Tik Tok và những vấn đề bảo mật khiến các quốc gia không thể "làm ngơ"
TikTok đang là nền tảng video ngắn hàng đầu trên thị trường toàn cầu và đã thiết lập được vị thế như một ứng dụng phát triển nhanh nhất thế giới, song trước nguy cơ tiềm ẩn về an ninh, chính phủ các nước không thể làm ngơ.
- Cấm Tik Tok ở Mỹ - Tại sao không?
- iOS 14 phát hiện TikTok "lén lút" thu thập dữ liệu người dùng
- Người dùng TikTok 'tấn công' ứng dụng của Trump
TikTok - Nền tảng phát triển nhanh nhất thế giới
Ứng dụng TikTok thuộc quản lý của công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty được đăng ký chính thức tại Quần đảo Cayman. ByteDance có hai sản phẩm chính là Douyin và TikTok hoạt động trên các máy chủ khác nhau.
Tik Tok là mạng xã hội có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới khi có 2 tỉ lượt tải xuống.
Trên thực tế, ứng dụng video ngắn Douyin là phiên bản Trung Quốc của TikTok. TikTok được lãnh đạo bởi cựu giám đốc điều hành khối dịch vụ phát trực tuyến của Walt Disney - ông Kevin Mayer.
Ông cũng giữ chức Giám đốc Điều hành (CEO) ByteDance. ByteDance có khoảng 60.000 nhân viên. Công ty sở hữu 15 trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới và văn phòng đại diện tại 126 thành phố, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Los Angeles, New York, London, Paris, Berlin, Dubai, Mumbai, Singapore, Jakarta, Seoul và Tokyo.
ByteDance có cả những ứng dụng di động khác như Toutiao, BaBe, Lark... Tuy nhiên, chỉ có TikTok trở thành một ứng dụng “hot trend” trong giới trẻ trên toàn thế giới khi được ra mắt vào năm 2016. TikTok được yêu thích trên toàn cầu với hơn 800 triệu người sử dụng.
Nền tảng này cho phép người sử dụng tạo các video ngắn từ 15 giây đến 1 phút. Tháng 2/2017, ByteDance đã mua lại ứng dụng video Flipgram của Mỹ. Cùng năm đó, công ty tiếp tục mua lại ứng dụng hát nhép nhạc nổi tiếng musical.ly.
Nếu trước đây YouTube từng rất thành công khi thay đổi tính năng để có thể dễ dàng chia sẻ và phát thẳng video trên mạng xã hội thì TikTok cũng sử dụng chiêu này để các video được chia sẻ lên các mạng xã hội như Faceook, Instagram và thậm chí là YouTube.
Sự cộng sinh này thực sự là một nước cờ hay khi đối thủ đã không còn là đối thủ mà đang là cánh tay nối dài của TikTok giúp mạng xã hội video này lan rộng và phổ biến hơn. Kể từ khi ra mắt năm 2016, ứng dụng đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần để trở thành nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới.
Nói đến thành công của TikTok thì phải kể đến tích hợp vô số hiệu ứng đặc biệt, âm nhạc và sticker bằng công nghệ AI, tạo nên sự sống động cho video thông qua việc sử dụng thuật toán nhận diện chuyển động của cơ thể. Một trong các tính năng được ưa thích nhất là hát nhép, xuất hiện trên khắp các mạng xã hội.
Điểm thu hút chính của TikTok là việc sử dụng âm nhạc. Mỗi muser kết hợp một bài hát vào video của mình bằng thư viện clip bài hát khổng lồ của TikTok, có hầu hết mọi thể loại. Nếu không thích các bài nhạc, bạn cũng có thể sử dụng các đoạn hội thoại từ những video hài hước.
Mọi người đều có thể dễ dàng tạo video riêng của mình thuộc mọi thể loại: khiêu vũ, nhảy tự do, trình diễn… Tác giả tự do tưởng tượng và thể hiện bản thân. Nó cũng giúp nhanh chóng, dễ dàng tạo ra các video có độ dài chỉ 15 giây để chia sẻ với bạn bè và cả thế giới.
Chính điều này đã khiến người dùng TikTok cảm thấy dễ dàng tiếp cận hơn và có thể khám phá những nội dung sáng tạo xung quanh mình thay vì chỉ bó hẹp như trên Facebook, Instagram nơi mà người dùng chỉ xem được nội dung của bạn bè.
TikTok đang thực sự làm YouTube cũng phải dè chừng khi sự phát triển nhanh của TikTok cũng ít nhiều thay đổi thói quen người xem. Một viễn cảnh khó khăn đặt ra cho YouTube, lỡ đâu người ta càng chuộng video ngắn thì thực sự là một điều gây ảnh hưởng tới lượng truy cập YouTube.
Tháng trước, ứng dụng TikTok đã có trên 2 tỷ lượt tải xuống trên quy mô toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát giúp cho nền tảng này lập kỷ lục về số lượt tải xuống nhiều nhất trong một quý, so với bất kỳ ứng dụng nào khác.
Tik Tok - Mối đe doạ an ninh mạng
Đối với ByteDance, các thị trường nước ngoài quan trọng nhất là Mỹ và Ấn Độ, nơi công ty này có nhiều người dùng tích cực nhất (ngoài Trung Quốc). Theo công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower, TikTok đã được tải xuống hơn 240 triệu lần ở Ấn Độ và tại Mỹ, ứng dụng đã được tải xuống hơn 165 triệu lần. Có lẽ, do sự phổ biến rộng lớn và ảnh hưởng xã hội của công ty, các quốc gia này đã chĩa mũi nhọn chính trị vào TikTok.
Vấn đề bảo mật thông tin đang là trung tâm cho làn sóng tẩy chay Tik Tok.
1Sau khi bị một tòa án ở miền nam bang Tamil Nadu ra lệnh cấm, ứng dụng video ngắn TikTok của Trung Quốc đã không còn hiển thị trên App Store hay Google Play ở Ấn Độ.
Cùng với đó, 58 ứng dụng khác từ Trung Quốc cũng đã bị cấm hoạt động tại đây. Đây được xem là thất bại cho nhà phát triển Bytedance, trong nỗ lực khai thác người dùng tại thị trường đông dân thứ hai thế giới.
Ấn Độ không phải là quốc gia châu Á đầu tiên cấm TikTok. Trước đó, tháng 6/2018, phiên bản hệ điều hành iOS 14 đã đưa ra cảnh báo TikTok thu thập dữ liệu người dùng từ bộ nhớ tạm.
Cụ thể, mỗi khi người dùng bắt đầu gõ bất cứ thứ gì vào khung bình luận, ứng dụng này lập tức lấy dữ liệu từ bộ nhớ tạm, nhưng lại không dán các dữ liệu này vào.
Với việc các ứng dụng có quyền truy cập vào bộ nhớ tạm mà không cần sự đồng ý của người dùng, các dữ liệu trong phân vùng này hoàn toàn có thể bị các ứng dụng thu thập một cách dễ dàng mà người dùng không hề hay biết. Các thông tin này có thể là mật khẩu, số điện thoại, email hay thậm chí là mã thẻ ngân hàng.
Trước cảnh báo từ iOS 14, đầu tháng 7/2018, chính quyền Indonesia đã đưa ra lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn này do chứa nhiều nội dung không phù hợp. Đến giữa tháng 2/2019, TikTok tiếp tục bị cấm ở Bangladesh.
TikTok cũng đã trở thành “trận tuyến” mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Cáo buộc nền tảng truyền thông xã hội như một "mối đe dọa an ninh mạng", chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc hoạt động tại Mỹ, trong đó bao gồm cả TikTok, do lo ngại rằng nền tảng trực tuyến này có thể chia sẻ thông tin với Chính phủ Trung Quốc - một cáo buộc mà phía TikTok kiên quyết phủ nhận. Trong khi đó, Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra về các hoạt động của TikTok thu thập thông tin cá nhân người dùng.
Đầu năm nay có tin cho rằng vì ứng dụng Tik Tok có những người dùng dưới 13 tuổi, nên theo luật pháp Mỹ về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em, việc thu thập dữ liệu về những người dùng này chỉ có thể được thực hiện nếu có sự đồng ý của cha mẹ họ.
Về phần mình, TikTok tuyên bố rằng công ty không ngừng cải tiến hệ thống bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng và sẵn sàng đưa ra một số hạn chế về quyền truy cập cho người dùng dưới 13 tuổi.
Trước đó, toàn bộ quân đội Mỹ đã bị cấm sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị chính.Tập đoàn Amazon cũng đã cấm nhân viên dùng ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok vì "những lý do an ninh".
Ngày 13/7, TikTok tiếp tục bị Hàn Quốc đưa vào "tầm ngắm" khi Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) cho biết nước này đang có những động thái tẩy chay ứng dụng tạo video TikTok sau khi có những nghi ngờ rằng nền tảng truyền thông xã hội phổ biến trên thế giới này đã gửi dữ liệu người dùng cho Chính phủ Trung Quốc. KCC cũng cáo buộc TikTok đã không nhận được sự đồng ý của đại diện pháp lý người sử dụng dưới 14 tuổi ở nước này.
KCC sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 15/7 về việc có xử phạt TikTok hay không và kết quả sẽ được công bố cùng ngày. Nếu KCC quyết định phạt tiền TikTok, công ty cung cấp ứng dụng này có thể phải trả tiền phạt tối đa là 3% doanh thu hàng năm.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận