Cần làm gì để 5G cất cánh tại Việt Nam?
“Để triển khai 5G thành công, cần có sự hợp tác của nhiều bên liên quan, từ các cơ quan chính phủ, các nhà khai thác viễn thông, các nhà cung cấp thiết bị giải pháp, các ngành – lĩnh vực, các đối tác bên thứ ba về hạ tầng”, ông Mohamed Madkour đã chia sẻ tại Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và CNTT (REV-ECIT 2019).
- REV-ECIT 2019: Thúc đẩy phát triển thông tin di động 5G và ứng dụng
- Phát huy tinh thần Make in Vietnam, sẵn sàng công nghệ, thiết bị để thương mại 5G
- 2,92Gbps - Nhà mạng Türk Telekom và Huawei phá kỷ lục tốc độ 5G trên thế giới
Tại Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và CNTT do Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam phối hợp với Cục Tần số Vô tuyến điện tổ chức, đã chia sẻ về bối cảnh phát triển công nghệ 5G trên toàn cầu cùng những ý kiến tham vấn cho các bên liên quan trong việc triển khai 5G một cách hiệu quả và đóng góp vào sự phát triển chung.
TS. Mohamed Madkour. Ảnh: Bảo Ngân
Theo TS. Mohamed Madkour, Phó Chủ tịch phụ trách giải pháp và kinh doanh các Mạng di động Toàn cầu của Huawei, là diễn giả tại Hội nghị với bài thuyết trình có chủ đề “Để 5G cất cánh tại Việt Nam”, quá trình chuyển đổi số hiện nay dựa trên cả hai động lực chính là Kinh doanh và Công nghệ, cùng với 4 trụ cột, gồm: Các dịch vụ, Hạ tầng, Nguồn nhân lực/ nhân tài, và Hệ sinh thái. Các trụ cột đó được tạo dựng dựa trên một nền tảng Kết nối Thông minh mà ở đó, 5G đóng vai trò trung tâm.
Tính đến nay, Huawei đã ký kết được hơn 60 hợp đồng thương mại 5G và tham gia triển khai 2/3 tổng số mạng thương mại 5G trên toàn cầu. Huawei cũng là nhà cung cấp duy nhất trên thế giới có đầy đủ các danh mục sản phẩm 5G từ đầu đến cuối cho mọi kịch bản triển khai, từ mạng lõi đến truyền dẫn, từ các trạm phát trên các thiết bị đầu cuối có hiệu năng mạnh mẽ, đảm bảo triển khai đơn giản và hiệu quả.
Theo nhận định trong Báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA) vào tháng 10/2019, Thế giới đang tăng tốc triển khai 5G trên quy mô ngày càng lớn. Hiện đã có 300 nhà mạng tham gia kiểm tra, thử nghiệm hoặc triển khai 5G.
Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có hơn 60 mạng thương mại 5G trên toàn cầu. 33 quốc gia đã cấp phép băng tần cho 5G và dự kiến đến cuối năm 2020 con số này sẽ tăng lên gấp đôi. Đã có 170 loại sản phẩm, thiết bị 5G được giới thiệu, giá smartphone 5G hiện khoảng 500 USD (dự kiến đến cuối năm 2020 mức giá sẽ giảm xuống dưới 350 USD).
TS. Mohamed Madkour: Ảnh: Bảo Ngân
Ông Mohamed Madkour chia sẻ:
“5G không phải đơn giản là 4G + 1G. Với tốc độ nhanh gấp 20 lần 4G, công suất gấp 25 lần, chi phí trên mỗi bit dữ liệu chỉ bằng 1/10 so với 4G, thì 5G là bước chuyển đổi mạnh mẽ từ kết nối người dùng cá nhân sang kết nối các ngành, lĩnh vực. Vì vậy, 5G chủ yếu là dành cho việc phát triển các ứng dụng trong các ngành, các lĩnh vực khác nhau, cùng với băng thông rộng tăng cường (eMBB)”.
“5G sẽ mang lại những trải nghiệm mới và sức mạnh cho tất cả, từ người dùng cá nhân với các dịch vụ chơi game trên đám mây, ứng dụng VR/AR, truyền hình trực tiếp độ phân giải cao, đến cơ hội để xóa khoảng cách số và kết nối cho hơn 950 triệu hộ gia đình ở những vùng sâu, vùng xa, kém phát triển trên toàn cầu, và thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả và lợi ích trong các ngành, lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp, y tế, điện lực, giáo dục, truyền thông, xe hơi kết nối…”.
Ông Mohamed Madkour cũng tư vấn chiến lược 5G + 4G cho phát triển kinh doanh bền vững của các nhà mạng, theo đó các nhà mạng cần chuẩn bị sẵn sàng cho 5G bằng cách tăng cường củng cố các mạng 4G của mình, hợp nhất nguồn tài nguyên trạm phát, tăng cường phổ tần cho 4G/5G, dịch chuyển người dùng 2G/3G sang 4G … Sau đó là đến giai đoạn bổ sung 5G NR (new radio) trên nền tảng 4G, rồi đến giai đoạn chuyển đổi toàn diện 5G, tắt sóng 2G/ 3G.
Thực tiễn triển khai và cung cấp dịch vụ 5G cho thấy không chỉ có người dùng được lợi với mức cước trên mỗi GB dữ liệu được giảm khi so với 4G, mà nhà mạng cũng có được nguồn doanh thu cao hơn. Ví dụ như nhà mạng LG U+ của Hàn Quốc, thị phần 5G của họ đã tăng 4% so với 4G, và doanh thu từ các dịch vụ di động đã tăng 2,15% trong Quý 2/2019 so với quý trước đó.
Gian hàng Huawei tại Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và CNTT (REV-ECIT 2019). Ảnh: Bảo Ngân
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận