có 3 trụ cột gồm: hạ tầng, nhân lực và dịch vụ số. Một khi toàn dân cùng ứng dụng công nghệ thì xã hội sẽ thay đổi hoàn toàn. Làm dịch vụ công là phải trực tuyến và đạt mức độ 3, mức độ 4. Đây là thời cơ và cũng thôi thúc có tính lịch sử đối với ngành TT&TT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong lãnh đạo các địa phương thực sự quan tâm đến CNTT, trách nhiệm, năng lực của địa phương là rất quan trọng. Làm chính phủ điện tử hay chính phủ số không khó như chúng ta tưởng mà chỉ cần đồng lòng, quyết tâm và nhận thấy rằng nó giúp minh bạch hơn với Nhân dân, giúp chúng ta gần dân hơn và giúp chính phủ, giúp chính quyền các cấp thực sự vừa quản lý tốt vừa phục vụ Nhân dân thì chắc chắn chúng ta sẽ làm thành công.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp CNTT tham gia vào chương trình của Bộ TT&TT khởi xướng bằng cách ngồi cùng nhau và tạo ra nền tảng mở để các doanh nghiệp cùng cài thêm ứng dụng khác của mình vào, dựa trên yêu cầu rất thực tiễn của người dân để có được nền tảng dùng số đông để đi nhanh.
"Tài nguyên của Việt Nam vô cùng lớn, đó là ngót 100 triệu dân, đứng thứ 15 trên thế giới, đủ để có những bước nhảy vọt mạnh mẽ về CNTT. Nói đến CMCN 4.0 muốn tận dụng CMCN 4.0 thì nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT triệt để, cộng với sáng tạo của người dân Việt Nam cộng với quy mô dân số, quy mô thị trường và sự lãnh đạo của Đảng và toàn hệ thống chính trị thì đây là thời cơ để Việt Nam chen chân vào top những nước không chỉ ứng dụng mạnh mẽ CNTT mà còn cho ra nhiều sản phẩm không chỉ phục vụ trong nước mà còn cung ứng ra thị trường thế giới", Phó Thủ tướng bày tỏ.
Theo MIC
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận