Nga sẽ vỡ nợ kỹ thuật nếu 640 tỉ USD ngoại hối bị phong toả do các lệnh trừng phạt
Trước những động thái của Mỹ và phương Tây về các lệnh trừng phạt mạnh tay, giới chức Nga cũng phát đi thông báo về khả năng thanh toán gốc và lãi suất trái phiếu chính phủ nước này sẽ bị hạn chế có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ kỹ thuật do 640 tỉ USD bị đóng băng nếu bị áp đặt các lệnh trừng phạt.
- Bitcoin và tiền ảo trong cuộc chiến Nga – Ukraine
- Cuộc chiến Nga - Ukraine phá tan mọi nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới trong 2 năm qua
- Tether - Nơi cất trữ an toàn của người dân trong cuộc chiến Nga - Ukraine
Theo thông báo ngày 6/3 của Bộ Tài chính Nga, việc thanh toán trái phiếu chính phủ của nước này sẽ tùy thuộc vào các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Bộ Tài chính Nga cho biết khả năng thanh toán gốc và lợi suất trái phiếu đầy đủ và đúng hạn bị ảnh hưởng do các biện pháp hạn chế mà cộng đồng quốc tế thực hiện đối với nước này.
Điều này đưa đến khả năng Nga vỡ nợ về mặt kỹ thuật khi phần lớn lượng dự trữ ngoại hối trị giá khoảng 640 tỉ USD bị phương Tây đóng băng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2.
Theo Bộ Tài chính Nga, kể từ thời điểm này, Nga sẽ sử dụng đồng ruble để thanh toán trái phiếu được phát hành bằng ngoại tệ.
Các lệnh trừng phạt bị áp đặt sẽ khiến cho Nga không còn ngoại hối để chi trả gốc và lãi trái phiếu chính phủ có thể khiến nước này lâm vào cảnh vỡ nợ kỹ thuật.
Năm 1998, Nga vỡ nợ 40 tỉ USD với trái phiếu phát hành trong nước và phá giá đồng ruble dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, do cuộc khủng hoảng nợ châu Á và giá dầu giảm gây cú sốc lòng tin đối với nợ ngắn hạn bằng đồng ruble.
Lần này, Nga có nguồn tài chính nhưng không thể thanh toán do nguồn dự trữ ngoại hối ở mức lớn thứ tư thế giới đã bị Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada đóng băng. Đây có thể lần lần đầu tiên Nga vỡ nợ số nợ lớn trong hơn một thế kỷ.
Vào ngày 16/3, Nga sẽ đến hạn thanh toán 107 triệu USD trái phiếu, với 30 ngày ân hạn. Các đợt thanh toán tiếp theo với số trái phiếu trị giá 359 triệu USD là vào ngày 31/3 và sau đó là 2 tỉ USD vào ngày 4/4.
Ngày 6/3, Moody's đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống Ca, mức thấp thứ hai trong thang xếp hạng của cơ quan này, do các biện pháp kiểm soát vốn mà Ngân hàng trung ương Nga thực hiện có thể hạn chế việc thanh toán nợ nước ngoài và dẫn tới nguy cơ vỡ nợ.
Cũng trong ngày 6/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thảo luận việc cấm nhập khẩu dầu của Nga và Nhà Trắng đã phối hợp với các ủy ban trong Quốc hội để thúc đẩy kế hoạch này.
Theo các nguồn tin, châu Âu phụ thuộc vào Nga về dầu thô và khí đốt tự nhiên nhưng đã ủng hộ kế hoạch cấm nhập khẩu dầu của nước này trong 24 giờ qua. Các nguồn tin cũng cho biết Nhà Trắng đang cùng với Ủy ban Tài chính Thượng viện, Ủy ban Tài chính và thuế vụ Hạ viện thảo luận về lệnh cấm.
Tuy nhiên, ông Blinken cũng nhấn mạnh đến việc phải duy trì ổn định nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu. Ông cho biết Mỹ đang rất tích cực thảo luận với các đối tác châu Âu về việc cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, trong khi vẫn duy trì sự ổn định nguồn cung dầu.
Ông Blinken, người đang có chuyến công du châu Âu để phối hợp với các đồng minh trong phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, cũng thảo luận về vấn đề nhập khẩu dầu với Tổng thống Mỹ và Chính phủ của ông vào cuối tuần qua.
Các nhóm thượng nghị sỹ lưỡng đảng vào ngày 3/3 đã công bố dự luật cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận