Biến đổi khí hậu toàn cầu: Lời giải nằm trong những con số
“Nếu như dầu mỏ đã mở ra một cuộc cách mạng trên toàn thế giới trong thế kỷ 20, dữ liệu sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong thế kỷ 21”.
“Dữ liệu là dầu mỏ mới của thế giới”
Đó là những chia sẻ của Tiến sĩ James Abdey về tầm quan trọng của dữ liệu trong thế kỷ 21 tại hội thảo chuyên đề do Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) và phái đoàn cấp cao đến từ Đại học London (UoL), Trường Kinh tế - Chính trị London (LSE) (Anh Quốc) phối hợp tổ chức.
Với kinh nghiệm 18 năm giảng dạy bậc đại học, Tiến sĩ James Abdey hiện đang đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc học thuật các chương trình quốc tế LSE-UoL tại Học viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London.
Tiến sĩ James Abdey, Phó Giám đốc học thuật các chương trình quốc tế LSE-UoL tại Học viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London.
Theo báo cáo của tổ chức Glassdoor vào năm 2022, nhà khoa học dữ liệu (data scientist) và kỹ sư dữ liệu (data engineers) xếp hạng 3 và hạng 7 trong số 50 công việc tốt nhất tại Mỹ. Công việc phân tích dữ liệu (data analyst) cũng đứng thứ 35 trong danh sách trên. Lĩnh vực dữ liệu nói chung cũng đem lại thu nhập tốt cho nhiều sinh viên ngay khi mới ra trường.
Là một ngành có tính ứng dụng cao với tiềm năng trong nhiều lĩnh vực, dữ liệu đang ngày càng được đông đảo các bạn trẻ lựa chọn. Phát triển nhân sự trong ngành khoa học và phân tích dữ liệu là mục tiêu quan trọng tại Việt Nam khi đây vẫn được xem là một ngành nghề mới mẻ với số lượng trường đại học đào tạo khá khiêm tốn.
Trái với sự khô khan của các con số mà nhiều người lầm tưởng, Tiến sĩ James Abdey lấy ví dụ về một ứng dụng của việc phân tích số liệu trong việc ứng phó với các vấn đề lớn mang tính toàn cầu, đó là vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Giải bài toán “biến đổi khí hậu" bằng dữ liệu
“Trong một thế giới vận hành bởi dữ liệu, những mô hình phân tích dữ liệu hiện đại sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu”, Tiến sĩ James Abdey mở đầu những chia sẻ về vai trò của dữ liệu trong việc giải quyết biến đổi khí hậu.
Theo ông, dữ liệu có thể hỗ trợ con người trong câu chuyện biến đổi khí hậu theo 3 hướng chính: Giáo dục công chúng, cộng đồng hiểu hơn về vấn đề biến đổi khí hậu, giảm thiểu những hiểu sai và tìm ra nguyên nhân cho các vấn đề biến đổi khí hậu, và đồng thời đưa ra những dự đoán, kịch bản có thể xảy ra trong tương lai.
Mô hình kim tự tháp DIKW (viết tắt của Data - Information - Knowledge - Wisdom) cho thấy cấu trúc quan hệ giữa dữ liệu, thông tin, kiến thức và trí tuệ.
Theo Tiến sĩ James, để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cần phải hiểu biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, trình bày và trực quan hoá dữ liệu (data visualization) rất quan trọng. Dữ liệu sẽ chỉ có giá trị khi trở nên “có nghĩa” thay vì xuất hiện như những thông tin rời rạc. Tại Việt Nam, các cơ quan dự báo thời tiết, trung tâm khí tượng hay nhiều trang thông tin báo chí cũng đã áp dụng các công cụ trực quan hóa dữ liệu để truyền thông, dự báo, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm gia tăng tính cực đoan của thiên tai năm 2024 trong nửa đầu năm vừa qua (nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá hơn mức bình thường).
“Một bức tranh sẽ nói thay hàng nghìn từ và với những mô hình trực quan hóa phù hợp, người xem có thể thấy hàng nghìn điểm dữ liệu tạo nên một câu chuyện. Nhờ đó, các nhà khoa học khí hậu có thể thể hiện tính khẩn cấp của khủng hoảng khí hậu tới những người làm chính sách, các công ty, và công chúng nói chung” – Tiến sĩ James nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thông qua các mô hình dữ liệu về khí hậu, những người quan tâm tới câu chuyện trên có thể hiểu được nguyên nhân cho các vấn đề đang diễn ra.
“Sự khác biệt giữa mối tương quan (correlation) và quan hệ nguyên nhân - kết quả (causation) là một khái niệm quan trọng, giúp người xem hiểu đúng về dữ liệu. Trực quan hoá dữ liệu chính xác sẽ giúp bóc tách bản chất của vấn đề và tránh những kết luận sai lệch”.
Biểu đồ phân tán mô tả các mối tương quan khác nhau (Tiến sĩ James Abdey).
“Thông qua cơ sở dữ liệu khí hậu trong lịch sử, các nhà khoa học có thể dự đoán những xu hướng trong tương lai và đánh giá mức độ ảnh hưởng trong nhiều tình huống. Sức mạnh dự đoán trên sẽ giúp con người đưa ra những chính sách và chiến lược khí hậu hiệu quả. Ví dụ, các mô hình có thể dự đoán được việc nhiệt độ toàn cầu tăng sẽ dẫn đến sự thay đổi mực nước biển ra sao, từ đó giúp các thành phố ven biển ứng phó trong tương lai. Từ việc dự đoán nhu cầu năng lượng cho đến mức độ lan rộng của cháy rừng, những công cụ dữ liệu sẽ giúp con người giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu,” ông James Abdey giải thích.
Qua đây, có thể thấy môn khoa học phân tích dữ liệu mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho con người thông qua việc biến những con số thành thông tin, kiến thức, thậm chí là trí tuệ hữu ích. Để làm được điều này, sinh viên cần trau dồi thêm kiến thức và đào sâu nghiên cứu trong lĩnh vực phân tích dữ liệu. Bài giảng “Kỹ thuật tiên tiến trong phân tích kinh doanh: Tích hợp trực quan hóa dữ liệu và mô hình dự đoán” của Tiến sĩ James Abdey là một trong những nội dung hữu ích được giảng dạy cho sinh viên khối ngành Quản trị & Kinh doanh và Khoa học Máy tính & Công nghệ tại BUV. Hiện nay, BUV và Đại học London (UoL) cũng đang triển khai nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, cấp bằng trực tiếp từ Đại học London như Chương trình dự bị đại học, Cử nhân Tài chính, Cử nhân Kế toán và Tài chính, Cử nhân Kinh doanh và Quản lý, Cử nhân Kinh tế và Quản lý.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng