Security World 2021 nhận diện thách thức ATTT với những bước tăng trưởng "nóng" của chuyển đổi số
Tại sự kiện Security World 2021, các chuyên gia cũng đưa ra những nhận định về các nguy cơ trong vấn đề an ninh, an toàn thông tin trước những bước phát triển những bước phát triển "nóng" của chuyển đổi số ở Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19 hoành hành.
- 10 đại diện Việt Nam thi đấu an toàn thông tin với 6 nước ASEAN
- Giải pháp nào để đảm bảo an ninh thông tin ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay?
Công cuộc chuyển đổi số đã có những chuyển biến rõ rệt với cổng dịch vụ công Quốc gia, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ ngân hàng số số và mạng 5G được dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế số. Song hành với đó, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu và nhiệm vụ chuyển đổi số của nhiều tổ chức, doanh nghiệp.
"Năm 2020 chứng kiến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trọng yếu như chính phủ điện tử, viễn thông, tài chính ngân hàng… ở Việt Nam đều đã và đang chuyển đổi số mạnh mẽ" Chủ tịch REV Trần Đức Lai cho biết.
Chủ tịch REV Trần Đức Lai: Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.
Ước tính, hiện có đến 40 nền tảng chuyển đổi số cấp quốc gia đã được triển khai thực hiện và bước đầu đạt được một số thành công như Bluezone, NcoV hay nền tảng dữ liệu quốc gia Datagov...
Qua đó, Việt Nam được đánh giá là thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu trong chuyển đổi số thời COVID-19 và chắc chắn tốc độ chuyển đổi số trong mọi ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam sẽ còn tăng cao trong những năm tới.
Tuy nhiên, song song với xu thế phát triển đó là nguy cơ tấn công chiếm đoạt dữ liệu người dùng càng trở nên rõ rệt và trên thực tế cũng thường xuyên diễn ra, gây nhiều tổn hại.
Nhận định về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phân cho biết, mô hình kết nối chia sẻ dữ liệu có sự tham gia của nhiều cơ quan đơn vị nên việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin theo quy định còn nhiều lúng túng.
Còn theo đại diện của BKAV, năm 2020, thiệt hại do virus máy tính gây ra tại Việt Nam đã vượt mốc 1 tỉ USD (23,9 nghìn tỉ đồng), cao nhất từ trước đến nay, nhiều trang thương mại điện tử lớn, một số nền tảng giao hàng trực tuyến có nhiều người sử dụng đã bị xâm nhập và đánh cắp dữ liệu.
Chung nhận định này, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á Yeo Siang Tiong cho biết: Việt Nam hiện đứng thứ 21 trên thế giới về các vụ tấn công lừa đảo với 673.743 cuộc tấn công được ghi nhận năm 2020.
Về mặt thống kê cụ thể, Sở TT&TT TP HCM cho biết trong năm 2020, đã ngăn chặn được hơn 3 triệu mã độc mà cụ thể chúng tấn công vào các nội dung: vi phạm chính sách (12,744%), tấn công thu thập thông tin (87,013%), từ chối dịch vụ (0,226%) và tấn công lây nhiễm và phát tán mã độc (0,017%).
Phiên thảo luận tại sự kiện.
Nhận định chung của các chuyên gia an ninh mạng thì trong năm 2021, các cuộc tấn công có chủ đích APT nhắm vào những hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và chủ quản hệ thống thông tin hạ tầng quan trọng quốc gia tại Việt Nam sẽ tăng mạnh.
Đánh giá vai trò của các công nghệ mới, ông Võ Mạnh Linh, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết: “5G và Cloud là hạ tầng của hạ tầng số, kinh tế số và xã hội số trong tương lai. Hai công nghệ này sẽ đem lại các sản phẩm dịch vụ mới, thay đổi ý thức, thói quen của người dùng và các tương tác với nhau trong xã hội”.
Đại diện các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bảo mật đều cho biết cả 5G và Cloud đều mang đến nhiều thách thức hơn trong đảm bảo ATTT, nhất là trong vấn đề quản lý, giám sát khi các thiết bị và phạm vi được mở rộng.
“Thách thức khi lên Cloud đó là chủng loại thiết bị cần phải bảo vệ rộng hơn. Các thiết bị khi đó bao gồm cả các thiết bị IoT, xe tự lái…điều này có nghĩa là không gian cho các hacker được mở rộng hơn. Do đó, các chuyên gia bảo mật cần bảo vệ ở phạm vi rộng hơn”, ông Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc sản phẩm Viettel Security nói.
Cùng ý kiến này, ông Vũ Ngọc Anh, Kỹ sư bảo mật cao cấp của Mcafee Việt Nam cho rằng: Khi sử dụng 5G và lên Cloud, vấn đề lớn nhất là các mặt phẳng kết nối đều thay đổi. Do đó, những vấn đề ATTT cũng cần thay đổi theo.
“Cloud giúp cho việc vận hành hệ thống giảm tải đi nhưng sẽ làm cho các vấn đề bảo mật tăng lên rất nhiều. Do sự thay đổi của kết nối nên việc xử lý bảo mật cũng phải thay đổi”, ông Vũ Ngọc Anh nói.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận