Colonial Pipeline bị buộc phải điều trần về sự cố vấn công mạng tống tiền
Trước những thách thức được đặt ra cho an ninh năng lượng của Mỹ sau sự kiện tấn công mạng vào hệ thống truyền tải nhiên liệu lớn nhất nước này Colonial Pipeline, Uỷ ban An ninh Nội địa Hạ viện đã yêu cầu CEO của hãng này ra điều trần liên quan đến đảm bảo an toàn hệ thống trên môi trường internet.
- DarkSide - Nhóm tội phạm mạng tấn công hệ thống nhiên liệu "huyết mạch" của Mỹ
- Colonal Pipeline hoạt động trở lại sau 1 tuần bị tấn công mạng
- Thực tế Colonial Pipeline đã phải trả mức giá nào cho việc lấy lại quyền vận hành hệ thống?
Theo đó, Giám đốc điều hành Colonial Pipeline Joseph Blount sẽ điều trần trước Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện liên quan đến việc tập đoàn này buộc phải đóng một số hệ thống do bị tấn công mạng bằng mã độc tống tiền "ransomware".
Phiên điều trần diễn ra vào ngày 9/6 tới sẽ tập trung vào vụ tấn công mạng dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt ở một số bang của Mỹ, cũng như cách thức tăng cường cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trong một tuyên bố, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang Mississippi, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, ông Bennie Thompson, nhận định cuộc tấn công nhằm vào Colonial Pipeline đặt ra ba thách thức về “lỗ hổng an ninh mạng trong cơ sở hạ tầng quan trọng, sự cần thiết phải xây dựng khả năng phục hồi và lợi nhuận của ransomware”.
Colonial Pipeline dù đã khôi phục hoạt động nhưng hiện tượng thiếu nhiên liệu vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi tại Mỹ.
Ông Thompson cũng nhấn mạnh để giải quyết những thách thức cấp bách này, Quốc hội Mỹ phải nhận thức đầy đủ về những gì đã xảy ra với mạng của Colonial Pipeline, cách hệ thống đưa ra các quyết định liên quan đến hoạt động mạng và thanh toán tiền chuộc cũng như cách tận dụng sự hỗ trợ từ chính phủ liên bang và khu vực tư nhân.
Giới phân tích nhận định rằng CEO Blount gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với các câu hỏi về quyết định của Colonial Pipeline trả khoảng 4,4 triệu USD tiền chuộc cho các đối tượng tấn công mạng để đổi lấy quyền kiểm soát hệ thống.
Ngày 7/5, Colonial Pipeline thông báo bị tấn công mạng bằng mã độc tống tiền và buộc phải đóng một số hệ thống. Sự cố này đã gây ra gián đoạn nguồn cung quy mô lớn, khiến hàng nghìn trạm xăng ở Bờ Đông nước Mỹ rơi vào cảnh khan hiếm hàng và giá xăng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2017.
Chính phủ Mỹ đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại 17 bang và thủ đô Washington, đồng thời tạm dỡ bỏ các quy định để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nhiên liệu giữa các cảng. Sau hơn 1 tuần bị ảnh hưởng, đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline đã hoạt động bình thường trở lại.
Colonial Pipeline đã công khai xác nhận việc trả tiền chuộc để có thể khôi phục mạng máy tính. Trong khi đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác định DarkSide là nhóm tin tặc đứng sau vụ tấn công trên.
Cụ thể, Colonial Pipeline vận chuyển xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm tinh chế khác từ Vịnh Mexico tới các bang ở Bờ Đông nước Mỹ thông qua đường ống dài 8.850 km, phục vụ trên 50 triệu khách hàng.
Ngoài ra, hệ thống này cũng cung cấp nhiên liệu cho một số sân bay lớn nhất của nước Mỹ, trong đó có Hartsfield Jackson của thành phố Atlanta, bang Georgia - sân bay được đánh giá nhộn nhịp hàng đầu thế giới.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận