Nhận diện những chiêu trò để viết nhận xét giả trên sàn TMĐT
Trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhận xét của người dùng đối với sản phẩm được cung cấp sẽ là căn cứ để các hoạt động mua bán chốt đơn nhưng trong đó cũng có không ít những đánh giá được tạo ra bởi chính những chủ nhân của các cửa hàng để tạo uy tín của bản thân cũng như sản phẩm mình phân phối.
- 13 tỷ USD - Con số mà thị trường thương mại điện tử Việt Nam hướng tới trong năm 2020
- Chất lượng hàng hoá vẫn đang là vấn đề "nhức nhối" trên sàn thương mại điện tử
- Giải quyết các rào cản, tạo sức bật cho thương mại điện tử Việt Nam
Quyết định bán đồ chơi gỗ trên các sàn thương mại điện tử, Mai Thu Phương, một phụ nữ ở Hà Nội, bán rất chậm vì gian hàng của chị chưa có lượt thích và chỉ có vài bình luận, đánh giá. Theo lời khuyên của một người đã có kinh nghiệm kinh doanh trực tuyến, Phương gia nhập các nhóm tăng tương tác, hỗ trợ nhau bán hàng trực tuyến.
"Chỉ gõ một từ khóa, tôi thấy vài chục dịch vụ hoặc nhóm tăng tương tác, viết đánh giá cho gian hàng thương mại điện tử trên Facebook, Phương kể.
Các hoạt động hỗ trợ trên các nhóm rất đa dạng - từ ghé thăm gian hàng, like chéo tới mua hàng với mức giá chiết khấu hoặc nhận hàng miễn phí để viết nhận xét cho gian hàng. Sau vài ngày tương tác tích cực trên nhóm, Phương đã thấy những đơn hàng đầu tiên.
Nhận xét giả - Mặt trái của TMĐT
Để có thể đánh giá, chấm điểm một gian hàng trên sàn thương mại điện tử, người mua phải hoàn tất ít nhất một giao dịch. Vì thế, thành viên của các nhóm tương tác, hỗ trợ nhau bán hàng có thể tạo giao dịch bằng nhiều cách.
Thứ nhất, người bán gửi hàng thật tới người mua. Tuy nhiên, các thành viên sẽ chuyển chúng tới một địa chỉ để trả lại cho người bán.
Kệ để giày dép trên một gian hàng Shopee.
Gửi hộp rỗng tới những địa chỉ của người bán để tạo giao dịch là cách thứ hai. Dù hộp rỗng, sàn vẫn tính đó là giao dịch thành công.
Cách thứ ba đòi hỏi thành viên trong nhóm bình luận giả, hỗ trợ bán hàng hợp tác với đối tác giao hàng của sàn thương mại điện tử. Với một cú nhấp chuột của đối tác giao hàng, đơn hàng giả sẽ trở thành giao dịch thật trên hệ thống của sàn.
Giải pháp chống bình luận giả, điểm ảo của các sàn chủ yếu dựa vào các công nghệ hiện đại nhất như trí tuệ nhân tạo, máy học. Chẳng hạn, khi quá nhiều bình luận, đánh giá xuất phát từ một địa chỉ IP, hệ thống sẽ coi đó là một dấu hiệu khả nghi. Các công nghệ sẽ tìm và xóa các đánh giá xuất phát từ một địa chỉ IP..
Hiện tại, một số sàn cho phép người mua viết đánh giá trước khi mua sản phẩm để cạnh tranh với các đối thủ và lôi kéo khách hàng. Qui định này vô tình tiếp tay cho các nhóm tạo bình luận giả. Giải pháp của các sàn là gắn dấu hiệu cho những người đã giao dịch bên cạnh lời bình luận.
Ví dụ, những người đã mua hàng trên Tiki sẽ có dấu tick màu xanh lục kèm dòng chữ "Đã mua hàng ở Tiki". Thuật toán của sàn sẽ đẩy những đánh giá không có tick xanh xuống dưới để người xem có thể đọc nhận xét của những người đã giao dịch. Sự hiện diện của tick xanh sẽ khiến những người chưa mua hàng cảm thấy yên tâm hơn.
Mặc dù vậy, vì mỗi ngày các sàn phải xử lí hàng chục nghìn đánh giá, cả người tiêu dùng, người bán hàng lẫn giới tạo bình luận giả đều nhận định các nhận xét ảo vẫn sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai.
Vấn nạn không chỉ ở Việt Nam
Hàng nghìn đánh giá sai sự thật đang tràn ngập các sàn thương mại điện tử Amazon, Walmart, eBay và nhiều sàn khác khi doanh thu tăng vọt, và việc phát hiện chúng ngày càng trở nên khó khăn.
Ngay từ khi Amazon mới ra đời, đánh giá sản phẩm là một công cụ quan trọng mà người tiêu dùng xem xét để xác định chất lượng của sản phẩm. Danh sách sản phẩm của Amazon thường bao gồm hàng trăm hay hàng nghìn đánh giá, trong khi những sàn khác chỉ có vài nhận xét bên dưới sản phẩm.
Song nhiều đánh giá không đáng tin. Hàng nghìn đánh giá sai sự thật đang tràn ngập các sàn thương mại điện tử Amazon, Walmart, eBay và nhiều sàn khác, khi doanh thu tăng vọt.
Sàn thương mại điện tử Tiki gắn tick xanh bên cạnh tên những người viết nhận xét về sản phẩm, dịch vụ. Ảnh chụp màn hình
Do sự phát triển của những nhóm chuyên "sản xuất" nhận xét giả trên Facebook, các "nông trại" tạo lượt xem ảo tới chiêu trò đánh giá tiêu cực các sản phẩm của đối thủ, phát hiện đánh giá sai sự thật là việc ngày càng khó.
Hồi tháng 7, Đại học California và Đại học South Carolina phát hiện hơn 20 nhóm đánh giá sai sự thật trên Facebook, với số thành viên trung bình hơn 16.000 người mỗi nhóm.
Trong hơn 560 đánh giá mỗi ngày, những người bán hàng đưa ra mức giá cho mỗi nhận xét tích cực - dưới dạng giảm giá sản phẩm hoặc tiền. Mức giá trung bình cho mỗi nhận xét lên tới 6 USD.
Tác hại của những lời nhận xét giả càng nặng nề hơn khi số lượng giao dịch trực tuyến tăng vọt do đại dịch COVID-19. Trong vài tháng gần đây, những đánh giá sai sự thật đã thúc đẩy doanh số của những sản phẩm không an toàn, đồng thời tác động xấu tới những người bán hàng chân chính. Thực tế ấy khiến nhiều thương hiệu lớn ngừng bán hàng trên Amazon.
Amazon nói với CNBC rằng tập đoàn sử dụng công nghệ máy học và các nhà điều tra lão luyện để phân tích hơn 10 triệu nhận xét sản phẩm mỗi tuần, nhằm chặn những đánh giá sai sự thật lên trang.
Hồi đầu tháng 9, Amazon đã xóa hơn 20.000 đánh giá sản phẩm sau khi một cuộc điều tra cho thấy những người viết nhiều nhận xét nhất ở Anh đã thực hiện hành vi gian lận.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận