CEO Tim Cook ghi dấu ấn đậm nét trong cột mốc 2 nghìn tỉ USD giá trị vốn hoá thị trường của Apple
Sau khi phá mốc 1.000 tỉ USD giá trị vốn hoá thị trường chưa lâu, Apple đã tự phá kỷ lục của chính mình khi vượt mốc 2.000 tỉ sau 10 năm với dấu ấn đậm nét của kiến trúc sư trưởng - CEO Tim Cook.
- Con tàu Apple "băng băng" tiến về mốc 2 nghìn tỉ USD vốn hoá thị trường
- Công nghệ thay đổi cuộc sống: Thu hồi xử lý CO2 vừa giúp cắt giảm khí thải vừa tạo ra hàng nghìn tỷ USD
- Khối ngoại rút ròng hơn 10 nghìn tỉ đồng trên toàn thị trường
Thành tựu của ngành công nghệ Mỹ
Trong phiên giao dịch ngày 19/8, hãng công nghệ Apple đã trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt mốc 2.000 tỷ USD giá trị thị trường. Đây được xem là màn trình diễn ấn tượng mới nhất của một trong những “ông lớn” ngành công nghệ Mỹ.
Giá trị của Apple liên tục đạt những tăng trưởng kỷ lục trong 10 năm qua.
Theo tính toán của Bloomberg, kể từ tháng 3/2020 đến nay, giá cổ phiếu của Apple đã tăng xấp xỉ gấp đôi. Thậm chí ngay cả khi các công ty công nghệ lớn khác có cầu tăng cao hơn trong giai đoạn phong tỏa, nhưng Apple vẫn vượt qua các đối thủ nhờ doanh số lớn về các thiết bị máy tính bảng và đeo tay, cùng nhiều ứng dụng và dịch vụ mới được quan tâm trong suốt giai đoạn khủng hoảng y tế toàn cầu.
Thực tế cổ phiếu của Apple đã tăng giá khá nhanh trong nhiều năm qua và bứt phá mạnh mẽ hơn trong năm 2020 với mức tăng hơn 60% tính từ đầu năm 2020 tới nay, bất chấp sự xáo trộn do COVID-19 gây ra. Tính trung bình, cổ phiếu của hãng đã tăng 3,5% mỗi tuần kể từ đầu tháng 6 tới nay.
Và giá cổ phiếu của Apple đã tăng đáng kể sau khi hãng công bố báo cáo thu nhập quý II-2020 vào tháng 7 với doanh số kỷ lục và tổng doanh thu 59,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với cột mốc trở thành công ty tư nhân đầu tiên trên thế giới đạt mốc 2.000 tỷ USD, Apple chính là minh chứng rõ nhất cho thấy các tập đoàn công nghệ lớn đang được hưởng lợi từ những biến động do đại dịch COVID-19.
Trước đó, vào ngày 2/8/2018, Apple cũng khẳng định vị thế đứng đầu trong làng công nghệ khi là công ty tư nhân đầu tiên trên thế giới có giá trị vốn hóa lên tới 1.000 tỷ USD.
Ở thời điểm đó, giá trị thị trường chứng khoán của Apple lớn hơn tổng giá trị vốn hóa của 3 tên tuổi lớn khác là hãng dầu lửa Exxon Mobil, tập đoàn hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) và nhà mạng viễn thông AT&T kết hợp lại, đồng thời chiếm 4% giá trị của chỉ số S&P 500.
Dấu ấn của "kiến trúc sư" Tim Cook
Apple được thành lập ngày 1/4/1976 dưới tên Apple Computer, Inc với 3 thành viên sáng lập là Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronal Wayne. Sau 44 năm, từ một công ty vốn được ra đời tại một gara ô tô ở thành phố California (Mỹ) với chức năng chế tạo máy tính, Apple giờ đây đạt ngưỡng doanh thu lớn hơn cả Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhiều quốc gia trên thế giới.
Kể từ năm 1980 khi công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu, với mức 22 USD/cổ phiếu (ngày 12/12/1980), giá cổ phiếu của Apple đến nay đã tăng hơn 50.000%.
Lịch sử hình thành và phát triển của Apple luôn gắn với những bước ngoặt mang tính đột phá trong việc tạo ra các sản phẩm công nghệ điện tử thế hệ mới. Dẫn chứng điển hình là các sản phẩm Ipod, Iphone, Ipad, Macbook…
Khi các sản phẩm đó xuất hiện, có rất nhiều hãng khác cũng đã sản xuất sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm này nhưng các sản phẩm của Apple vẫn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, thiết kế sản phẩm cũng như các ứng dụng công nghệ đi kèm.
CEO Tim Cook - Vị kiến trúc sư trưởng chèo lái con thuyển Apple đến thành công ngày hôm nay.
Ưu điểm của Apple là ở chỗ, công ty này luôn biết khơi gợi sự hiếu kỳ của “các thượng đế” bằng cách bổ sung nhiều tính năng đỉnh cao cho các sản phẩm, khiến khách hàng vẫn luôn sẵn sàng rút ví để được sở hữu các thiết bị của Apple. “Trái táo cắn dở” cũng đã thay đổi cách người tiêu dùng trên thế giới kết nối với nhau và cách các doanh nghiệp làm việc mỗi ngày.
Theo các chuyên gia, thành công của Apple có lẽ bắt nguồn từ triết lý biến mọi công nghệ thành tiện ích tối đa cho người dùng. Hàng loạt sản phẩm mới, cái sau cải tiến hơn về tính năng và cấu hình, tích hợp nhiều ứng dụng hơn, thậm chí những ứng dụng mà người dùng còn chưa dám nghĩ tới, hoàn hảo hơn, song vẫn đảm bảo đơn giản và thân thiện với người sử dụng...
Quan trọng hơn, sản phẩm của Apple, đặc biệt là iPhone, mở ra cả một thế giới của những trải nghiệm mới mà trong đó người sử dụng luôn là nhân vật trung tâm. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người từng coi việc khám phá một sản phẩm mới của Apple chính là việc đánh thức những khả năng tiềm ẩn của chính mình.
Có người từng nói iPhone là một "thiết bị nhỏ" nhưng "giá trị lớn". Đó cũng là lý do giải thích cho những dòng người dài xếp hàng háo hứng nhiều giờ chờ đợi mỗi khi Apple ra mắt sản phẩm iPhone mới và doanh thu của hãng cũng tăng đột biến sau mỗi đợt ra mắt này.
Trong sự thành công hiện nay của Apple có dấu ấn đậm nét của huyền thoại Steve Jobs - một trong ba nhà đồng sáng lập công ty này. Trong lịch sử của Apple, Steve Jobs đã từng ra khỏi công ty vào giữa những năm 1980 vì bất đồng, nhưng sau đó một thập niên, ông đã quay trở lại để cứu Apple khỏi bờ vực phá sản.
Với tầm nhìn của một người luôn dám thay đổi, dám đương đầu và dám thực hiện những ý tưởng táo bạo, dưới sự lãnh đạo của Steve Jobs, Apple đã gạt lĩnh vực chế tạo máy tính ra khỏi chiến lược phát triển mà thay vào đó tập trung sản xuất smartphone, với sản phẩm iPhone được trình làng lần đầu tiên vào năm 2007.
Chiến lược này của Apple đã khiến các đối thủ như Microsoft, Intel, Samsung và Nokia rơi vào thế bị động. Nhờ hướng đi đúng đắn, Apple đã vượt qua Exxon Mobil vào năm 2011 để trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất của Mỹ.
Trong khoảng thời gian đó, Apple chính thức chuyển mình - từ chỗ là công ty tập trung sản xuất máy tính cá nhân Mac, thành “kiến trúc sư” của cuộc cách mạng di động. Sự hồi sinh ngoạn mục của Apple sau "cú sốc" năm 1997 được xem là bài học vượt qua khủng hoảng cho các doanh nghiệp trong thời kỳ hiện đại…
Sau khi Steve Jobs qua đời vào ngày 5/10/2011 do căn bệnh ung thư tuyến tụy, Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook đã trở thành người thay thế nhà sáng lập Steve Jobs “truyền lửa” cho Apple.
Dưới sự điều hành của Tim Cook, Apple đã đạt cột mốc quan trọng 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa vào tháng 8-2018. Và chỉ hai năm sau, Apple tiếp tục ghi dấu ấn khi đạt giá trị vốn hóa chạm ngưỡng 2.000 tỷ USD vào ngày 19/8.
Thành công này cũng đưa Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của họ lên hàng tỷ phú - một trong số ít CEO đạt được đẳng cấp đó mà không phải là người thành lập công ty do ông đang lãnh đạo.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc Apple đạt mốc vốn hóa 2.000 tỷ USD là rất ấn tượng song họ cũng cảnh báo Apple sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trên con đường hướng tới mức vốn hóa 3.000 tỷ USD. Lý do là việc mức định giá của Apple hiện đã nâng cao kỳ vọng của giới đầu tư về tương lai.
Định giá cao ngất ngưởng của Apple sẽ tăng gánh nặng buộc hãng không được để thị trường thất vọng về hoạt động kinh doanh của mình. Trong khi đó, các sản phẩm sắp tới của “Táo khuyết” chưa thể đảm bảo chắc chắn sẽ thành công.
Hơn nữa, giới đam mê công nghệ cho rằng sẽ chưa có những ứng dụng mới cần tốc độ mạng nhanh và mạnh như những gì mạng 5G hứa hẹn, khiến việc nâng cấp điện thoại trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người dùng.
Ngoài ra, Apple hiện cũng đang phải đối mặt với càng nhiều vụ điều tra của các cơ quan quản lý về vị trí thống trị của họ trên thị trường điện thoại thông minh.
Mới đây Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 6 đã thông báo mở hai cuộc điều tra chống độc quyền chính thức đối với Apple, một trong số đó sẽ xem xét các yêu cầu của hệ thống mua trong ứng dụng (in-app purchase) của họ.
Tháng 7/2020, CEO Tim Cook cũng đã phải đứng ra bảo vệ các chính sách của cửa hàng ứng dụng App Store và mức phí cao của hãng trong một phiên điều trần chống độc quyền trước Quốc hội Mỹ.
Rõ ràng là nếu một trong hai cơ quan quản lý này siết chặt giám sát các hoạt động kinh doanh của Apple, điều có thể tác động tiêu cực đến lợi nhuận của hãng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận