Bảo vệ dữ liệu doanh nghiệp: Vấn đề sống còn trong kỷ nguyên số
Trong khuôn khổ sự kiện Security Summit 2022 vừa diễn ra, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho rằng, trong kỷ nguyên số, dữ liệu gần như được coi là tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp (DN) và thường xuyên trở thành mục tiêu của tin tặc nhắm đến.
Bảo vệ dữ liệu DN đôi khi là vấn dề sống còn
Dữ liệu là yếu tố đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nền kinh tế số; đồng thời làm thay đổi hoàn toàn cách lưu chuyển thông tin, từ đó giảm thiểu tình trạng bất cân xứng thông tin và chi phí giao dịch, qua đó tác động đến tính minh bạch, hiệu quả, công bằng, cạnh tranh.
Hội thảo Bảo vệ dữ liệu doanh nghiệp trong kỷ nguyên số - Security Summit 2022.
Tại Hội thảo chuyên đề “Bảo vệ dữ liệu số của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số” trong khuôn khổ sự kiện Security Summit 2022 vừa diễn ra. Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, các hoạt động, tương tác, quan hệ, giao dịch của toàn xã hội chủ yếu thông qua môi trường mạng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh lợi ích, ứng dụng thông minh trên nền tảng số cũng làm xuất hiện nhiều nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến an ninh mạng và bảo mật dữ liệu số ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Ông Cương nhận định, trong kỷ nguyên số, dữ liệu gần như được coi là tài sản quan trọng nhất của DN và thường xuyên trở thành mục tiêu của tin tặc nhắm đến. Do đó, bảo vệ dữ liệu DN đôi khi là vấn đề sống còn.
“Ứng phó với những thách thức mới từ không gian mạng vào hệ thống thông tin của các tập đoàn, DN đã trở thành vấn đề cấp bách không chỉ của riêng tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào, mà là sự chung tay giúp sức của cả quốc gia; DN có phát triển thì đất nước mới đi lên”, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương nói.
Bảo đảm an toàn dữ liệu DN là một trong các vấn đề nổi cộm mà các DN phải đối mặt, là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên bình diện toàn thế giới. Ông Cương chia sẻ, Việt Nam đã có nhiều chủ trương đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đã đạt được nhiều thành tựu.
XEM THÊM >>> 'Kỷ nguyên dữ liệu' - Giai đoạn mới của nhân loại trong thời đại công nghệ
Nhiều chính sách được ban hành để thúc đẩy ứng dụng CNTT phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được xây dựng khá đồng bộ; hầu hết các ngành đều số hóa cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu thủ tục hành chính.
Kinh tế số được hình thành và phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet.
Bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng trong thế giới số. Ảnh minh họa.
Hướng tới xây dựng một thế giới số an toàn
Dữ liệu đang trở thành phương thức phát triển mới, giúp tối ưu hóa các nguồn lực, phát triển bền vững, góp phần quan trọng đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng. Dữ liệu là một loại “tài nguyên” đặc biệt, quy mô càng lớn thì giá trị càng cao, càng được chia sẻ và tái sử dụng càng tạo ra giá trị.
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội đến từ không gian mạng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Cương, mỗi năm có hàng chục nghìn hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước bị tin tặc tấn công, cài mã độc, đánh cắp thông tin, phá hoại gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, thiệt hại về kinh tế.
Tình hình tội phạm mạng có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên môi trường mạng gia tăng, hoạt động tấn công mạng có chủ đích (APT) thu thập dữ liệu cá nhân, tổ chức đang diễn ra với quy mô lớn.
Từ thực trạng trên, ông Cương cho rằng việc bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu trong chuyển đổi số phải được xem là trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, tăng cường hợp tác công - tư để huy động tiềm lực, cộng đồng trách nhiệm của mọi thành phần trong xã hội nhằm bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng trong thế giới số, phòng, chống tội phạm mạng, hướng tới xây dựng một thế giới số an toàn, lành mạnh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận