Những nền kinh tế lớn nhất thế giới ra sao trong 9 tháng qua?
Theo Bộ Công Thương, kinh tế toàn cầu 9 tháng đầu năm tăng trưởng trì trệ trong bối cảnh nhiều căng thẳng chính trị và kinh tế, trong đó ba rủi ro tác động đến kinh tế thế giới là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và một số nền kinh tế lớn, Anh rời EU không có thỏa thuận và nguy cơ xung đột I-ran.
- 5 lĩnh vực Việt Nam hướng tới trong chu kỳ phát triển kinh tế mới
- Dự báo giá vàng hôm nay 3/10: Tăng trở lại trước những bất ổn kinh tế
- 2 “ông lớn” về công nghệ của thế giới muốn đầu tư nhiệt điện khí tại Việt Nam
Kinh tế Trung Quốc đi xuống trong 9 tháng năm 2019 - Ảnh Internet
Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp hơn so với năm 2018. Cạnh tranh chiến lược, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp, khó lường. Thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế nhiều biến động.
Ngày 19/9/2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế đang giảm tốc của thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái, đồng thời cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu về mức thấp nhất một thập kỷ (2,9% trong năm 2019 và 3% trong năm 2020).
Theo OECD, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nguy cơ Brexit không thỏa thuận và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc là những yếu tố rủi ro gây tác động tới nền kinh tế thế giới.
Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Do nhu cầu từ nước ngoài giảm, chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ đều giảm xuống mức thấp nhất trong vài năm gần đây (PMI sản xuất giảm từ 50,4 trong tháng 7/2019 xuống còn 50,3 trong tháng 8/2019; PMI dịch vụ giảm từ 53 còn 50,7).
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 8/2019 chỉ ở mức 0,1%, giảm so với 0,3% trong tháng 7/2019. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 8/2019 vẫn thấp ở mức 3,7%, tương đương hai tháng trước đó.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, những lo ngại về việc nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong giai đoạn 2020-2021 ngày càng tăng.
Ngày 18/9, FED hạ lãi suất lần thứ hai trong năm nay với mức giảm 0,25%, về khoảng 1,75-2%. Fed đồng thời để ngỏ khả năng thực hiện thêm ít nhất một đợt cắt giảm 0,25% lãi suất nữa từ nay tới cuối năm 2019.
Khu vực châu Âu tăng trưởng không khả quan. Tăng trưởng GDP quý II/2019 chậm lại, đạt 0,2%, sau khi tăng 0,4% trong quý I/2019. Chỉ số PMI tổng hợp tháng 8/2019 đạt mức 51,9 điểm, tăng nhẹ so với tháng 7 (51,5 điểm).
Sản xuất công nghiệp tháng 7/2019 giảm 0,4% so với tháng trước. Lạm phát tháng 7/2019 là 1,0%, giảm so với mức 1,3% của tháng 6/2019. Thất nghiệp tháng 7/2019 ở mức 7,5% - mức thấp nhất kể từ tháng 07/2008.
Khả năng Anh rời khỏi EU không đạt được thỏa thuận tăng lên khi Anh và EU đều giữ lập trường không đàm phán lại. Như vậy, Anh có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men khi “Brexit cứng” diễn ra.
Kinh tế Nhật Bản đang có xu hướng mở rộng dần nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài chủ yếu xuất phát từ xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các yếu tố này sẽ dẫn đến áp lực giảm giá hơn nữa của các công ty Nhật Bản và kế hoạch tăng thuế tiêu dùng trong tháng 10/2019 có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiêu dùng trong thời gian tới.
GDP quý II/2019 tăng 1,2% (quý I/2019 là 1%). Chỉ số PMI tổng hợp tăng mạnh trở lại trong tháng 8/2019 lên mức 51,9 điểm từ mức 50,6 điểm trong tháng 7/2019.
Tuy nhiên, PMI sản xuất vẫn ở mức 49,3 điểm trong tháng 8/2019, thấp hơn mức 49,4 điểm trong tháng 7/2019. Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Nhật Bản cũng giảm liên tiếp trong nhiều tháng qua xuống còn 37,1 trong tháng 8/2019 và đây là mức thấp nhất kể từ 4/2014.
Kinh tế Hàn Quốc, tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục giảm 13,6% so với cùng kỳ trong tháng 8/2019, mạnh hơn mức giảm 11,0% trong tháng 7/2019, với tổng giá trị 44,2 tỷ USD trong tháng 8 (tháng 7: 46,1 tỷ USD).
Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa giảm 4,2% trong tháng 8, so với mức giảm 2,7% của tháng 7 và đạt 42,5 tỷ USD. Thương mại bị suy giảm bởi sự suy giảm nhu cầu về các sản phẩm công nghệ, bảo hộ thương mại và đặc biệt là biến động giá mặt hàng chất bán dẫn (mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc).
Mặc dù PMI sản xuất tăng lên 49,0 vào tháng 8/2019 từ mức 47,3 trong tháng 7, song đây là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số PMI sản xuất nhỏ hơn 50 chứng tỏ sự co lại trong các hoạt động sản xuất.
Kinh tế Trung Quốc tháng 9/2019 tiếp tục bộc lộ thêm nhiều dấu hiệu bất ổn mới trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ. Sản lượng công nghiệp tháng 8/2019 chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua và thấp hơn 0,4% so với tháng 7/2019.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp công nghệ cao lại tăng trưởng mạnh, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018 . Tổng xuất nhập khẩu tháng 8/2019 tăng 0,1% so với tháng 8/2018.
PMI tổng hợp ở mức 49,5 điểm trong tháng 8 (giảm 0,2 điểm so với tháng 7/2019). CPI tháng 8/2019 tăng 2,8%, tương đương so với tháng 7. Doanh số bán lẻ trong tháng 8/2019 giảm 0,1 điểm % so với tháng 7/2019.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận