Tấn công mạng - Mối đe doạ lớn nhất đối với doanh nghiệp năm 2022
Kết quả khảo sát về mức độ rủi ro của doanh nghiệp mới được công ty bảo hiểm công nghiệp Allianz Global Corporate & Specialty (AGCS) của Đức công bố cho thấy mức độ ảnh hưởng của các cuộc tấn công mạng đang là quan ngại lớn nhất đối với hoạt động của doanh nghiệp trên thế giới trong năm 2022.
- Bitcoin bước vào năm 2022 đối mặt với nguy cơ mất vị trí 'trong trị' trong thế giới tiền ảo
- Dự đoán xu hướng công nghệ dẫn đầu năm 2022
- Bộ TT&TT đặt mục tiêu cấp phép khai thác thương mại mạng 5G vào năm 2022
Theo kết quả khảo sát hằng năm của AGCS thực hiện với hơn 2.650 chuyên gia thuộc 89 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả các giám đốc điều hành (CEO), chuyên gia quản lý rủi ro, môi giới và chuyên gia bảo hiểm, cho biết 44% số người được hỏi cho rằng đe dọa tấn công mạng là rủi ro lớn nhất và 42% cho rằng gián đoạn kinh doanh là quan ngại lớn thứ hai.
Thảm họa thiên nhiên là rủi ro đứng thứ ba và mối lo về đại dịch giảm từ vị trí thứ hai xuống thứ tư do đa số các công ty ít quan tâm hơn và nhận thấy đã chuẩn bị đầy đủ cho các đợt dịch có thể bùng phát trong tương lai.
Các mối đe doạ đến từ các cuộc tấn công mạng đã được xem là nguy hiểm đối với doanh nghiệp từ năm 2021 và đang ngày càng trở nên nguy hại trong năm 2022.
Giám đốc điều hành AGCS Joachim Mueller cho biết trong năm 2021, ngoài việc phải chứng kiến mức độ gián đoạn chưa từng có do nhiều nguyên nhân, các cuộc tấn công mạng, tác động của chuỗi cung ứng do nhiều hiện tượng thời tiết liên quan đến biến đổi khí hậu gây ra, cũng như khó khăn trong sản xuất liên quan đến đại dịch và tình trạng tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa là những quan ngại lớn đối với các doanh nghiệp trên thế giới.
Trước đó, Microsoft trong một bài đăng trên trang blog cho biết đang tiếp tục phân tích phần mềm độc hại tấn công vào các cơ quan của Chính phủ Ukraine và cảnh báo rằng vụ tấn công mạng này có thể khiến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của chính phủ trở nên tê liệt.
Bên cạnh đó, Microsoft cũng nhấn mạnh phần mềm độc hại, vốn được thiết kế trông giống như mã độc tống tiền (ransomware) nhưng thiếu cơ chế khôi phục dữ liệu, nhằm mục đích phá hoại và khiến các thiết bị là mục tiêu không thể hoạt động được thay vì đòi tiền chuộc.
Theo Microsoft, cho đến nay hãng này vẫn chưa xác định được thủ phạm đứng sau cuộc tấn công mạng, song cảnh báo rằng số lượng các tổ chức bị ảnh hưởng có thể nhiều hơn so với suy đoán ban đầu.
Microsoft nêu rõ các nhóm của hãng đã xác định được phần mềm độc hại trên hàng chục hệ thống bị ảnh hưởng và con số đó có thể tăng lên khi cuộc điều tra được mở rộng. Những hệ thống bị ảnh hưởng bao gồm của nhiều công ty công nghệ thông tin, tổ chức phi lợi nhuận và chính phủ, tất cả đều có trụ sở tại Ukraine.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận