Cố chủ tịch Lee từng tự tay đốt hàng đống đồ Samsung kém chất lượng
Chuyến đi Mỹ của Lee Kun Hee năm 1993 đã thay đổi cả Samsung. Trở về Hàn Quốc, chủ tịch Lee cho thu hồi số máy fax và điện thoại kém chất lượng trị giá 50 triệu USD do chính công ty mình sản xuất và tự tay phóng hỏa thiêu rụi.
- "Mổ ruột" soi nội thất Samsung Galaxy Note10 + 5G
- Công ty điện tử Samsung hôm nay tuyên bố đã đạt được tốc độ 5G nhanh nhất trong ngành
- "Tân binh" màn hình gập tiếp theo của Samsung: Galaxy Z Fold 2
Cố chủ tịch Samsung Lee Kun Hee (phải) đến thăm một nhà máy tại Việt Nam năm 2012. Đi cùng ông là người con trai duy nhất Lee Jae Yong (áo xanh), người được cất nhắc lên vị trí phó chủ tịch tập đoàn năm 2013. Ảnh: Reuters
Lee Kun Hee, người đưa Samsung trở thành tên tuổi toàn cầu, vừa trút hơi thở cuối cùng ngày 25/10 ở tuổi 78 sau 6 năm nằm viện.
Gần như cả cuộc đời của ông Lee chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Samsung Electronics. Từ một nhà sản xuất TV hạng hai, Samsung Electronics đã lột xác thành công ty công nghệ lớn nhất thế giới về doanh thu; vượt qua các thương hiệu Nhật Bản như Sony, Sharp và Panasonic về chip, TV và màn hình; chấm dứt vị thế thống trị của điện thoại Nokia và đánh bại Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh.
Những thành tựu đó không phải tự nhiên mà có dù trong mắt nhiều người ông Lee đã "ngồi sẵn trên vai người khổng lồ" khi tiếp quản cơ nghiệp từ cha.
Chuyển từ lượng sang chất
Samsung đã đứng ở vị trí trung tâm của nền kinh tế Hàn Quốc thời điểm ông Lee tiếp quản tập đoàn, với tổng tài sản vào thời điểm đó là 8 ngàn tỉ won. Con số này hiện đã tăng lên hơn 400 ngàn tỉ won tính đến tháng 5/2020.
Tư thế gập người của ông Lee - hậu quả của một vụ tai nạn giao thông - cùng giọng nói nhẹ nhàng, đôi mắt tròn và các biểu cảm khác đôi khi khiến nhiều người không nghĩ bên trong là một tính cách mạnh mẽ.
Năm 1993, 5 năm sau khi tiếp quản Tập đoàn Samsung, Lee Kun Hee cảm thấy thất vọng vì chưa tạo được dấu ấn. Ông triệu tập một nhóm giám đốc điều hành của Samsung Electronics và đến một cửa hàng của Best Buy ở Los Angeles (Mỹ) để kiểm tra thực tế sức hút của thương hiệu Samsung.
Đập vào mắt ông Lee là chiếc TV hiệu Samsung đang nằm phủ bụi trong góc dù có giá rẻ hơn TV cùng loại của Sony gần 100 USD. Cảm giác chỉ là công ty hạng hai dường như đã trở thành động lực thúc đẩy ông Lee thay đổi.
Sau cuộc họp tiếp theo kéo dài 9 giờ căng thẳng, chủ tịch Lee đã bắt đầu một sự thay đổi chiến lược tại Samsung: giành thị phần thông qua chất lượng chứ không phải số lượng.
Bốn tháng sau cuộc họp ở Los Angeles, Lee gọi các phụ tá của mình đến một phòng họp của khách sạn Frankfurt (Đức), nơi ông đưa ra kế hoạch "Quản lý mới", khuyến khích các giám đốc điều hành "thay đổi mọi thứ, ngoại trừ vợ và con của mình".
Các cuộc họp thường rất "khắc nghiệt", có khi kéo dài tới 10 tiếng. Nhiều người tham gia sợ tới mức không dám uống nước vì họ không muốn cắt ngang dòng suy nghĩ hay phát biểu của chủ tịch bằng cách đứng lên đi vệ sinh.
Trở về Hàn Quốc, Lee cho thu hồi số điện thoại di động và máy fax kém chất lượng trị giá khoảng 50 triệu USD rồi tự tay phóng hỏa đốt chúng. Quyết tâm thay đổi của ông Lee đã nhiều lần được chứng minh theo cách mạnh mẽ như thế.
Ông Lee Kun Hee (trái) tiếp quản vị trí chủ tịch Samsung năm 1987. Việc ông được trao lại cơ nghiệp, theo Hãng tin AFP, là một sự phá vỡ truyền thống Nho giáo vốn có ảnh hưởng mạnh ở Hàn Quốc rằng sự nghiệp phải được trao cho con trai trưởng. Ảnh: Reuters
Không cho phép tự phụ
"Môi trường kinh doanh bên ngoài không tốt nhưng bên trong tập đoàn không có dấu hiệu nào cho thấy mọi người đang lo lắng. Mọi người rất tự phụ. Tôi phải siết chặt quản lý và liên tục nhắc nhở cảnh giác khủng hoảng".
Khi đế chế của ông Lee đã trở nên quá to lớn, nó bắt đầu nhận được nhiều sự chú ý. Năm 2008, Lee bị cáo buộc quản lý một quỹ chính trị và giúp các con ông mua cổ phiếu của công ty Samsung với giá rẻ.
Các công tố viên không chứng minh được cả hai cáo buộc, nhưng Lee bị kết tội trốn thuế và tham ô. Ông xin lỗi, từ chức và trở lại sau khi được ân xá chỉ 2 năm sau đó.
Cố lãnh đạo Samsung thường được biết đến với những chuyến đi kéo dài nhiều tháng tới Hawaii và Nhật Bản trước các quyết định kinh doanh quan trọng, bao gồm cả việc thăng chức cho con trai Lee Jae Yong lên vị trí phó chủ tịch Samsung Electronics vào năm 2013.
Khi sức khỏe suy giảm, Lee ít tới trụ sở Samsung hơn và dành nhiều thời gian tại dinh thự riêng ở Seoul - điều khiến ông được đặt cho biệt danh "vị vua ở ẩn". Nhưng tầm ảnh hưởng của ông đối với Samsung vẫn không hề giảm sút.
Ông Lee Kun Hee chụp ảnh cùng các nhân viên Samsung năm 2011. Ảnh: Reuters
Bất kỳ khi nào Lee đi nước ngoài, sẽ có ít nhất 4 giám đốc điều hành của Samsung cùng đội ngũ hùng hậu nhân viên và an ninh công ty ra tận sân bay tiễn ông.
Tại trung tâm phát triển nguồn nhân lực của Samsung, hàng chục ngàn nhân viên tham dự các buổi đào tạo thường dành nhiều phút im lặng trước mô hình phòng họp tồi tàn của khách sạn Frankfurt, nơi chủ tịch Lee đã vạch ra chiến lược thay đổi Samsung khi xưa.
Vì hầu hết các nhân viên Samsung đều còn rất trẻ, mô hình là một sự nhắc nhở họ về việc cần thiết phải luôn suy nghĩ về khủng hoảng dù có đang trong giai đoạn an toàn và đỉnh cao.
Một trong những câu nói của cố chủ tịch Samsung thường được nhắc đi nhắc lại là "Trong thời đại cạnh tranh không giới hạn, chiến thắng hay thất bại sẽ phụ thuộc vào một số ít thiên tài. Một thiên tài sẽ nuôi sống 100.000 người".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận